Đại biểu Quốc hội người DTTS: Đại diện cho ý chí, nguyện vọng của đồng bào dân tộc
Từ Quốc hội khóa I đến Quốc hội khóa XIV đã có 49/53 DTTS có đại biểu tham gia Quốc hội. Với tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, các đại biểu người DTTS đang thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ của mình, đáp ứng nguyện vọng, lòng mong mỏi của cử tri và đồng bào DTTS trên cả nước.
Theo con số thống kê của Hội đồng dân tộc của Quốc hội, số lượng đại biểu là người DTTS tham gia Quốc hội tăng lên theo từng khóa. Nhiều khóa gần đây, đại biểu là người DTTS đã chiếm từ 15 - 18% so với tổng số đại biểu Quốc hội. Trong đó, Quốc hội khóa XIII có 78 đại biểu thuộc 29 DTTS, chiếm 15,6% trong tổng số 500 đại biểu Quốc hội. Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, đại biểu người DTTS là 86 người thuộc 32 DTTS - chiếm 17,4%. Đáng ghi nhận là trình độ năng lực của đại biểu Quốc hội người DTTS ngày càng được nâng cao. Trong 86 đại biểu DTTS Quốc hội khóa XIV, 83 người có trình độ đại học và cử nhân, chiếm 96,5%; 32 người trình độ trên đại học, chiếm 37,2%; về lý luận chính trị, trình độ cao cấp, cử nhân có 67 người, chiếm 77,9%; tỷ lệ đảng viên chiếm 90,69%; tỷ lệ nữ giới chiếm 47,67%. Đến nay, chỉ còn 4 DTTS rất ít người chưa có đại biểu tham gia các khóa Quốc hội, đó là các dân tộc: Lự, Ngái, Brâu và dân tộc Ơ-đu.
Sự gia tăng về số lượng và chất lượng của các đại biểu người DTTS chính là kết quả của việc thực hiện chính sách đặc thù, chăm lo đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ là người DTTS mà Đảng và Nhà nước ta đã triển khai trong nhiều năm qua. Nhờ các chính sách này, chúng ta đã có đội ngũ cán bộ DTTS - trong đó có các đại biểu Quốc hội người DTTS - trưởng thành, có tri thức, năng lực, dám nghĩ, dám làm, đóng góp công sức trong việc lập pháp, giám sát tối cao, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.
Cụ thể, với nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, cùng với các đại biểu dân tộc Kinh, đại biểu người DTTS đã phát huy truyền thống đoàn kết, đề cao trách nhiệm; góp phần không nhỏ vào việc tham gia hoạch định chính sách; cụ thể hóa các chủ trương, đường lối, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước, của Hiến pháp 2013 thành các luật, nghị quyết của Quốc hội, chương trình hành động của Chính phủ; từng bước giải quyết hiệu quả các khó khăn, bất cập, giúp vùng DTTS và miền núi phát triển, hội nhập với sự phát triển chung của đất nước.
Nhiều đại biểu người DTTS đã xuất hiện thường xuyên trên các diễn đàn của Quốc hội, tự tin, quyết liệt mổ xẻ các vấn đề còn tồn tại và nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của các đại biểu Quốc hội và nhân dân cả nước. Có thể kể đến đại biểu: Tống Thanh Bình (Lai Châu); Tô Văn Tám (Kon Tum); Ma Thị Thúy (Tuyên Quang); Vương Ngọc Hà (Hà Giang); Phương Thị Thanh (Bắc Kạn); Leo Thị Lịch (Bắc Giang); Bố Thị Xuân Linh (Bình Thuận); Ksor H’Bơ Khắp (Gia Lai)…
Đặc biệt, với tâm huyết, trách nhiệm với đồng bào DTTS và vùng miền núi, các đại biểu người DTTS đã góp nhiều ý kiến quan trọng, thuyết phục để Quốc hội XIV phê duyệt Đề án tổng thể (Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019) và chủ trương đầu tư Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020). Đây là các Nghị quyết có tính lịch sử, dành riêng cho đồng bào vùng DTTS và miền núi theo Khoản 5, Điều 70 của Hiến pháp năm 2013 “Quốc hội quyết định chính sách dân tộc”; bảo đảm nhất quán quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc.
Cuộc Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đang được chuẩn bị khẩn trương, chu đáo; dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 5/2021. Hy vọng với niềm tin và sự lựa chọn sáng suốt, cử tri cả nước sẽ tiếp tục bầu chọn được những đại biểu Quốc hội người DTTS tiêu biểu, đủ sức, đủ tài và giàu tâm huyết; đóng góp tiếng nói uy tín, giá trị cho cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân.