Đại biểu Quốc hội lo 'chảy máu ngoại tệ' vì giá vàng và lãi suất

Các đại biểu lưu ý tình trạng chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế; lãi suất ngoại tệ của NHNN chưa được quan tâm dễ là nguyên nhân dẫn đến buôn lậu vàng, giảm nguồn kiều hối gây chảy máu ngoại tệ rất lớn ra nước ngoài.

Cơ bản đồng tình báo cáo KT-XH của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban kinh tế Quốc hội tại nghị trường sáng 29/5, tuy nhiên, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đưa ra những điểm Chính phủ cần quan tâm, như chất lượng tăng trưởng kinh tế còn thấp chưa đạt chỉ tiêu, năng suất lao động xã hội 3 năm liền không đạt, số DN rút lui khỏi thị trường cao hơn DN đăng ký mới.

Đại biểu chỉ rõ việc tăng trưởng tín dụng thấp trong khi DN tiếp cận vốn khó khăn, mặc dù lãi suất giảm sâu nhưng nợ xấu có xu hướng tăng và nợ đọng thuế lớn. Hoạt động cổ phần hóa, thoái vốn vốn của DNNN hầu như nằm im…

Đã đến lúc bỏ độc quyền vàng miếng

Đặc biệt tại thảo luận, đại biểu Phạm Văn Hòa lưu ý đến công tác quản lý thị trường vàng hiện còn nhiều bất cập, khi dẫn báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho thấy, thị trường vàng thời gian gần đây liên tục biến động mạnh. Giá vàng trong nước và thế giới luôn chênh lệnh ở mức cao dẫn đến tình trạng buôn lậu vàng xảy ra và có diễn biến phức tạp, làm chảy máu ngoại tệ và có khả năng tác động tiêu cực đến việc ổn định kinh tế vĩ mô. Do đó, cần phải có giải pháp dài hạn để quản lý và ổn định thị trường vàng, việc đấu giá vàng của NHNN chỉ là giải pháp tạm thời, giá vàng vẫn không giảm mà vẫn có xu hướng tăng.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp)

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp)

“Nên chăng đã đến lúc bỏ độc quyền vàng miếng và nhập khẩu vàng của NHNN, nhanh chóng sửa đổi, bổ sung Nghị định 24 của Chính phủ, cho phép DN nhập khẩu vàng nguyên liệu và in vàng miếng dưới sự quản lý chặt chẽ của NHNN. Có như vậy thị trường vàng sẽ ổn định, không phải lên xuống hằng ngày như hiện nay, khi lãi suất tín dụng thấp và thiếu hấp dẫn để người dân chọn lựa gửi tiền vào ngân hàng, kênh mua vàng dự trữ vẫn được người dân lựa chọn và sở dĩ giá vàng tăng cao một phần do nguồn cầu quá lớn, người dân rút tiền gửi ngân hàng để mua vàng”, đại biểu Phạm Văn Hòa nêu giải pháp.

Lo ngại chảy máu ngoại tệ vì chênh lãi suất

Đồng tình với quan điểm của Chính phủ muốn huy động 100.000 tỷ đồng cho đầu tư phát triển, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn (đoàn Bến Tre) cho đây là một trong những kênh huy động nguồn lực rất lớn cho đầu tư các công trình trọng điểm. Tuy nhiên, đại biểu quan tâm đến việc Chính phủ huy động nguồn ngoại tệ trong dân hiện nay vì lượng kiều hối của dân đang rất lớn, hơn 20 tỷ USD mỗi năm.

“Trong quá trình nắm giữ ngoại tệ, người dân luôn theo dõi động thái điều hành tỷ giá trung tâm của NHNN, nếu tỷ giá càng tăng người dân càng có tâm lý găm giữ ngoại tệ. Trong khi các nước xung quanh đều có lãi suất tiền gửi ngoại tệ, nhất là Mỹ lãi suất lên đến 5,5%/năm nhưng ở Việt Nam lãi suất chỉ bằng 0 rất có thể là nguồn cơn làm chảy máu ngoại tệ ra nước ngoài. Chính phủ nên tính toán làm sao để huy động được nguồn lực này, kể cả nội tệ và ngoại tệ để phục vụ cho đầu tư phát triển vì đây là nguồn lực rất lớn, thay bằng đi vay nước ngoài nên huy động ngay nguồn ngoại tệ trong nước vì nguồn này không thiếu”, đại biểu Sơn lưu ý.

Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn (đoàn Bến Tre)

Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn (đoàn Bến Tre)

Sớm thiết kế Chương trình tín dụng cụ thể

Thực trạng hiện nay nhiều DN đang khó khăn, đặc biệt là về thị trường đầu ra nên các DN giảm quy mô sản xuất, thậm chí dừng đầu tư. Trong khi người dân lại có tâm lý thận trọng, tiết kiệm chi tiêu dẫn đến không có nhu cầu vay vốn. Đây là nguyên nhân trọng yếu khiến độ hấp thụ vốn của nền kinh tế rất thấp, tín dụng khó tăng trưởng.

Quan tâm vấn đề này, đại biểu Trần Thị Quỳnh (đoàn Nam Định) nhận xét, các ngân hàng hiện nay vẫn đang tiếp tục cuộc chạy đua giảm lãi suất cho vay; nâng cao chất lượng dịch vụ để thu hút khách hàng cá nhân nhằm tăng trưởng tín dụng, nên các chương trình ưu đãi đưa ra cũng được tập trung hướng vào hoạt động sản xuất tiêu dùng của DN và người dân.

“Đà giảm lãi suất hiện tại có dấu hiệu chững lại và sẽ có khả năng tăng lên, như vậy chính sách tiền tệ của NHNN khó có thể nới lỏng được hơn nữa, thay vào đó sẽ chặt chẽ, chắc chắn hơn để đề phòng áp lực tỷ giá và lạm phát quay trở lại. Do đó, Chính phủ, NHNN cần có những chính sách ngành và các chương trình tín dụng cụ thể, nhằm hỗ trợ trực tiếp các nhóm ngành nghề, như dệt may và các sản phẩm mang tính trọng trọng yếu của nền kinh tế nhưng không gây áp lực tăng giá”, đại biểu Quỳnh đề xuất.

Đại biểu Trần Thị Quỳnh (đoàn Nam Định)

Đại biểu Trần Thị Quỳnh (đoàn Nam Định)

Ngoài ra, với những lĩnh vực khác như lương thực, hay một số dịch vụ công như giáo dục, y tế,… NHNN cũng cần rà soát lại những khoản vay cũ chịu lãi suất cao của các DN làm ảnh hưởng đến năng phục hồi của DN. Bởi trong nhiều năm của đại dịch và bối cảnh lạm phát, thu nhập thực của DN và người dân bị sụt giảm quá nhiều.

“Dù nền kinh tế gặp khó khăn nhưng những tháng đầu năm chúng ta lại thặng dư ngân sách, đó là dấu hiệu không tốt và chính sách tài khóa chưa thực sự nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế. Do đó, Chính phủ nên nới lỏng chính sách tài khóa bằng biện pháp giảm thuế thu nhập DN và thuế thu nhập cá nhân để hỗ trợ DN và người dân”, đại biểu Trần Thị Quỳnh đề xuất.

Nguyễn Quỳnh/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/dai-bieu-quoc-hoi-lo-chay-mau-ngoai-te-vi-gia-vang-va-lai-suat-post1098212.vov