Đại biểu Quốc hội nêu trách nhiệm thanh, kiểm tra chậm đóng bảo hiểm xã hội?
Tình trạng nợ bảo hiểm xã hội chậm đóng, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp khá cao và đến nay chưa có giải pháp hữu hiệu để giải quyết căn cơ. Đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ xem xét, có một tổ chức độc lập để khảo sát, đánh giá toàn bộ lĩnh vực này.
Tại phiên thảo luận ngày 31/5 của Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV về tình hình kinh tế-xã hội, các đại biểu quan tâm đến giải pháp an sinh như: nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm cho người lao động bị mất việc; giải quyết tình trạng chậm đóng, nợ bảo hiểm xã hội của người lao động...
Cần có một tổ chức độc lập để đánh giá toàn bộ về chính sách bảo hiểm
Quan tâm đến các chỉ tiêu cụ thể về thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế của người lao động, đại biểu Quốc hội Trần Thị Thanh Lam (Đoàn tỉnh Bến Tre) cho rằng, mặc dù chỉ tiêu đạt được nhưng băn khoăn về tính bền vững và bất cập liên quan đến lĩnh vực này đã được báo cáo kiểm toán nêu.
Tình trạng nợ bảo hiểm xã hội chậm đóng, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp khá cao và đến nay chưa có giải pháp hữu hiệu để giải quyết căn cơ. Số nợ đóng chậm đóng bảo hiểm đến hết năm 2021 là 16.350 tỷ đồng, thu hơn 100.000 bảo hiểm y tế trùng giữa ngân sách nhà nước đóng và hỗ trợ đóng; thu trung hơn 8.000 thẻ bảo hiểm y tế; chi trùng, chi sai bảo hiểm thất nghiệp cần phải thu hồi khoảng 3.000 trường hợp...
"Hàng tháng chủ sử dụng lao động và người lao động đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, sang tháng thứ hai, tháng thứ ba không đóng thì cơ quan quản lý sẽ biết. Tại sao cơ quan bảo hiểm xã hội không xử lý, mà để kéo dài trong suốt thời gian qua? Trách nhiệm kiểm tra, thanh tra của cơ quan quản lý nhà nước như thế nào? Những khoản chi sai, chi trùng, nợ bảo hiểm xã hội của người lao động tồn đọng nhiều năm qua có phải là lãng phí nguồn lực, cơ thể của hàng triệu người lao động hay không?..."-đại biểu nêu câu hỏi.
Từ những tồn tại trên, đại biểu Trần Thị Thanh Lam đề nghị, Chính phủ xem xét cần có một tổ chức độc lập để khảo sát, đánh giá toàn bộ lĩnh vực về chính sách bảo hiểm để có thay đổi và điều chỉnh một cách hợp lý trong từng giai đoạn, thực sự là chỗ dựa của người lao động; đồng thời làm rõ hình hoạt động của cơ quan này.
Đồng thời, cần quan tâm hơn đến các chính sách phòng ngừa, hỗ trợ doanh nghiệp duy trì việc làm, tạo việc làm bền vững, hạn chế sa thải lao động, nhất là trong thời điểm này. Các cơ quan có chế tài mạnh mẽ và công cụ xử lý hữu hiệu hơn nữa để giải quyết dứt điểm những trường hợp nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp kéo dài.
Cần những quyết sách thiết thực bảo đảm an sinh xã hội
Tại phiên thảo luận, quan tâm đến việc đảm bảo quyền an sinh xã hội, đại biểu Quốc hội Đinh Thị Ngọc Dung (Đoàn tỉnh Hải Dương) cho biết, từ ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã khiến thị trường lao động sụt giảm, nhiều lao động mất việc làm, mất nguồn thu nhập chính… Điều này đã gây ảnh hưởng tới đời sống và quyền an sinh xã hội của người lao động.
Đại biểu băn khoăn, người lao động đột ngột bị mất việc làm, bị giảm giờ làm, bị cắt giảm các khoản phúc lợi hoặc mất đi tiền lương hàng tháng, nếu an sinh xã hội không được bảo đảm tốt, không được bù đắp cho thu nhập bị giảm sút, nếu trợ cấp thất nghiệp không đủ chi trả cho nhu cầu thiết yếu hằng ngày thì phản ứng của họ sẽ ra sao? Việc đình công có xảy ra hay không? Liệu rằng Chính phủ đã dự liệu những giải pháp kịp thời và dài hạn cho những rủi ro đó hay chưa?. Theo đại biểu, thời điểm này người dân và doanh nghiệp đang rất cần những quyết sách thiết thực để duy trì và bảo đảm an sinh xã hội.
Đồng tình với quan điểm trên, Đại biểu Quốc hội Phan Thị Mỹ Dung (Đoàn tỉnh Long An) cho biết, thời gian qua số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại thị trường giảm, tình hình sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị thua lỗ; số doanh nghiệp phá sản tăng, người lao động thiếu việc làm, giảm thu nhập, tình hình rút bảo hiểm xã hội một lần vẫn đang tăng. Thất nghiệp, thiếu việc làm dẫn đến tình trạng mất an toàn xã hội, gây nguy cơ tăng tỷ lệ tội phạm, vi phạm pháp luật.
"Cử tri, người lao động đang rất mong chờ các quyết sách để giải quyết vấn đề lao động, việc làm, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, đặc biệt là muốn được tiếp cận với nguồn nhà ở xã hội", đại biểu Phan Thị Mỹ Dung nêu.
Đại biểu đề nghị Chính phủ đánh giá toàn diện hơn về vấn đề này; phân tích rõ các nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm để chủ động, kịp thời đề ra các giải pháp căn cơ; giải quyết hiệu quả tình hình lao động việc làm, đảm bảo an sinh xã hội.
Đại biểu Quốc hội Điểu Huỳnh Sang (Đoàn tỉnh Bình Phước) bày tỏ quan tâm tới tốc độ tăng trưởng kinh tế trong quý I/2023 còn thấp, chậm giải ngân vốn đầu tư công, thu ngân sách giảm so với cùng kỳ. Đặc biệt, tỷ lệ người lao động mất việc gia tăng, tập trung nhiều ở giới trẻ. Từ những hạn chế trên, đại biểu đề nghị Chính phủ điều chỉnh lại các giải pháp kịp thời trong thời gian tới.
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Thanh Lam (Đoàn tỉnh Bến Tre) đề nghị Chính phủ sớm chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn hiện tại của thị trường lao động (thiếu đơn hàng, thu hẹp sản xuất, sa thải lao động); quan tâm đến điều kiện ăn, ở, học tập của con công nhân lao động...