Đại biểu Quốc hội, PGS. TS Nguyễn Chu Hồi: Việc sáp nhập tỉnh, thành sẽ tạo ra không gian và dư địa phát triển mới

Chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính, sáp nhập tỉnh đặt mục tiêu cao nhất là phát triển đất nước, mở rộng không gian cho đơn vị hành chính mới, phát huy vai trò dẫn dắt của các vùng động lực, hành lang kinh tế, cực tăng trưởng. Đại biểu Quốc hội, PGS. TS Nguyễn Chu Hồi đã có chia sẻ xung quanh nội dung này.

+ Thưa Đại biểu Quốc hội, nhiều ý kiến cho rằng, định hướng của Trung ương về việc sáp nhập tỉnh là rất cần thiết và hợp lý trong bối cảnh phát triển hiện nay của Việt Nam. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Đất nước ta đã trải qua nhiều “cung bậc” phát triển khác nhau, nhưng trong hoàn cảnh nào, Đảng và Nhà nước ta đều khơi dậy được sự đồng lòng, tin tưởng của nhân dân để xây dựng đất nước mạnh giàu. Tuy nhiên, thực tế phát triển đất nước trong quá trình đổi mới vừa qua và trong một “thế giới phẳng” như hiện nay cho thấy, “chiếc áo” thể chế và bộ máy của hệ thống chính trị đã “quá chật”, cần phải thay đổi mô hình quản trị nhà nước theo hướng hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, cũng như tạo ra những không gian phát triển mới.

Cho nên, sau khi thực hiện việc tinh giản và sắp xếp lại bộ máy cấp Trung ương trong một thời gian ngắn chưa từng có, Bộ Chính trị tiếp tục ban hành các kết luận định hướng sáp nhập tỉnh, không tổ chức chính quyền cấp huyện với yêu cầu cao về tiến độ.

Có thể nói, đây là “thời cơ vàng”, chín muồi, cần phải chớp lấy để có những quốc sách chiến lược táo bạo, tạo ra sự khác biệt với những bứt phá chưa từng có, đáp ứng nhu cầu và yêu cầu cao của cuộc cách mạng công nghệ công nghiệp 4.0; thực hiện thành công các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng XIII; chuẩn bị hành trang bước vào Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc để “sánh vai với các cường quốc năm châu” như mong muốn của Bác Hồ.

 Đại biểu Quốc hội, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi.

Đại biểu Quốc hội, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi.

+ Là một chuyên gia về kinh tế biển, ông nhìn nhận như thế nào về lợi thế, tiềm năm phát triển của các tỉnh ven biển đối với chủ trương sáp nhập tỉnh?

- Việc sáp nhập tỉnh không chỉ là bước đi nhằm tinh gọn bộ máy hành chính, mà còn góp phần điều chỉnh lại lãnh thổ để tăng cường sự kết nối và hiệu quả phát triển. Đối với các tỉnh ven biển, sáp nhập giúp tạo lực đẩy mới cho kinh tế biển, tăng cường sự liên kết giữa vùng biển và nội địa, giúp khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên và phát huy vai trò của kinh tế xanh.

Việc sáp nhập tỉnh, thành sẽ tạo ra không gian và dư địa phát triển mới, xóa bỏ được thực trạng phân mảnh lãnh thổ tự nhiên bởi đây chính là nền tảng vững chắc để duy trì sự phát triển bền vững về kinh tế và xã hội. Phương án sáp nhập tỉnh, thành phố có biển với tỉnh trên các lưu vực sông tương ứng chắc chắn sẽ mang lại hiệu năng, hiệu quả, hiệu suất trong phát triển kinh tế biển.

Điều này cũng giúp thống nhất quản trị về mặt nhà nước đối với các đơn vị tỉnh ven biển mới sáp nhập, tạo không gian rộng mở, tự do và thu hút đầu tư nhiều hơn cho phát triển kinh tế biển trong thời gian tới.

+ Vậy, theo ông, việc lựa chọn phương án sáp nhập dựa trên nguyên tắc nào?

- “Trăm sông đổ về biển cả”! Tôi cho rằng, nguyên tắc then chốt cho sáp nhập tỉnh, thành là ưu tiên tối đa việc hình thành các tỉnh có biển, đồng thời thiết lập mối liên kết chiến lược giữa biển và đất liền - tỉnh biển sáp nhập với tỉnh núi rừng hoặc tỉnh duyên hải với nội địa. Đây được xem là chìa khóa để khai thác triệt để sức mạnh biển, mở ra kỷ nguyên phát triển cân bằng và bền vững cho Việt Nam.

Nhìn theo chiều dọc lãnh thổ, Việt Nam trải dài trên 13 vĩ tuyến và sở hữu bờ biển dài hơn 3.260 km. Hình thái lãnh thổ với “mặt tiền” hướng ra biển mang lại nhiều cơ hội phát triển, tạo lợi thế trong quá trình hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, đặc điểm này cũng đặt ra những thách thức không nhỏ về an ninh - quốc phòng, đòi hỏi phải có sự tính toán kỹ lưỡng về sự liên kết và hỗ trợ lẫn nhau giữa đất liền và vùng biển.

Dải ven biển Việt Nam được xác định là vùng kinh tế động lực, không chỉ đóng vai trò là hậu phương vững chắc cho việc vươn ra biển khơi, mở rộng không gian kinh tế biển đảo mà còn có tác động lan tỏa sâu rộng vào khu vực nội địa. Cả vùng núi rừng sẽ được đánh thức tiềm năng phát triển khi kinh tế biển phát triển mạnh mẽ.

Tôi nghĩ rằng, việc lựa chọn phương án sáp nhập dựa trên nguyên tắc: tận dụng lợi thế vùng miền, tôn trọng các giá trị cốt lõi, phát huy tính liên thông, tương tác giữa các đơn vị tự nhiên - sinh thái (ví dụ: lưu vực sông gắn với vùng bờ biển và biển đảo)… để tạo ra một không gian, dư địa phát triển mới, giảm thiểu xung đột trong sử dụng các nguồn lực và mâu thuẫn lợi ích do chồng chéo hoặc bị chia cắt bởi các chủ thể hành chính khác nhau…

+ Trân trọng cảm ơn ông!

Thiên An (Thực hiện)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/dai-bieu-quoc-hoi-pgs-ts-nguyen-chu-hoi-viec-sap-nhap-tinh-thanh-se-tao-ra-khong-gian-va-du-dia-phat-trien-moi-post341210.html