Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa: 'Cần chế tài nghiêm khắc'

Qua vụ việc Tân Hoàng Minh bỏ cọc sau khi trúng đấu giá lô đất ở Thủ Thiêm cho thấy, Luật Đấu thầu, hay Luật Đấu giá tài sản hiện nay vẫn còn nhiều bất cập, cần phải xem xét sửa đổi để có chế tài nghiêm khắc hơn.

Trong đấu thầu, đấu giá tài sản, luật hiện hành đưa ra những quy định ràng buộc, trong đó những đơn vị đơn phương hủy hợp đồng sau khi trúng đấu giá như Tân Hoàng Minh sẽ phải mất tiền đặt cọc 20% giá khởi điểm của tài sản đấu giá. Tân Hoàng Minh bỏ cọc, số tiền gần 600 tỷ đồng thuộc về ngân sách nhà nước, nhưng những hệ lụy về mặt xã hội từ vụ bỏ cọc này không hề nhỏ.

Đáng lưu ý trong vụ đấu giá này, Công ty Ngôi Sao Việt, đã bỏ giá cao hơn đơn vị đứng thứ hai tới 700 tỷ đồng. Đó là một số tiền rất lớn. Tại sao họ lại bỏ giá cao như vậy? Lẽ ra, nếu thấy không đủ nguồn lực tài chính, anh chủ động rút lui, để đơn vị khác trúng. Đằng này anh lại bỏ rất cao. Liệu có động cơ gì trong trường hợp này không?

Từ vụ việc này, phải xem xét, nghiên cứu khi sửa luật về đấu thầu, đấu giá tài sản, đưa ra chế tài nghiêm khắc với trường hợp bỏ thầu nhiều lần. Bởi nếu không có quy định chặt chẽ, sau này Tân Hoàng Minh lại ung dung tham gia đấu thầu, rồi lại bỏ thầu, bỏ cọc, gây ra rất nhiều hệ lụy cho xã hội như vừa qua.

Theo tôi, khi sửa luật trước tiên cần xem xét, nâng giá trị đặt cọc gói thầu lên, thay vì ở mức 20% như hiện nay, có thể nâng lên mức 25 - 30%. Bên cạnh đó, ngoài quy định mất cọc khi đơn phương xin rút, phải đưa ra các chế tài xử phạt khác, có thể phạt hành chính, phạt tiền bổ sung, nếu cần thiết có thể rút giấy phép kinh doanh, hay cấm không cho tham gia đấu thầu. Khi sửa luật, những đơn vị rút thầu hai lần, hay nhiều lần cần cấm vĩnh viễn không cho đấu thầu sau đó.

Việc sửa luật cần hướng đến làm sao để doanh nghiệp khi tham gia đấu thầu có sự tính toán kỹ lưỡng, đấu thầu phải thực chất, không tạo ra kẽ hở để họ lợi dụng. Khi bỏ thầu, họ phải căn cứ vào khả năng tài chính, lợi nhuận và chỉ bỏ thầu đến mức nào đó phù hợp, để khi trúng thầu rồi có khả năng hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo quy định.

Công ty Ngôi Sao Việt, đã bỏ giá cao hơn đơn vị đứng thứ hai tới 700 tỷ đồng. Đó là một số tiền rất lớn. Tại sao họ lại bỏ giá cao như vậy? Lẽ ra, nếu thấy không đủ nguồn lực tài chính, anh chủ động rút lui, để đơn vị khác trúng. Đằng này anh lại bỏ rất cao. Liệu có động cơ gì trong trường hợp này không?

Bên cạnh đó, cơ quan thẩm định giá cũng cần đưa ra mức giá khởi điểm tương đối sát với giá trị thực. Trường hợp ở Thủ Thiêm, tôi cho rằng giá khởi điểm đưa ra thấp. Cũng may, các doanh nghiệp không móc nối với nhau dìm giá để trục lợi. Nếu họ làm vậy, nhà nước sẽ thiệt hại đáng kể. Thực tế, đã có nhiều trường hợp đấu giá, người mua quá lợi vì định giá tài sản, bất động sản quá thấp, còn nhà nước chịu thiệt thòi. Do vậy, phải tính gói thầu theo sát giá thị trường, để mỗi phiên đấu giá được tổ chức, người mua có lợi mà nhà nước cũng có lợi.

LUÂN DŨNG (ghi)

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/dai-bieu-quoc-hoi-pham-van-hoa-can-che-tai-nghiem-khac-post1409154.tpo