Đại biểu Quốc hội lo tình trạng sao chép quy hoạch
Chiều nay (30/5), Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch.
Còn những khoảng trống pháp lý
Băn khoăn về chất lượng của các quy hoạch, đại biểu Tạ Văn Hạ, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam cho biết, chúng ta đang gặp rất nhiều vướng mắc, từ cơ sở pháp lý; nguồn lực, năng lực đội ngũ đơn vị tư vấn; quản lý nhà nước…, đặc biệt là hạn chế về nguồn kinh phí.
Đại biểu Hạ nhấn mạnh, một lĩnh vực quan trọng như vậy mà kinh phí dành cho đầu tư quá ít thì hiển nhiên chất lượng sẽ không đảm bảo.
Còn đại biểu Vũ Xuân Hùng, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa chỉ rõ, sau hơn 3 năm Luật Quy hoạch có hiệu lực, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành nhiều luật, pháp lệnh, nghị quyết liên quan đến Luật Quy hoạch nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khắc phục các điểm nghẽn trong triển khai thực hiện Luật Quy hoạch.
Đại biểu Vũ Xuân Hùng nhìn nhận, các văn bản hướng dẫn lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, ban hành rất chậm. Một số văn bản hướng dẫn của các Bộ ban hành chưa phù hợp và đồng bộ với Luật Quy hoạch.
Đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn khi nhiệm vụ lập quy hoạch là nhiệm vụ mới, khó và phức tạp nhưng cùng một lúc, có đơn vị tư vấn cho đến 21 tổ chức làm quy hoạch. Trong khi hiện nay chưa có đánh giá chất lượng quy hoạch. Đại biểu đặt vấn đề liệu có tình trạng sao chép quy hoạch hay không?
Làm tốt quy hoạch tích hợp quy hoạch
Bày tỏ tán thành với nội dung báo cáo giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”, đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội nhấn mạnh việc ban hành Luật Quy hoạch đã giảm được hàng trăm quy định của pháp luật về quy hoạch, giúp giảm chi phí, công sức cho việc lập, thực hiện quy hoạch, xóa bỏ tình trạng chồng chéo, cản trở do phải tuân thủ quá nhiều quy định pháp luật khác nhau.
Việc tích hợp quy hoạch đã tạo cơ chế tăng động lực điều phối của Nhà nước, của các ngành, chia sẻ dữ liệu hình thành hệ thống thông tin chung về quy hoạch, nhằm khai thác các nguồn lực một cách thống nhất, công khai, minh bạch, xóa bỏ tình trạng tự điều chỉnh, tự quy hoạch.
Về việc chậm tiến độ quy hoạch, đại biểu nhấn mạnh cần làm rõ nguyên nhân vì sao chậm, vì sao quy hoạch cấp dưới đã được phê duyệt có nguy cơ phải điều chỉnh, và nếu phải điều chỉnh, ai sẽ chịu chi phí bồi thường cho nhà đầu tư? Vì sao một số chỉ tiêu quy hoạch của ngành vừa được phê duyệt đã trở nên không phù hợp?
Nhấn mạnh quy hoạch tích hợp không đơn thuần là ghép nối quy hoạch một cách cơ học đơn thuần, đại biểu cho rằng để thực hiện tốt tích hợp quy hoạch, quá trình lập quy hoạch phải tiến hành đồng thời ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương, để cùng đưa ra các phương án quy hoạch, cùng trao đổi, thảo luận, đi đến phương án chung thống nhất.
Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị, trong các phương án quy hoạch phải quy hoạch các nguồn lực để dành cho phát triển các sản phẩm đã đặt ra trong mục tiêu chiến lược của tỉnh, của vùng, của ngành.
Để đảm bảo chất lượng các kế hoạch, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng, Đoàn ĐBQH TP Cần Thơ cho đề nghị cần có nghiên cứu, phân tích, đánh giá toàn diện hơn về kinh nghiệm quốc tế đối với việc xây dựng hệ thống quy hoạch, phương pháp lập và triển khai các loại quy hoạch, mối quan hệ giữa các loại quy hoạch với nhau, đặc biệt là có đánh giá cụ thể về thành công, hạn chế và bài học kinh nghiệm của các nước và gợi ý chính sách cho Việt Nam.
Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, cần lựa chọn và tập trung vào một số quy hoạch quan trọng, then chốt nhất đóng vai trò định hướng và dẫn dắt cho các quy hoạch khác. Đồng thời, đề xuất các cơ chế, chính sách đột phá về cách thức và nguồn kinh phí để lựa chọn được các đơn vị tư vấn đủ tầm, giàu kinh nghiệm, có chất lượng cao, có sự kết hợp tư vấn trong và ngoài nước đặt hàng để tập trung triển khai các kế hoạch then chốt nêu trên.
Cho rằng công tác quy hoạch của chúng ta còn nhiều bất cập trong quá trình thực hiện, đại biểu Nguyễn Quang Huân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương cho rằng, Luật Quy hoạch 2017 ra đời đã tác động sâu rộng đến nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế.
Tuy nhiên, hiện chưa có quy định nêu rõ nội hàm của nội dung này nên rất khó trong quá trình tư vấn. Ngay trong báo cáo TP.HCM gửi cho Đoàn giám sát cũng nêu: trong quy hoạch có tới 74 nội dung quy hoạch. Đại biểu cho rằng, trong thực tế, rất khó có một công ty tư vấn nào có thể đủ các nhân viên am hiểu tất cả các ngành nghề trong quy hoạch để có thể tư vấn.
Theo đại biểu, nếu phải quy hoạch nhiều ngành nghề, đề nghị nội dung tích hợp cần phải tích hợp những nhóm ngành nghề liên quan đến nhau như quy hoạch xây dựng, quy hoạch đất đai, quy hoạch tài nguyên hay thậm chí có thể mở rộng quy hoạch nông nghiệp và phát triển nông thôn… Nhưng còn những ngành nghề, lĩnh vực không liên quan đến nhau, cách nhau quá xa thì phải hết sức cân nhắc để đảm bảo công tác tích hợp phù hợp, hiệu quả trong thực tế.
Tiếp thu những ý kiến xác đáng của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà cho biết, bất cập đầu tiên trong công tác quy hoạch là rất khó khăn về mặt kỹ thuật trong việc đưa ra một quy hoạch cấp tỉnh, cấp quốc gia có khả năng tích hợp. Bất cập thứ hai là quy hoạch cần dựa trên cơ sở thực tiễn, chiến lược kinh tế - xã hội được Đại hội Đảng thông qua.
Quy hoạch sử dụng đất đai và một số quy hoạch khác đều là những quy hoạch tích hợp. Theo Bộ trưởng, việc đưa tất cả những yêu cầu, mục tiêu phát triển cùng xuất hiện trong một quy hoạch là một điều rất khó khăn trên thực tế.
Hiện nay chúng ta đã có Nghị quyết 751/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tháo gỡ khó khăn trong tổ chức, thực hiện Luật Quy hoạch. Nghị quyết này đã tháo gỡ những khó khăn về mặt kỹ thuật, để giải quyết những vấn đề mới. Bộ trưởng cho rằng cần thực hiện lập đồng thời các quy hoạch, tuy nhiên cần phối hợp có hiệu quả hơn nữa giữa các cấp, các ngành trong việc lập quy hoạch.
Cho rằng Luật Quy hoạch là rất quan trọng, Bộ trưởng cho rằng cần có sự quản lý chặt chẽ và hợp lý các quy hoạch, cần tích hợp các quy hoạch để đảm bảo mối quan hệ hữu cơ, hài hòa và thống nhất giữa các quy hoạch.