Đại biểu Quốc hội nhiều lần bị tội phạm mạng đe dọa, lừa đảo

Đại biểu Trình Lam Sinh cho biết, kẻ xấu có đủ thông tin cá nhân, số điện thoại, công việc, chức vụ của ông để đe dọa nhiều lần, có thể dữ liệu đã bị lọt ra ngoài.

Trong phiên thảo luận về dự án Luật Dữ liệu sáng 8/11, đại biểu Trình Lam Sinh (đoàn An Giang) cho biết, dữ liệu rất quan trọng nên tội phạm tìm mọi cách thực hiện các hành vi gây nguy hiểm cho cá nhân, tổ chức và quốc gia. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát thật kỹ, nghiên cứu và bổ sung thêm, nhất là những hành vi có thể phát sinh trong tương lai, bởi tội phạm lừa đảo đang phát triển rất đa dạng và tinh vi.

"Bản thân tôi thời gian vừa qua nhiều lần bị lừa đảo. Không hiểu sao họ có đầy đủ thông tin cá nhân, số điện thoại, công việc, chức vụ của tôi để đe dọa rất nhiều lần, kể cả việc tôi thanh toán tiền điện, tiền nước qua app cho gia đình ba mẹ tôi họ cũng biết, gọi ra để đe dọa. Vấn đề có thể dữ liệu đã bị lọt ra ngoài", ông Sinh lấy ví dụ.

Đại biểu Trình Lam Sinh. (Ảnh: quochoi.vn)

Đại biểu Trình Lam Sinh. (Ảnh: quochoi.vn)

Thảo luận về công khai dữ liệu, đại biểu Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc) nêu tại điểm b, khoản 4, Điều 21 dự thảo quy định "dữ liệu được công khai có điều kiện, gồm dữ liệu liên quan đến bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân được công khai trong trường hợp được người đồng ý, dữ liệu liên quan đến bí mật gia đình được công khai trong trường hợp được các thành viên đồng ý".

Đại biểu Trần Văn Tiến đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, làm rõ thế nào là "bí mật đời sống riêng tư", đồng thời cân nhắc quy định về bí mật đời sống riêng tư. Hiện nay pháp luật chỉ quy định về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình.

Cụ thể, khoản 1, điều 21 Hiến pháp quy định "mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn". Khoản 1, Điều 38 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định "đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ".

Do vậy, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên của gia đình đồng ý.

Theo ông Tiến, cần rà soát quy định tại điểm b khoản 4 Điều 21 để đảm bảo tính thống nhất với Hiến pháp và pháp luật hiện hành.

Minh Tuệ

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/dai-bieu-quoc-hoi-nhieu-lan-bi-toi-pham-mang-de-doa-lua-dao-ar906264.html