Đại biểu Quốc hội: Nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ khó tiếp cận gói hỗ trợ 62.000 tỷ
Tại phiên thảo luận toàn thể ở nghị trường chiều nay (3/11), nhiều đại biểu nêu ra những bất cập, chậm trễ triển khai thực hiện gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trong đó, doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ lại là đối tượng khó tiếp cận nhất với gói hỗ trợ này.
Nhận định về tốc độ phát triển kinh tế cuối năm 2020 và 2021 của nước ta phụ thuộc nhiều vào việc phòng chống dịch Covid-19, đại biểu Cao Đình Thưởng, đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ, cho rằng, nếu để dịch bệnh bùng phát trở lại thì tất cả những nỗ lực từ đầu năm làm được sẽ không còn nhiều ý nghĩa. Qua đó đại biểu đề nghị cần xây dựng 3 kịch bản: "Hết dịch"; "Dịch tiếp diễn như hiện tại" và kịch bản "Dịch tái bùng phát" để Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đưa ra các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội phù hợp, chủ động với mọi tình huống có thể xảy ra.
Đặc biệt, đại bểu Cao Đình Thưởng đề nghị Chính phủ đánh giá kết quả việc thực hiện gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng hỗ trợ các đối tượng chịu ảnh hưởng sâu do tác động của dịch bệnh Covid-19. Theo đại biểu, tiến độ thực hiện gói hỗ trợ này dành cho các doanh nghiệp, người lao động trực tiếp hiện quá chậm. Trong đó, chính sách hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch bệnh cũng đang cho thấy nhiều bất cập, lúng túng trong việc thực thi. Đặc biệt, với nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm số lượng động đảo nhất, chịu sự tác động nặng nề nhất nhưng lại là "nhóm tiếp cận khó nhất".
Theo tính toán của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đến giữa tháng 9/2020, chỉ có khoảng 3% doanh nghiệp nhận được hỗ trợ từ gói hỗ trợ này. Đại biểu Cao Đình Thưởng đặt vấn đề: "Nguyên nhân của tình trạng trên phải chăng đó là sự ngại ngùng, đun đẩy, sợ trách nhiệm của bộ phận triển khai khiến tiến độ bị chậm trễ?".
Đồng thời, đại biểu này cũng đề nghị cần có giải pháp lâu dài, cần có các chính sách phù hợp, không để tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng của doanh nghiệp. Đẩy mạnh xúc tiến tìm kiếm thị trường, cải cách thủ tục hành chính, giảm thiểu phiền hà, rào cản cho doanh nghiệp. Khuyến khích các chính sách hỗ trợ đặc biệt cho các doanh nghiệp theo hướng kích cầu. Nếu không có bước đột phá trong cải cách hành chính thì sẽ kìm hãm sự phục hồi, phát triển của doanh nghiệp, gây khó khăn cho thực hiện kế hoạch phát triển…
Cùng quan điểm, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết, đoàn ĐBQH tỉnh An Giang, cho rằng: Các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh là giải pháp quan trọng hiện nay. Chính phủ ban hành nhiều gói hỗ trợ doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực như: Tín dụng, chính sách về thuế, chính sách về bảo hiểm xã hội, hỗ trợ người lao động.
Tuy nhiên, theo đại biểu Ánh Tuyết, số doanh nghiệp được hưởng lợi từ chính sách này đến nay còn hạn chế. Theo các doanh nghiệp, các chính sách, chủ trương của Chính phủ là kịp thời, tích cực và quyết liệt "nhưng việc hướng dẫn tổ chức thực hiện còn lúng túng. Bên cạnh đó, các điều khoản của quyết định hỗ trợ cho người lao động là chưa hợp lý, chưa sát với thực tiễn và yêu cầu đặt ra. Cụ thể như một số doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn vẫn cố gắng duy trì hoạt động hoặc chỉ đóng cửa một số bộ phận để duy trì việc làm, thu nhập cho người lao động. Doanh nghiệp này được sắp xếp vào đối tượng doanh nghiệp có năng lực, có tính bền vững nên không tiếp cận được chính sách hỗ trợ này.
Đại biểu này cũng nêu thực tế gói hỗ trợ 16.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp vay 0% lãi suất để trả lương ngừng việc cho người lao động, đến nay vẫn ít doanh nghiệp nhận được nguồn hỗ trợ này.
Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết đề nghị Chính phủ đánh giá một cách đầy đủ kết quả các chính sách đã ban hành. Đặc biệt là hiệu quả từng gói hỗ trợ và đánh giá tình hình của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh một cách sâu rộng, toàn diện. Qua đó có chính sách phù hợp cho từng ngành, từng lĩnh vực để phát huy hiệu quả chính sách.
Như PNVN đã phản ánh, trong phiên thảo luận tại tổ 18 vào ngày 2/11, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết: Hiện nay nhiều người đang hiểu nhầm rằng tất cả gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng đều là "tiền tươi thóc thật" nhưng thực tế trong đó có rất nhiều khoản hỗ trợ khác, ví như: hỗ trợ tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội...
Còn tiền mặt hỗ trợ thực tế chỉ hơn 30.000 tỷ đồng. Trong đó đã phê duyệt thực chất là 24.000 tỷ đồng nhưng mới chi được 14.000 tỷ đồng. "Nhiều địa phương đã lấy cả vốn ngân sách địa phương để hỗ trợ người dân. Qua đó, có thể thấy trong hoàn cảnh khó khăn vẫn quan tâm đến vấn đề xã hội. Từ đó, niềm tin của người dân tăng lên chính là phần thưởng vô giá với chúng ta", Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết.