Đại biểu Quốc hội: 'Miễn học phí rồi, làm sao hạn chế các khoản thu khác'
Đại biểu Quốc hội cho rằng, Nhà nước cơ bản lo được vấn đề lớn là miễn, hỗ trợ học phí cho học sinh thì cũng nên hạn chế các khoản thu khác vì 'các loại phí không phải ít đâu'.
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 9, chiều nay (22/5), đại biểu Quốc hội thảo luận tổ Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân; Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi.
Cần quan tâm trẻ nhỏ là con của người lao động tự do
Nêu ý kiến về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng, nghị quyết đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, là chính sách đúng đắn, nhân văn và rất cần thiết, hướng đến tập trung nuôi dưỡng, dạy dỗ thế hệ khỏe mạnh, văn minh, trí tuệ.
Bên cạnh trẻ em vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, con công nhân, ông đề nghị quan tâm các cháu là con người lao động tự do như phụ hồ, bán hàng rong, giúp việc gia đình…vì đối tượng này thực sự khó khăn, thu nhập bấp bênh.
Còn Đại biểu Trương Xuân Cừ (đoàn Hà Nội) thì bày tỏ “đây là khao khát, mong muốn từ lâu”, song đề xuất bên cạnh chính sách miễn học phí thì làm thế nào các trường công lập hạn chế mức đóng phí khác .
“Học thêm, dạy thêm này khác vừa phải thôi, nhưng bằng ngân sách hết đi, như thế mới ưu việt toàn diện. Ở các trường ở Hà Nội, các loại phí không phải ít đâu. Nhà nước cơ bản lo được cái lớn, đừng vì cái khác mà ảnh hưởng chính sách ưu việt của mình”, ông nói.
Liên quan phổ cập giáo dục mầm non, vị đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội lưu ý việc xây dựng đề án sẽ không đơn giản, nhất là ở khu vực miền núi. Như phân bố dân cư rộng thì có 4-5 cháu thì có được mở lớp không, đặt ở đâu? Giờ nhập 3 xã thì có thành lập 1 trường mầm non trung tâm xã không, các điểm bản thế nào? Điều này cần giao trách nhiệm địa phương nghiên cứu xây dựng.
“Miền núi có thể có đặc thù, 10 cháu cũng quý, 5-6 cháu cũng chịu. Không thì đã yếu, kém thì càng khó khăn. Do đó cần cơ chế chính sách phù hợp vùng miền”, ông Trương Xuân Cừ góp ý.

Đại biểu Trương Xuân Cừ phát biểu thảo luận tổ
Đại biểu Nguyễn Thị Lan (đoàn Hà Nội) cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam đang đối mặt với tỷ lệ sinh thấp ở nhiều đô thị lớn và bước vào giai đoạn già hóa dân số, thì việc miễn, hỗ trợ học phí sẽ giúp các gia đình yên tâm sinh và nuôi con, từ đó góp phần thực hiện mục tiêu duy trì mức sinh thay thế, bảo đảm cơ cấu dân số hợp lý, phát triển bền vững đất nước.
Đồng thuận với việc bố trí từ ngân sách nhà nước, tuy nhiên, đại biểu cho rằng cần đánh giá kỹ khả năng cân đối ngân sách của các địa phương, đặc biệt là các tỉnh chưa tự cân đối được ngân sách, chính phủ cần tính toán cấp bù để đảm bảo nguồn cho các địa phương này để tránh trường hợp chính sách tốt nhưng không đủ nguồn lực thực hiện, dẫn đến chậm trễ hoặc không đồng đều trong triển khai.
Nhấn mạnh thời gian qua Hà Nội rất quan tâm và ưu tiên nguồn lực cho giáo dục, đào tạo, ông Nguyễn Ngọc Tuấn – Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội cho biết, sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết, Chính phủ có nghị định thì Hà Nội sẽ sớm triển khai thực hiện.
Vừa qua, HĐND TP sau khi có ý kiến chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy đã có nội dung liên quan miễn giảm học phí khoảng 800 tỷ đồng. Nếu thực hiện theo chính sách mới sau khi được Quốc hội thông qua thì dự kiến khoảng 1.800 tỷ đồng và Hà Nội sẽ nghiên cứu bố trí.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng thông tin, Tổng Bí thư còn giao Hà Nội nghiên cứu bữa ăn trưa cho học sinh. Hiện UBND TP đang nghiên cứu báo cáo thành ủy và HĐND.
Nghiên cứu tổ chức buổi học thứ 2 và không thu học phí
Phát biểu làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu ra, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, Quốc hội quyết định định hướng, mục tiêu chính sách về phổ cập giáo dục mầm non và giao Chính phủ xây dựng đề án chi tiết triển khai trong 5 năm. Quá trình này sẽ công phu, song cũng đầy thách thức vì không chỉ nguồn lực mà còn nhiều yếu tố khác.
Liên quan miễn, hỗ trợ học phí, các tỉnh chưa cân đối được ngân sách sẽ được ngân sách Trung ương cấp bù để hỗ trợ. Hơn 30.000 tỷ đồng mà Chính phủ trình Quốc hội đã tính đến cấp bù cho địa phương.
Hiện Bộ GD-ĐT đang khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo nghị định thay thế Nghị định 81,97 và dự kiến trong tháng 6 hoàn thành để sớm ban hành làm căn cứ triển khai trong thực tế.
Về vấn đề làm sao hạn chế thu các khoản khác, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, hiện có dạy thêm trong trường học đối với 3 đối tượng: Học sinh có học lực còn yếu, bồi dưỡng học sinh giỏi và ôn thi tốt nghiệp. Thông tư 29 nêu rõ không thu học phí, nhà trường có trách nhiệm tổ chức và việc xem xét hỗ trợ cho nhà trường, giáo viên là tùy theo điều kiện của địa phương.
Ngoài ra, trong Thông báo Kết luận của Tổng Bí thư gửi ngành giáo có nội dung lên phương án tổ chức buổi học thứ 2 cho học sinh trong nhà trường. Bộ sẽ chuẩn bị phương án với tinh thần không được thu học phí từ phía người học. Chủ trương này sẽ được triển khai từ năm học mới, như thế cũng sẽ hướng đến giáo dục phổ thông công lập không thu học phí.