ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI LO NGẠI VỀ LỢI ÍCH NHÓM TRONG CÔNG TÁC XÂY DỰNG PHÁP LUẬT

Sáng 15/8, tại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn về lĩnh vực tư pháp, vấn đề phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong công tác xây dựng pháp luật được đại biểu Quốc hội quan tâm chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long.

Toàn cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn lĩnh vực Tư pháp.

Trong bài phát biểu khai mạc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, các nhóm vấn đề được lựa chọn chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp đều là những vấn đề rất cấp thiết được cử tri, Nhân dân và các vị đại biểu Quốc hội rất quan tâm. Hoạt động chất vấn này góp phần hoàn thiện thể chế hệ thống pháp luật, nâng cao chất lượng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Phiên chất vấn sẽ là dịp để nhìn nhận, đánh giá chính xác các hạn chế, vướng mắc, đề ra những giải pháp thiết thực để nâng cao chất lượng công tác lập pháp, xây dựng, triển khai hiệu quả chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm, hoàn thành các nhiệm vụ lập pháp tại Kết luận 19 của Bộ Chính trị và Kế hoạch 81 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với chương trình xây dựng pháp luật toàn khóa.

Đồng thời, nâng cao chất lượng giám sát, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, góp phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật, bảo đảm sự ổn định, thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, góp phần hoàn thiện thể chế phát triển, nhất là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo Nghị quyết số 27 Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh – Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình cho rằng, các quy định của Hiến pháp, pháp luật về kiểm soát quyền lực trong hoạt động lập quy còn hạn chế. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết trong thời gian tới chúng ta cần phải tập trung thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp gì để thực hiện hiệu quả kiểm soát quyền lực trong hoạt động lập quy, qua đó góp phần quan trọng để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động lập quy.

Cùng quan điểm trên, đại biểu Trần Thị Thanh Hương – Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang nêu quan điểm, quyết tâm xuyên suốt của Đảng, của Quốc hội, của Chính phủ là hạn chế việc lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ được cài cắm vào các văn bản pháp luật, bởi đó cũng là một dạng tham nhũng. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết thêm về những chế tài cần phải nghiêm khắc hơn như thế nào và Bộ có giải pháp gì để tăng cường kiểm soát, chấn chỉnh đối với vấn đề này?

Đánh giá cao và ghi nhận Bộ Tư pháp trong thời gian qua đã làm tốt công tác tham mưu cho Chính phủ trong quản lý nhà nước đối với lĩnh vực thẩm định, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền, đại biểu Nguyễn Minh Tâm – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình nêu thực tế quá trình tổ chức thi hành văn bản dưới luật cho thấy một số nghị định của Chính phủ, thông tư của Bộ trưởng trong khâu ban hành một số nội dung quy định chi tiết, nhưng lại mở rộng hơn so với phạm vi được giao quy định chi tiết. Trước thực trạng đó có nhiều ý kiến cho rằng một số nội dung không thông qua được ở Quốc hội thì thiết kế theo hướng giao Chính phủ, bộ, ngành quy định chi tiết để dễ thông qua và dễ mở rộng thêm nội dung theo ý của cơ quan soạn thảo. Đại biểu băn khoăn liệu đây có thể coi là dấu hiệu của lợi ích nhóm, tiêu cực trong xây dựng, ban hành chính sách, Bộ trưởng Bộ Tư pháp có giải pháp nào để khắc phục?

Trả lời vấn đề đại biểu nêu liên quan đến kiểm soát quyền lực, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long khẳng định, khi thiết chế vấn đề này trong Hiến pháp năm 2013 đã được thảo luận rất nhiều. Cần thống nhất về quan điểm đó là kiểm soát quyền lực của cơ quan lập pháp, cơ quan giám sát là Quốc hội, cơ quan dân cử. Đối với cơ quan hành pháp cũng có nhiều biện pháp. Chính phủ phải báo cáo giải trình hoặc cử các thành viên trả lời chất vấn, gửi Quốc hội mấy chục báo cáo mỗi năm. Ngoài ra, còn có giám sát của các đại biểu Quốc hội, của các Ủy ban, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội. Đây là hình thức giám sát rất tốt, hiệu quả.

Vấn đề đặt ra là Chính phủ giám sát quyền lực như thế nào, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là những thiết chế hiến định đã có quy định trong Hiến pháp và Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các luật có liên quan.

Bộ trưởng nêu hiện tượng một số cơ quan tham mưu vì lợi ích, bảo vệ ngành ban hành các văn bản chưa chính xác nhưng hiện đã có các công cụ xử lý, ví dụ như vai trò của Thủ tướng Chính phủ trong việc đôn đốc, động viên, xem xét xử lý kỷ luật những chủ thể ban hành hoặc không thực hiện đúng thẩm quyền; không thực hiện hoặc thực hiện không đúng.

Bộ trưởng hy vọng sẽ có những công cụ tốt hơn nữa và hiệu lực hơn nữa, đặc biệt các quy định của Đảng, kết luận của cơ quan kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán là một cảnh tỉnh để các bộ, các ngành, các cơ quan, trong đó có cả Bộ Tư pháp ý thức hơn về thực hiện trách nhiệm của mình.

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 126 về một số các biện pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong công tác xây dựng pháp luật, trong đó chỉ rõ những biện pháp cụ thể và rõ ràng, trọng tâm, trọng điểm, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết.

Giải trình chất vấn của đại biểu Trần Thị Thanh Hương – Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang về lợi ích nhóm, vấn đề tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng pháp luật, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho rằng cần thực hiện nghiêm những quy định trong lĩnh vực công chức, công vụ và phải cụ thể hóa các yếu tố để xem xét xử lý kỷ luật. Có thể lấy việc thực hiện chậm, không đúng quy định trong công tác xây dựng pháp luật làm tiêu chí đánh giá hoàn thành công việc của cán bộ, công chức, viên chức.

Về chế tài hình sự, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long khẳng định, hiện nay thông qua một số các vụ việc về điều tra, truy tố, xét xử, kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán đã có những phân tích về các vi phạm và chừng mực nào đó gọi là lợi ích nhóm trong công tác xây dựng pháp luật. “Thẩm quyền ban hành không đúng, ban hành gấp gáp, sai lệch chính sách. Trong một số vụ việc cụ thể có thể thấy đã có tình hình này. Nếu có đầy đủ các yếu tố cấu thành, kỷ luật đảng, Quy định 69 về tổ chức kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên vi phạm và sắp tới có quy định của Bộ Chính trị về vấn đề này”.

Bộ trưởng Lê Thành Long cũng khẳng định có tình trạng các quy định hướng dẫn thực hiện luật mở rộng phạm vi hoặc hạn chế phạm vi của nghị định so với luật. Về vấn đề này, tư lệnh ngành Tư pháp ghi nhận và cảm ơn những ý kiến của đại biểu Quốc hội và sẽ tiếp tục nghiên cứu, cân nhắc kỹ trong quá trình tham mưu trong chức năng, nhiệm vụ, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có biện pháp trước mắt cũng như lâu dài để giải quyết.

Lan Hương

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=78942