Đại biểu Quốc hội lo ngại khi vẫn tiếp diễn tình trạng sử dụng trẻ em trong hoạt động du lịch ở vùng cao
Đại biểu Quốc hội tỏ ra lo ngại khi tình trạng sử dụng trẻ em trong hoạt động du lịch ở vùng cao vẫn đang tiếp diễn.
Chiều 5/6, Quốc hội đã tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ tư thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao vào du lịch.
Tại phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung, ĐBQH tỉnh Thái Bình, nêu hiện tượng thương mại hóa, lạm dụng trẻ tại các phiên chợ vùng cao đã làm mai một và biến tướng nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số. Cụ thể hơn, nữ đại biểu cho biết: Nhiều trẻ em rất nhỏ được đưa đi biểu diễn, nhảy múa dưới trời mưa rét để xin tiền du khách, thâm chí có những em nhỏ mấy tháng tuổi đã bị mẹ địu trên lưng mang ra chợ xin tiền.
"Chúng tôi có hỏi thì nhiều em nói không được đi học, như vậy là quyền trẻ em không được bảo vệ", đại biểu Dung nêu băn khoăn và đề nghị Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết quan điểm về vấn đề trên, đồng thời có chính sách, khuyến cáo và giải pháp gì để vừa bảo tồn, phát huy được nét đẹp vừa giúp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số hội nhập với hiện đại.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng khẳng định, việc đưa trẻ em đến các phiên chợ biểu diễn và xin tiền là là hành vi trái luật. Hành vi này xảy ra ở đâu thì địa phương ở đấy phải quản lý.
Bộ trưởng nhấn mạnh đến vai trò của cộng đồng và chính quyền địa phương trong việc xây dựng các phiên chợ văn minh, giữ được văn hóa truyền thống dân tộc, vùng miền. Trẻ em thực sự có năng khiếu thì địa phương phải đưa vào đơn vị năng khiếu để đào tạo, để tương lai các em có thể trở thành những nghệ nhân bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc mình.
Về quyền của trẻ em cũng như độ tuổi sử dụng lao động, theo Bộ trưởng, chúng ta đã có luật quy định rất rõ. Vì vậy, việc cần làm bây giờ là phải tuyên truyền, giáo dục, phổ biến nhiều hơn nữa về luật trẻ em, quyền lợi của trẻ em, phạm vi độ tuổi lao động để nhân dân thấm nhuần, đặc biệt là tuyên truyền và nhắc nhở các bậc cha mẹ để họ hiểu rõ và không được lạm dụng trẻ em trong việc kiếm tiền.
"Bộ cũng có một phần trách nhiệm trong việc này, nhưng Bộ không phải là cấp xử lý vấn đề này. Khi phát hiện được các nội dung nêu trên, chúng tôi sẽ có văn bản trao đổi với các địa phương để xử lý", tư lệnh ngành văn hóa chia sẻ.
Theo kế hoạch, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ trả lời chất vấn các nhóm vấn đề:
+ Công tác tuyển chọn, đào tạo và chế độ chính sách đối với vận động viên thể thao, nghệ sĩ trong các lĩnh vực nghệ thuật; giải quyết việc làm cho vận động viên, nghệ sĩ sau thời kỳ thi đấu, biểu diễn đỉnh cao.
+ Việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp kích cầu, phục hồi du lịch trong năm 2024 và những năm tiếp theo; giải pháp phát triển sản phẩm du lịch đêm.
+ Chính sách đặc thù, thu hút đầu tư cho các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
"Chia lửa" với ông Hùng có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và Bộ trưởng một số bộ ngành liên quan cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.