Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hải Dũng: Đường dây 500kV mạch 3 và Luật Điện lực (sửa đổi) mở đầu cho những kỳ tích...

Cùng với đường dây 500kV mạch 3, Luật Điện lực (sửa đổi) được thông qua tại 1 kỳ họp là hai trong nhiều dấu ấn nổi bật trong năm 2024 của ngành Công Thương.

Trong ngày đầu tiên của năm 2025, đại biểu Nguyễn Hải Dũng – Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định đã dành thời gian chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương về những cảm nhận, ấn tượng của mình đối với 2 dự án được cho là “kỳ tích” và “thần tốc” của ngành Công Thương trong năm 2024. Qua đó, đại biểu kỳ vọng bước sang năm mới - năm 2025 đất nước sẽ tiếp tục đón nhận nhiều kỳ tích hơn nữa để góp phần đưa Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Đại biểu Nguyễn Hải Dũng khẳng định đường dây 500kV mạch 3 và Luật Điện lực (sửa đổi) mở đầu cho những kỳ tích. Ảnh: HD

Đại biểu Nguyễn Hải Dũng khẳng định đường dây 500kV mạch 3 và Luật Điện lực (sửa đổi) mở đầu cho những kỳ tích. Ảnh: HD

- Thưa ông, nhìn lại trong năm 2024 bên cạnh nhiều thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế đất nước nói chung và của ngành Công Thương nói riêng đâu là những điểm nhấn khiến ông ấn tượng nhất?

Đại biểu Nguyễn Hải Dũng: Có thể khẳng định trong thành tựu phát triển – kinh tế xã hội năm 2024 có đóng góp không nhỏ của ngành Công Thương.

Bên cạnh các điểm sáng về sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, thương mại điện tử thì ấn tượng nhất đối với tôi đó là tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Điện lực (sửa đổi) tại một kỳ họp, và trước đó Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt để khánh thành Dự án 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên).

Việc thông qua Luật Điện lực (sửa đổi) và khánh thành đường dây 500kV mạch 3 đã có ý nghĩa chính trị- kinh tế to lớn và có chung một số đặc điểm nổi bật.

Trước hết cả đường dây 500kV mạch 3 và Luật Điện lực (sửa đổi) đã chấp hành nghiêm sự lãnh đạo, chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước.

Cả 2 dự án này đều được triển khai với thời gian thần tốc, nếu như đường dây 500kV mạch 3 chỉ trong thời gian chưa đầy 7 tháng thì dự án Luật Điện lực (sửa đổi) cũng được triển khai trong thời gian ngắn chưa đầy một năm và thông qua tại một kỳ họp.

- Ông có thể phân tích kỹ hơn về các điểm chung của 2 dự án trên?

Đại biểu Nguyễn Hải Dũng: Luật Điện lực (sửa đổi) là minh chứng cụ thể, rõ ràng nhất ngay sau khi Tổng Bí thư Tô Lâm có bài phát biểu quan trọng tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, trong đó khẳng định “luật chỉ quy định những vấn đề khung, những vấn đề có tính nguyên tắc; không cần quá dài”.

Theo chỉ đạo và với định hướng này, ban đầu dự thảo Luật Điện lực có 130 điều, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã rà soát để đưa ra khỏi dự án luật những quy định thuộc thẩm quyền của Chính phủ, đến khi thông qua dự án luật đã giảm 49 điều, còn 81 điều.

Đường dây 500kV mạch 3 đã làm nên kỳ tích với thời gian thi công hơn 6 tháng. Ảnh: Mạnh Hùng

Đường dây 500kV mạch 3 đã làm nên kỳ tích với thời gian thi công hơn 6 tháng. Ảnh: Mạnh Hùng

Trong khi dự án đường dây 500kV mạch 3 đã được Thủ tướng quan tâm chỉ đạo sát sao, Thủ tướng thường xuyên đến công trường, chỉ đạo, động viên cán bộ, công nhân trên dọc tuyến, với những câu nói truyền cảm hứng tích cực lao động đối với cán bộ, công nhân trực tiếp làm việc trên công trường, như “vượt nắng, thắng mưa, không thua gió bão”, “ba ca, bốn kíp”, “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”, “làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm”, “xuyên ngày nghỉ, ngày lễ, Tết”, hoàn thành dự án 500kV mạch 3 Quảng Bình – Hưng Yên sau hơn 6 tháng thi công thần tốc. Như vậy, dự án Luật Điện lực (sửa đổi) và dự án 500kV mạch 3 đều chấp hành nghiêm sự lãnh đạo, chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Đảng, nhà nước.

Đồng thời, cả 2 dự án đều hoàn thành với tốc độ thần tốc. Trước hết, dự án Luật Điện lực (sửa đổi) được trình tại kỳ họp thứ 8 để xem xét cho ý kiến lần đầu, dự kiến sẽ thông qua vào kỳ họp thứ 9; tuy nhiên, trong phần tiếp thu, giải trình về chương trình kỳ họp thứ 8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng dự lường “trường hợp dự án Luật được chuẩn bị tốt, quá trình thảo luận tại Quốc hội đạt được sự đồng thuận cao thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, phối hợp với Chính phủ trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 theo quy trình tại một kỳ họp”. Ngày đầu tiên của kỳ họp thứ 8 (ngày 21/10/2024) Quốc hội nghe Tờ trình về Dự án Luật, đến chiều ngày 26/10/2024 tiến hành thảo luận ở Tổ, chiều 07/11/2024 thảo luận ở hội trường, đến chiều ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp (ngày 30/11/2024) Quốc hội đã ấn nút thông qua dự án Luật này.

Tính từ ngày 26/10 đến khi thông qua dự án Luật có khoảng 32 ngày để cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra phối hợp, rà soát, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, xin ý kiến Chính phủ… để có được bản trình Quốc hội thông qua.

Có thể thấy khối lượng công việc rất lớn trong thời gian rất ngắn, nhưng với nỗ lực, cố gắng rất cao từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đến các cơ quan trực tiếp soạn thảo, thẩm tra, dự án Luật Điện lực (sửa đổi) đã được thông qua kịp thời. Nếu theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh thì dự án luật này sẽ thông qua tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV, tức là Quốc hội đã thông qua sớm hơn 6 tháng so với chương trình đã đề ra.

Luật Điện lực (sửa đổi) đã được các đại biểu ấn nút thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Phạm Thắng

Luật Điện lực (sửa đổi) đã được các đại biểu ấn nút thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Phạm Thắng

Đối với dự án 500kV mạch 3 Quảng Trạch – Phố Nối, báo cáo của Chính phủ cho biết quy mô dự án gần 1 tỷ USD được khánh thành sau hơn 6 tháng thi công trong khi dự án với quy mô tương tự thường mất từ 2-3 năm.

Dự án đã trở thành hình mẫu điển hình, tạo động lực, truyền cảm hứng trong triển khai các công trình, dự án quan trọng quốc gia với cách làm mới, tư duy mới, điều hành mới, huy động sức mạnh tổng hợp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển, góp phần thực hiện thành công đột phá chiến lược về phát triển kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại. Như vậy dự án 500kV mạch 3 chỉ có thời gian thi công bằng 1/6 đến 1/4 so với dự án quy mô tương tự, ít thời gian hơn rất nhiều.

- Từ sự “thần tốc” trong triển khai 2 dự án trên cho thấy điều gì thưa ông?

Đại biểu Nguyễn Hải Dũng: Việc triển khai 2 dự án trên với tiến độ, thời gian “thần tốc” và sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao từ Trung ương cho thấy đó là những dự án cấp bách, đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

Đối với dự án Luật Điện lực (sửa đổi), như báo cáo giải trình của Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên trước Quốc hội chiều 07/11/2024 khi Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án luật, cho thấy: Luật Điện lực đã ban hành 20 năm và đã sửa đổi 4 lần, 4 lần đều sửa đổi, bổ sung một số điều và nói một cách hình ảnh là chúng ta chỉ giải quyết được một số vấn đề thực tiễn đặt ra, nhưng đến giờ này đòi hỏi chúng ta phải xem xét để sửa đổi một cách toàn diện.

Việt Nam chúng ta đã hội nhập với thế giới cho nên chúng ta phải có trách nhiệm nội luật hóa luật của mình sao cho phù hợp và tương thích với những điều ước quốc tế, tương thích với luật trong lĩnh vực năng lượng nói chung, đặc biệt là điện giữa Việt Nam với thế giới và khu vực.

Thi công móng vị trí 20 đường dây 500kV mạch 3 Nam Định 1- Thanh Hóa (Ảnh: Thu Hường)

Thi công móng vị trí 20 đường dây 500kV mạch 3 Nam Định 1- Thanh Hóa (Ảnh: Thu Hường)

Do vậy, việc sớm thông qua dự án Luật Điện lực (sửa đổi) giúp có nhiều nhà đầu tư đầu tư phát triển nguồn điện để thỏa mãn nhu cầu điện đến năm 2030 chúng ta cần phải gấp 2 lần công suất hiện nay, nhưng đến năm 2050, tức là còn 26 năm nữa, chúng ta phải gấp 5 lần công suất hiện nay.

Đối với dự án 500kV mạch 3, chúng ta có thể thấy ngay nhu cầu điện của miền Bắc: “Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo sớm tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp bảo đảm cung ứng điện năm 2024 và các năm tiếp theo; trong đó yêu cầu đẩy nhanh tiến độ đầu tư dự án đường dây 500kV mạch 3 vì đây là dự án trọng điểm quốc gia, cấp bách, có vai trò quan trọng đối với an ninh năng lượng quốc gia, nhất là đối với khu vực miền Bắc”. Do đó, đầu tư và cần sớm hoàn thành dự án để phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của miền Bắc nói riêng và cả nước nói chung.

Đại biểu Nguyễn Hải Dũng kỳ vọng năm 2025 sẽ có nhiều kỳ tích hơn nữa để đưa đất bước bước vào kỷ nguyên mới- Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Ảnh: Thu Hường

Đại biểu Nguyễn Hải Dũng kỳ vọng năm 2025 sẽ có nhiều kỳ tích hơn nữa để đưa đất bước bước vào kỷ nguyên mới- Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Ảnh: Thu Hường

Cũng trong báo cáo của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trước Quốc hội chiều 07/11/2024 khi Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án luật Điện lực (sửa đổi) thì nhiều năm nay chúng ta chỉ có 80.000 MW, mà trong 5,5 năm nữa chúng ta phải đạt tổng công suất các nguồn điện lên tới 150.524 MW. Khi công suất tăng lên thì việc truyền tải cũng phải gánh vác nhiệm vụ lớn hơn, không thể dùng hệ thống truyền tải cũ, điện áp thấp để truyền tải lượng điện rất lớn theo nhu cầu tiêu thụ. Vì thế, dự án 500kV mạch 3 ra đời để đáp ứng nhu cầu thực tiễn không chỉ trước mắt mà còn cho lâu dài.

Như vậy, dự án luật Điện lực (sửa đổi) và dự án 500kV mạch 3 thành công đều để giải quyết các nhu cầu năng lượng điện ngày một tăng cao của quốc gia.

Tôi cho rằng cả 2 dự án này sẽ là sự mở đầu cho những kỳ tích tiếp theo trong năm 2025 - năm có ý nghĩa quan trọng đối với việc hoàn thành mục tiêu phát triển đất nước giai đoạn 2021-2025; tổ chức đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và kỷ niệm nhiều sự kiện quan trọng của đất nước.

Xin cảm ơn đại biểu!

Thu Hường

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dai-bieu-quoc-hoi-nguyen-hai-dung-duong-day-500kv-mach-3-va-luat-dien-luc-sua-doi-mo-dau-cho-nhung-ky-tich-367343.html