Đại biểu Quốc hội phản ánh nỗi khổ của con em công nhân trước lộ trình tăng học phí
Theo đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (đoàn Bình Dương), việc đề xuất lộ trình tăng học phí sẽ trở thành gánh nặng đối với hầu hết gia đình công nhân lao động làm công ăn lương tại các doanh nghiệp.
Tham gia thảo luận tại Quốc hội về tình hình kinh tế, xã hội (ngày 2/11), đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (đoàn Bình Dương) phản ánh những khó khăn, nỗi khổ của con em công nhân khi chương trình giáo dục bậc PTTH chưa có sự đồng bộ giữa phân ban và tổ hợp.
Bên cạnh đó, việc phân ban hay tổ hợp giữa các trường, các địa phương không đồng bộ, khác nhau, khiến con em công nhân khi chuyển trường phải rất nỗ lực, nếu không sẽ không theo kịp và dẫn đến bỏ học.
“Với học sinh là con công nhân phụ thuộc vào công việc và nơi làm việc của cha mẹ. Với tình hình hiện nay, nhiều doanh nghiệp phải phá sản, giải thể người lao động mất việc, giảm thu nhập dẫn đến phải dịch chuyển nơi ở, nơi làm việc. Mỗi lần như thế việc theo học và theo kịp chương trình học của con em công nhân, người lao động rất khó khăn, phải có một sự cố gắng rất lớn, nếu không sẽ không theo kịp và dẫn đến bỏ học”, bà Trân phản ánh.
Một vấn đề nữa cũng được nữ đại biểu đoàn Bình Dương chỉ ra là khi vào năm học mới, có rất nhiều khoản chi phí phải đóng, bao gồm học phí và các khoản thu khác. Trong khi đó, hiện nay học phí của các trường đại học tăng cao, nhiều gia đình khó khăn không thể cho con tiếp tục đi học. Điều này có thể làm giảm tỷ lệ tiếp cận giáo dục đại học, ảnh hưởng đến việc xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao của đất nước ta.
“Với đề xuất lộ trình tăng học phí, nhiều cử tri cho rằng sẽ trở thành gánh nặng không chỉ đối với các hộ gia đình khó khăn mà còn với hầu hết gia đình công nhân lao động làm công ăn lương tại các doanh nghiệp”, bà Trân phản ánh.
Theo đại biểu, một quốc gia phát triển là một quốc gia có môi trường học tập, giáo dục toàn dân, chất lượng bình đẳng, đảm bảo mọi người dân đều có quyền tiếp cận nền giáo dục tiến bộ hiện đại.
“Với sự đồng cảm và lắng nghe tiếng nói của cử tri là những người lao động, nhất là lao động có thu nhập thấp, bấp bênh, tôi kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý, giám sát điều chỉnh chương trình học, cần có xem xét phù hợp với các đối tượng còn có hoàn cảnh khó khăn, không có tích lũy tài sản như công nhân hiện nay”, bà Trân kiến nghị.