Chia sẻ kinh nghiệm: Bài học truyền thông từ vụ livestream bán sầu riêng
Tuần qua, mạng xã hội dậy sóng trước vụ việc 'vạ miệng' của một nhà vườn, đại diện nhãn hàng FoodMap.asia trong phiên livestream bán sầu riêng lớn nhất từ trước đến nay trên kênh TikTok của Hằng Du mục.
Hậu quả là dù tỉ lệ hoàn trả đơn hàng chỉ dưới 2% nhưng gian hàng bị đánh giá 2,9/5 sao và hiện không còn hiển thị sản phẩm nào. Đại diện nhãn hàng thừa nhận "đội ngũ FoodMap thật sự ngỡ ngàng vì tình huống vượt ngoài kinh nghiệm của một công ty khởi nghiệp còn non trẻ" trong phát ngôn được đưa ra.
Bình luận về chuyện trên, ThS Lê Anh Tú, giảng viên Khoa Quan hệ Công chúng - Truyền thông Trường ĐH Văn Lang (TP HCM), cho rằng dù hơi chậm nhưng người livestream, đại diện nhãn hàng cũng đã xin lỗi trong vòng 72 giờ và vụ việc đã "êm xuôi". Vụ việc cũng là bài học cho nhiều đơn vị khởi nghiệp khác trong việc cần chuẩn bị ứng phó khủng hoảng truyền thông. Bởi lẽ, bên cạnh tài sản hữu hình, những tài sản vô hình - trong đó có thương hiệu - cần được quan tâm bảo vệ từ sớm. Nếu doanh nghiệp xử lý tốt thì cũng là cơ hội để giành lấy thiện cảm của khách hàng, gia tăng thị phần và là điểm cộng trong mắt các nhà đầu tư khi gọi vốn.
"Đặc điểm của doanh nghiệp khởi nghiệp là chưa có kinh phí, kinh nghiệm cũng như các mối quan hệ để xử lý khủng hoảng truyền thông. Khi đó, cần ghi nhớ các nguyên tắc cơ bản như: phản ứng kịp thời, không để quá 72 giờ. Người đứng đầu, đại diện doanh nghiệp có thể đưa ra phản hồi bằng văn bản hoặc livestream trực tiếp. Doanh nghiệp khởi nghiệp có thể xử lý mọi việc không chuyên nghiệp, không hoàn hảo nhưng quan trọng nhất là phải cho dư luận thấy sự chân thành" - ThS Lê Anh Tú gợi ý.
Theo chuyên gia về truyền thông này, ngay khi bước ra thương trường, doanh nghiệp dù non trẻ vẫn có nguy cơ gặp khủng hoảng về truyền thông nên người đứng đầu cần có sự quan tâm chuẩn bị sớm. Đây là lĩnh vực cần được trang bị kiến thức cũng như các công cụ từ sớm trong quá trình bắt đầu của một dự án khởi nghiệp.