Đại biểu Quốc hội: Rà soát lại việc quản lý, xử lý nghiêm sai phạm liên quan hoạt động đăng kiểm
Trao đổi bên hành lang Quốc hội, các đại biểu Quốc hội đã trao đổi, cho ý kiến về một số vấn đề dư luận quan tâm liên quan đến những sai phạm trong hoạt động đăng kiểm trong thời gian qua.
Theo đại biểu Lê Thanh Vân, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, cần nhìn nhận những sai phạm trong hoạt động đăng kiểm trong thời gian qua cũng như việc phát hiện giám đốc trung tâm đăng kiểm không biết đọc, không biết viết, học lớp 3 cách đây 50 năm là một bài học sâu sắc.
Trên cơ sở đó, đại biểu kiến nghị cần đánh giá lại công tác quản lý về hoạt động đăng kiểm. Đại biểu Lê Thanh Vân đề nghị nên tách dịch vụ đăng kiểm ra khỏi mối liên hệ với cơ quan quản lý nhà nước. Nghĩa là Bộ Giao thông vận tải và Cục Đăng kiểm Việt Nam chỉ nên kiểm soát hành vi, vấn đề tuân thủ pháp luật đối với các trung tâm, hoạt động đăng kiểm.
Đại biểu Lê Thanh Vân cũng đề xuất cần kiểm soát vấn đề này bằng hai công cụ là "còi và roi". Đại biểu phân tích: "Còi là khi có dấu hiệu vi phạm, cơ quan quản lý nhà nước tuýt còi, thu hồi giấy phép xử phạt. Còn "roi" là vi phạm pháp luật đến mức phải xử lý hình sự sẽ khởi tố, xét xử theo quy định pháp luật. Như vậy, trật tự quản lý đăng kiểm mới được đảm bảo".
Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị thời gian tới nên xem xét gia hạn thời gian đăng kiểm với các loại xe mới vì những xe này đã được kiểm tra rất nghiêm ngặt trước khi xuất xưởng; do đó, không cần phải đăng kiểm mới cho hoạt động...
Cũng cho ý kiến về vấn đề này, đại biểu Trương Xuân Cừ (Hà Nội) cho rằng, việc cán bộ đăng kiểm tiếp tay cho chủ ô tô thực hiện hành vi sai trái là nguy hiểm cho lái xe và người tham gia giao thông. Ngoài ra, việc này còn làm mất kỷ cương trong quản lý, điều hành và ảnh hưởng xấu đến xã hội. Đại biểu đề nghị cơ quan chức năng cần phải rà soát tất cả các trung tâm đăng kiểm trên toàn quốc và nếu phát hiện sai phạm cần xử lý nghiêm minh; ngoài ra cũng cần xem có ai thông đồng, bao che cho các sai phạm này để xử lý nghiêm.
Thời điểm chín muồi để thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh
Quan tâm đến dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Công Hoàng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên cho rằng, những nội dung vướng mắc của Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) về cơ bản đã được các cơ quan tiếp thu và chỉnh lý theo ý kiến của đại biểu Quốc hội đã đảm bảo chất lượng để Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp này.
Về Hội đồng Y khoa quốc gia tại Điều 25 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Công Hoàng cho rằng, Hội đồng Y khoa quốc gia do Thủ tướng Chính phủ quy định tổ chức và hoạt động đã mang lại nhiều điểm mới cho ngành Y tế trong giai đoạn hội nhập quốc tế trong khám bệnh, chữa bệnh.
Liên quan đến vấn đề tài chính y tế, vị Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên nhấn mạnh, đây là vấn đề quan trọng liên quan đến nhiều vấn đề như việc khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu; việc huy động các nguồn lực xã hội cho lĩnh vực y tế; giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh…
Từ những phân tích trên, đại biểu Nguyễn Công Hoàng cho rằng, Kỳ họp bất thường lần thứ 2 là thời điểm chín muồi để thông qua dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị, sau khi được Quốc hội thông qua, Bộ Y tế cần sớm hướng dẫn để đưa Luật áp dụng kịp thời, đáp ứng tốt như cầu cấp thiết của ngành Y tế trong giai đoạn hiện nay.
Đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Thừa Thiên Huế) cho rằng, trong thời gian qua, dịch COVID-19 đã khiến cho công tác chăm sóc bệnh nhân gặp một số khó khăn do thiếu một số thuốc, nguyên liệu làm thuốc. Do đó, việc Quốc hội xem xét và biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch và cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1/1/2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược là hết sức cần thiết. Việc làm này đã giải quyết được vấn đề cấp bách trong đời sống hiện nay là đảm bảo việc khám chữa bệnh, điều trị, chăm sóc cho sức khỏe của Nhân dân.
Ngoài ra, tại Kỳ họp bất thường này, Quốc hội cũng xem xét, biểu quyết thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Liên quan tới luật này, đại biểu Nguyễn Thị Sửu bày tỏ sự quan tâm đến chính sách cho người đội ngũ y, bác sĩ ở các cơ sở y tế cũng như đối với người bệnh đang được chăm sóc, điều trị ở các bệnh viện.