Xem xét quy định miễn thuế cho một số hàng hóa nhập khẩu

Chiều 24/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi). Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã tham gia giải trình, làm rõ một số ý kiến đại biểu Quốc hội nêu.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Sử dụng công cụ thuế góp phần hỗ trợ phát triển văn hóa

Đại biểu Bùi Hoài Sơn (Hà Nội) cho biết, trên thế giới, có nhiều quốc gia đã sử dụng công cụ thuế như một trong những chính sách quan trọng để đầu tư, hỗ trợ cho phát triển văn hóa. Ở nước ta, qua nhiều hội nghị, hội thảo, nghiên cứu đã chỉ ra điểm nghẽn về ưu đãi thuế đối với lĩnh vực văn hóa. Đại biểu cho rằng, việc sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng lần này là cơ hội tốt để tháo gỡ một phần điểm nghẽn này, giúp tạo sự hấp dẫn, huy động nguồn lực cho phát triển văn hóa.

Đánh giá cao nỗ lực của cơ quan soạn thảo khi dự thảo Luật có thêm một số ưu đãi về thuế đối với hoạt động văn hóa, đại biểu Bùi Hoài Sơn góp ý: “Tại khoản 2 Điều 9 về đối tượng áp dụng mức thuế suất 5%, đề nghị giữ nguyên quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2008 đối với nhóm nội dung là hoạt động văn hóa, triển lãm thể dục thể thao, biểu diễn nghệ thuật, sản xuất phim nhập khẩu, phát hành và chiếu phim”. Theo đại biểu, việc tăng thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động văn hóa, thể thao sẽ hạn chế khả năng tiếp cận của nhân dân đối với các sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ mang tính công cộng này.

Cùng với đó, tại khoản 1 Điều 9, đại biểu Bùi Hoài Sơn đề nghị bổ sung nội dung về hàng hóa, dịch vụ cung cấp cho tổ chức nước ngoài sản xuất phim sử dụng bối cảnh quay tại Việt Nam, các dịch vụ sản xuất phim do tổ chức nước ngoài, tổ chức Việt Nam cung cấp theo quy định của Chính phủ. Đại biểu cho rằng việc không có chính sách ưu đãi thuế đối với các đơn vị làm phim nước ngoài là chưa phù hợp.

Đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng để góp phần giải quyết các bất cập trong thực tiễn cuộc sống và đáp ứng đòi hỏi của nền kinh tế thị trường đang phát triển.

Về đối tượng chịu thuế, đại biểu cho rằng, liệt kê như dự thảo Luật gồm 26 mục là rất cụ thể, đảm bảo việc triển khai thực hiện; tuy nhiên, trong đó có bổ sung quy định về một số trường hợp hàng hóa nhập khẩu không phải chịu thuế. Đại biểu đề nghị cân nhắc vấn đề này cho phù hợp thực tế vì hiện nay ở một số cửa khẩu, hằng ngày có từ 4-5 triệu đơn hàng qua biên giới nước ta được miễn thuế do có giá trị nhỏ, nếu tính thuế thì số thuế của mỗi gói hàng không kể, nhưng lại phải tốn nhân sự quản lý thu, gây chậm trễ thời gian. Song, nhìn nhận vấn đề ở khía cạnh khác, hiện nhiều nước trên thế giới đã bỏ quy định miễn thuế hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ để tạo bình đẳng cho hàng hóa sản xuất trong nước.

Bao quát các nguồn thu

Giải trình một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, thuế giá trị gia tăng có phạm vi điều tiết rất rộng, đánh vào hầu hết các loại hàng hóa, dịch vụ nên sẽ liên quan đến lợi ích của nhiều nhà sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, dự thảo cần được quy định theo hướng đảm bảo cho sản xuất, thương mại phát triển; quy định thống nhất theo đúng Chiến lược phát triển hệ thống thuế. Ban soạn thảo đã nghiên cứu chặt chẽ, đánh giá tác động của từng vấn đề liên quan đến chính sách thuế giá trị gia tăng, bao quát được các nguồn thu, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh, quy định trong luật phải đảm bảo phù hợp với xu thế của thế giới, để thuế thật sự là công cụ góp phần bảo vệ nền kinh tế và phải thích ứng với quá trình lãnh đạo, điều hành, quản lý nền kinh tế, đặc biệt là kinh tế vĩ mô. Do vậy, việc phân cấp cho Chính phủ là hết sức quan trọng, đảm bảo sự linh hoạt, hiệu quả trong quá trình điều hành.

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, các đại biểu Quốc hội nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng để khắc phục những bất cập, hạn chế của luật hiện hành; thể chế hóa chủ trương của Đảng về việc sửa đổi, bổ sung các luật về thuế, phí theo nguyên tắc thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tế, gắn với cơ cấu lại nguồn thu, mở rộng cơ sở thuế, nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế và áp dụng mức thuế suất hợp lý.

Các đại biểu đã tham gia nhiều ý kiến xác đáng vào nhiều điều khoản cụ thể như: về các nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thuế, đối tượng chịu thuế suất 0%, người nộp thuế, giá tính thuế, thời điểm xác định thuế giá trị gia tăng, các mức thuế suất, mức doanh thu bán hàng hóa dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng, kê khai khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào, quy định về hoàn thuế và điều khoản thi hành...

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khẳng định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo và các cơ quan có liên quan, nghiên cứu các ý kiến phát biểu tại hội trường và các ý kiến phát biểu tại tổ để tiếp thu, hoàn thiện dự án Luật trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 8.

Hiền Hạnh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/chinh-tri/xem-xet-quy-dinh-mien-thue-cho-mot-so-hang-hoa-nhap-khau-20240624183826192.htm