Đại biểu Quốc hội kiến nghị không tập trung quyền lực về Bộ Y tế

Luật Khám chữa bệnh ban hành năm 2009, đến nay, nhiều quy định không đáp ứng được thực tiễn. Tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV vào tháng 10 tới đây, Luật Khám, chữa bệnh sửa đổi sẽ được biểu quyết thông qua. Thời điểm này, các ý kiến đóng góp đang liên tục được chuyển đến các cơ quan soạn thảo với mục tiêu bám sát vào thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi để ngành y tế hoạt động hiệu quả hơn.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương, cho rằng, trong cơ cấu giá khám, chữa bệnh, cần chú ý đến việc tính đúng, tính đủ để các bệnh viện tham khảo xây dựng bảng giá cho đơn vị mình. Ông đề xuất nên có cơ chế để bệnh viện tự xây dựng mức giá căn cứ theo mức độ tự chủ, sau đó đề xuất với Bộ Y tế.

Ông NGUYỄN ANH TRÍ, ĐBQH khóa XV, Đoàn ĐBQH Hà Nội: "Ví dụ tự chủ 1 phần thì cái gì được nhà nước đầu tư rồi thì anh không được thu giá đó. Tính thì cứ tính cho đủ, nhưng thu thì không được thu phần nhà nước. Còn tự chủ toàn phần thì vật tư tiêu hao phải được thu vào. Còn tự chủ toàn diện thì phải tính đúng tính đủ và đặc biệt là thuế".

Cơ cấu giá, khám chữa bệnh hiện được quy định tại điều 101 của Dự thảo. Thế nhưng, nhiều đại biểu cho rằng nội dung hiện nay chưa phản ánh đúng và đủ cho các đơn vị y tế.

Bác sĩ NGUYỄN VĂN BÌNH, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai: "Điều 101, sau 4 yếu tố cấu thành giá thì có các chi phí khác. Nhưng ghi chi phí khác thì cũng sẽ rất khó. Ở đây, có 2 nội dung kiến nghị ghi rõ thêm yếu tố cấu thành giá là chi phí đào tạo và chi phí công nghệ thông tin".

Các đại biểu đều nhìn nhận: Cơ chế tài chính ở các bệnh viện công lập là vấn đề rất quan trọng, Luật Khám, chữa bệnh sửa đổi cần chú trọng hơn để thay đổi nội dung này.

Bà TRẦN THỊ NHỊ HÀ, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, ĐBQH Khóa XV, đoàn ĐBQH TP Hà Nội: "Nếu cơ chế tài chính trong bệnh viện công lập mà như hiện nay, như cũ là vô cùng khó khăn. Hơn nữa, giám đốc bệnh viện đều là các bác sĩ, không có tư duy về quản trị, quản lý, rất dễ sai phạm".

Băn khoăn về dự thảo luật, bà Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, không có xứ sở nào bệnh viện phải loay hoay cơ chế tài chính, đấu thầu, cung ứng được thuốc, vật tư tiêu hao… như Việt Nam. Bà Lan đặt vấn đề: cần để các bệnh viện tự chủ thật sự trong tài chính, chứ không nên tập trung quyền lực về cơ quan quản lý.

Bà PHẠM KHÁNH PHONG LAN, ĐBQH Khóa XV, Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh: "Chúng tôi có cảm giác ở đây là gom hết về cơ quan quản lý. Bộ Y tế có làm nổi không? Rồi tới lúc ách tắc, chậm lại ai chịu trách nhiệm cho người dân? Luật chúng ta lạc hậu rồi. Từ 2009 đã lạc hậu rồi. Nhưng nếu cứ sửa luật theo hướng tập trung quyền lực để Bộ Y tế quản hết, Sở Y tế quản hết như thế này thì nó vẫn không phải là xu hướng cập nhật với thế giới, mà vẫn sẽ tiếp tục những hệ lụy".

Các đại biểu cũng nhấn mạnh, Luật khám chữa bệnh khi sửa đổi, quan trọng nhất là phải xác định theo yêu cầu thực tiễn khám chữa bệnh hiện nay. Có như vậy, mới trở thành hành lang pháp lý vững chắc, giúp ngành y tế phát huy được hiệu quả hoạt động.

Thực hiện : Phương Thảo - Tăng Sắc

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/dai-bieu-quoc-hoi-kien-nghi-khong-tap-trung-quyen-luc-ve-bo-y-te