Đại biểu Quốc hội lo thiếu môi trường để người tài thi triển

Thảo luận ở hội trường Quốc hội sáng nay (24/10) về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận liên quan đến chính sách đối với người có tài năng trong dự thảo luật.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương phát biểu tại hội trường Quốc hội

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương phát biểu tại hội trường Quốc hội

Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận), khái niệm "người tài năng trong hoạt động công vụ" ở Điều 6 cho là những cán bộ, công chức có năng lực chuyên môn vượt trội, có đóng góp lớn và hiệu quả cho cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc lĩnh vực mà ít người đạt được.

Đại biểu Cương cho rằng, việc hiểu thế nào cho đúng là người có chuyên môn vượt trội cũng khó, bởi trong thực tế chúng ta rất khó để có thể định lượng được. Vả lại, những người không có khả năng vượt trội nhưng lại có rất nhiều những đóng góp cho cơ quan, tổ chức nếu như theo quy định này thì lại chưa chắc đã được ghi nhận là người tài, chưa nói đến việc công nhận người tài như thế nào. Nếu như các quy định là có năng lực vượt trội thì rất có thể lại “có cửa” để đưa những công chức thuộc diện “5C” vào những đối tượng này để hưởng chính sách trọng dụng và chế độ đãi ngộ.

“Với tư cách người đứng đầu cơ quan, tổ chức, tôi nghĩ rằng điều cần nhất đối với cấp dưới và người lao động của mình đó là ý thức trách nhiệm trong công việc. Tôi cho rằng, có tài năng xuất chúng đến mấy nhưng không có ý thức trách nhiệm thì cũng chẳng để làm gì cả”, ông Cương phát biểu.

Về vấn đề nâng ngạch, vị đại biểu thuộc đoàn Ninh Thuận cho biết, việc thi nâng ngạch đã thực hiện từ năm 1995, 1996, tức là khoảng 23-24 năm thực hiện quy định về nâng ngạch. Nhưng mục tiêu đề ra là để có một đội ngũ cán bộ, công chức có trình độ chuyên môn đáp ứng được yêu cầu phát triển thông qua thi nâng ngạch thì không đạt được. Chính vì vậy, việc thi nâng ngạch phải căn cứ vào vị trí việc làm và phù hợp với cơ cấu của cơ quan, tổ chức.

Tuy nhiên, quy định như vậy nhưng trên thực tế không thực hiện được bởi vì, chỉ căn cứ vào tiêu chuẩn, điều kiện được dự thi, được cơ quan cử đi là được, nhiều cơ quan thì cơ cấu ngạch không có, chưa nói đến vị trí việc làm. Hơn nữa về tiêu chuẩn dự thi nâng ngạch, rất nhiều tiêu chuẩn, chủ yếu thể hiện trên văn bằng, chứng chỉ. Rất nhiều người sợ thi môn ngoại ngữ, vì trình độ ngoại ngữ có hạn chế. Có người nộp hồ sơ thi bị gạt ra vì không có chứng chỉ ngoại ngữ, mấy hôm sau có chứng chỉ ngoại ngữ lại được chấp nhận và cơ quan chấp nhận một cách rất đơn giản.

Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) tỏ ra rất phấn khởi khi có đến 2/3 các đại biểu Quốc hội phát biểu trước ông đều nhấn mạnh đến trọng dụng hiền tài. Theo ông, người tài phải phân loại ra ở từng lĩnh vực cụ thể. Trong chính trị đó là những người khởi xướng được chính sách, trong điều hành phải tinh thông về luật pháp để vận hành bộ máy, trong khoa học phải có phát minh sáng kiến, trong lao động thì phải lành nghề, có biệt tài để làm ra những sản phẩm đặc thù, trong văn hóa, nghệ thuật có những tác phẩm để lại cho muôn đời.

“Hiện giờ chúng ta đang rất cần nhân tài. Triết lý phát triển của các “quốc gia hóa rồng” số 1 là hiền tài, tôi rất vui Quốc hội đã bàn đến điều này rất sôi động và đến lúc chúng ta phải bàn việc này thực sự. Trọng dụng nhân tài phải thực tâm chí thành, có như vậy đất nước chúng ta mới phát triển được”, ông Vân phát biểu.

Tranh luận lại với đại biểu Lê Thanh Vân, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (TP. Hà Nội) cho biết, có rất nhiều tỉnh rải thảm đỏ mời thạc sĩ, tiến sĩ về làm việc cho mình. Có nhiều tỉnh, thành phố đã có chương trình đào tạo nhân tài, cử đi nước ngoài đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ. Xin hỏi có bao nhiêu % thạc sĩ, tiến sĩ đó phát triển được, đóng góp được cho tỉnh, thành phố đó. Chúng ta biết có rất nhiều thạc sĩ, tiến sĩ nước ngoài về đang thất nghiệp.

Hỏi những người đó được đào tạo tốt như vậy, họ có phải nhân tài hay không. Câu trả lời là không, họ là người giỏi, người có khả năng, ông Tuấn đặt câu hỏi và cho rằng: Nhân tài muốn phát triển cần có một môi trường thật tốt. Giống như hạt giống tốt phải gieo đất tốt thì mới đơm hoa kết trái.

Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Quang Tuấn, hạt giống tốt, đất tốt nhưng tâm không tốt thì sao, có rất nhiều người giỏi, môi trường rất tốt nhưng họ lại không có đủ nhiệt huyết cống hiến, họ không thể đưa ra sáng kiến, đưa ra những đề tài tốt cho xã hội, thậm chí có người có cả 3 yếu tố đó, vừa giỏi, vừa có môi trường, vừa có nhiệt huyết, nhưng tâm đóng góp của họ không cho đất nước, cho cá nhân, cho quyền lợi ích nhóm thì liệu họ có là người tài chúng ta công nhận hay không.

"Câu trả lời là không", ông Tuấn thẳng thắn và cho biết, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: Một nhân tài là người có tài, người giỏi và có tâm. Nếu có tài mà không có tâm là người phá hoại, có tâm mà không có tài là người vô dụng. Do vậy, một nhân tài phải tổng hòa giữa giỏi, có tâm, chí công vô tư và đầy đủ nhiệt huyết đóng góp cho tập thể, cho tổ chức, cho đất nước.

"Bên cạnh việc xây dựng chính sách cho người có tài năng thì cần tiếp tục có các quy định, các giải pháp để thực hiện tốt hơn nữa, thực chất hơn trong công tác phân loại, đánh giá cán bộ, công chức, từ đó có những chính sách đãi ngộ tốt hơn cho từng mức độ hoàn thành nhiệm vụ", đại biểu Huỳnh Cao Nhất (Bình Định) đóng góp cho dự thảo Luật. Theo ông, như vậy sẽ góp phần quan trọng để đội ngũ cán bộ, công chức phấn đấu, có nhiều đóng góp xuất sắc cho công việc và từ đó phát hiện nhiều người có tài năng trong hoạt động công vụ để đào tạo, bố trí sử dụng và phát huy họ tốt hơn.

Trước đó, giải trình tiếp thu về chính sách đối với người có tài năng (khoản 2 Điều 1), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết: một số ý kiến đề nghị bổ sung trong Luật khái niệm “người có tài năng”; làm rõ khái niệm “người có tài năng trong hoạt động công vụ”. Có ý kiến cho rằng không thể xây dựng khái niệm “người có tài năng” để áp dụng chung cho tất cả các ngành, nghề, địa phương. Có ý kiến đề nghị bổ sung một số nguyên tắc chung trong việc xác định cơ chế, chính sách thu hút, trọng dụng, đãi ngộ người có tài năng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, người có tài năng nói chung là một khái niệm rất rộng, tương ứng với mỗi ngành, lĩnh vực thì các tiêu chí và yêu cầu đối với người có tài năng là không giống nhau. Vì vậy, việc xây dựng một khái niệm chung về người có tài năng trong Luật này là khó khả thi. Trong phạm vi của Luật Cán bộ, công chức, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho bổ sung khái niệm “người có tài năng trong hoạt động công vụ” và quy định về chính sách trọng dụng, đãi ngộ, cơ quan có thẩm quyền quy định về khung chính sách, quyết định áp dụng chế độ, trọng dụng đãi ngộ người có tài năng trong hoạt động công vụ để bảo đảm tính thống nhất, phù hợp với thực tiễn.

Dương Công Chiến

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/dai-bieu-quoc-hoi-lo-thieu-moi-truong-de-nguoi-tai-thi-trien-93835.html