Đại biểu Quốc hội: Nếu chậm trễ sẽ bỏ lỡ 'thời điểm vàng' để phát triển kinh tế - xã hội

Tại phiên thảo luận về phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước của kỳ họp thứ ba ngày 2-6, đại biểu Quốc hội cho rằng, các nghị quyết về phục hồi, phát triển kinh tế nếu chậm trễ trong triển khai thì sẽ bỏ 'lỡ thời điểm vàng'để phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả nhất.

Nhiều nội dung công việc vẫn đang dừng ở việc “sẽ ban hành văn bản”

Nêu ý kiến tại hội trường, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) bày tỏ quan ngại về tình hình chậm trễ trong việc triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội (sau đây gọi tắt là Nghị quyết 43).

Đại biểu cho biết, mặc dù ngay sau khi Nghị quyết 43 được ban hành, Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị quyết số 11 vào ngày 30-1-2002 về triển khai Nghị quyết 43.

“Nghĩa là chỉ sau 19 ngày Nghị quyết số 43 được ban hành, Chính phủ cũng đã xác định rõ tính khẩn trương của các chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội khi đề ra các nhiệm vụ thực hiện theo lộ trình và theo thời hạn thực hiện cụ thể”, đại biểu nói và cho biết các đại biểu và đông đảo cử tri đánh giá cao sự vào cuộc khẩn trương, tích cực và quyết liệt của Chính phủ.

 Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga: Đến nay đã sang tháng 6-2022 mà có rất nhiều nội dung công việc vẫn đang dừng ở việc “sẽ ban hành văn bản”. Ảnh: Trọng Hải

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga: Đến nay đã sang tháng 6-2022 mà có rất nhiều nội dung công việc vẫn đang dừng ở việc “sẽ ban hành văn bản”. Ảnh: Trọng Hải

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh, đến nay đã sang tháng 6-2022 mà có rất nhiều nội dung công việc vẫn đang dừng ở việc “sẽ ban hành văn bản”…

Đại biểu nhấn mạnh, tính thời điểm của Nghị quyết 43 có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Nếu chậm trễ trong triển khai thì chúng ta sẽ bỏ lỡ "thời điểm vàng” để các chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội phát huy hiệu quả cao nhất.

Theo nữ đại biểu, đến thời điểm này, khi các bộ, ngành còn đang loay hoay với việc rà soát và dự thảo văn bản, thì có những chính sách trong Nghị quyết đã ít nhiều mất đi ý nghĩa.

“Ví dụ như chương trình sóng và máy tính cho em; một trong những mục đích trước mắt của chương trình là kịp thời trang bị máy tính cho học sinh có điều kiện để học trực tuyến thì đến nay tất cả học sinh đã đến trường học tập trung”, đại biểu dẫn chứng.

Trong thời gian tới, đại biểu tỉnh Hải Dương đề nghị cần tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

“Phải xác định đây là nhiệm vụ chính trị, trọng tâm, là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá, xếp loại cuối năm với tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu. Đồng thời, xây dựng chỉ tiêu định lượng cụ thể về khối lượng công việc cần hoàn thành để làm cơ sở đánh giá chứ không quy định chung chung. Đến hết năm 2022, phải đưa chỉ tiêu hoàn thành ít nhất 50% khối lượng công việc đề ra tại Nghị quyết 43 của Quốc hội và Nghị quyết 11 của Chính phủ", đại biểu đề xuất.

Bình ổn giá xăng dầu trong nước để ổn định đời sống của người dân

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm đến việc thu ngân sách vượt dự toán nhưng dự báo là thiếu bền vững, bởi lẽ, thời gian qua thu nhiều dầu thô nên tăng thu lại.

Theo đại biểu, mặt trái của tăng thu từ dầu thô là giá xăng dầu trong nước không ngừng tăng, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt, đời sống và sản xuất kinh doanh, làm xáo trộn không nhỏ đến sinh hoạt của người lao động.

Từ đó, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, việc bình ổn giá xăng dầu trong nước ở mức cho phép là điều cần thiết cho việc phát triển sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống, sinh hoạt của người dân.

Đại biểu Phạm Văn Hòa: Việc bình ổn giá xăng dầu trong nước ở mức cho phép là điều cần cho việc phát triển sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống sinh hoạt của người dân. Ảnh: Trọng Hải

Đại biểu Phạm Văn Hòa: Việc bình ổn giá xăng dầu trong nước ở mức cho phép là điều cần cho việc phát triển sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống sinh hoạt của người dân. Ảnh: Trọng Hải

Cùng mối quan tâm, trước đó, đại biểu Bùi Mạnh Khoa (Đoàn Thanh Hóa) cũng cho rằng, hiện nay Chính phủ đang điều hành giá xăng dầu trong nước theo giá thế giới trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp; dự báo giá sẽ tiếp tục tăng hoặc giữ ở mức cao, làm tăng giá thành các loại sản phẩm, làm ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống của người dân…

Đại biểu nhắc lại việc vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng này. Để bảo đảm linh hoạt trong kiềm chế giá xăng dầu tăng cao, kiềm chế lạm phát, đại biểu đề nghị ngay tại kỳ họp này, Quốc hội giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng đối với giá xăng dầu trong năm 2022.

Thừa nhận “việc giảm thuế có thể ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách Nhà nước”, tuy nhiên, theo đại biểu Bùi Mạnh Khoa, giá dầu thô tăng nhưng Việt Nam xuất khẩu dầu thô nên có thể bù đắp thu ngân sách nhà nước từ nguồn này.

THẢO PHƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/dai-bieu-quoc-hoi-neu-cham-tre-se-bo-lo-thoi-diem-vang-de-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-696232