Đại biểu Quốc hội sốt ruột với tiến độ đường sắt Cát Linh - Hà Đông
Sáng 3/11 Quốc hội bắt đầu ba ngày liền thảo luận về kinh tế, xã hội, ngân sách, trong các phiên họp được phát thanh, truyền hình trực tiếp.
Đại biểu Nguyễn Phi Thường
Sáng 3/11 Quốc hội bắt đầu ba ngày liền thảo luận về kinh tế, xã hội, ngân sách, trong các phiên họp được phát thanh, truyền hình trực tiếp.
Điều hành phiên thảo luận, trong bối cảnh đặc biệt của năm nay, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị các vị đại biểu tập trung phân tích, đánh giá, đề xuất giải pháp khắc phục thiệt hại do Covid-19 và thiệt hại do bão lũ để ổn định cuộc sống người dân.
Phó chủ tịch Quốc hội cũng cho biết điểm đổi mới của hoat động thảo luận kỳ này là hai ủy ban Kinh tế và Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường có báo cáo bằng văn bản gửi đại biểu và báo cáo bằng hình ảnh kết quả giám sát an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập, những vấn đề đang rất được quan tâm hiện nay.
Nghiên cứu mô hình đường sắt tư nhân
Những ý kiến đầu buổi sáng đề cập nhiều vấn đề, từ phát triển nguồn nhân lực đến bảo vệ rừng.
Chọn đề tài đường sắt đô thị, đại biểu Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) nhấn mạnh vấn nạn ùn tắc giao thông ở 2 đô thị lớn nhất cả nước hiện nay, Hà Nội và TPHCM gây thiệt hại lớn về kinh tế. Và chủ trương xây dựng đường sắt đô thị tại 2 thành phố lớn nhất này được xem là cứu cánh.
Song, những dự án ở cả 2 thành phố đều có mẫu số chung là rất lớn, chậm tiến độ, đội vốn nhiều lần, gây bức xúc trong dư luận.
Trình bày vấn đề phát triển đường sắt đô thị gắn với giao thông công cộng, quy hoạch phát triển đô thị để phát huy tác dụng của loại hình hạ tầng quan trọng này, ông Thường cho rằng do tính liên kết chưa cao nên đường sắt đô thị với 2 đô thị lớn nhất hiện nay vẫn đơn thuần như một sản phẩm nhập khẩu, chỉ là phép cộng thuần túy.
Trong khi đó, để phát huy hiệu quả của đường sắt đô thị phải có sự kết nối với hệ thống giao thông công cộng, bãi đậu xe, tuyến bus. Vậy nên, cần xem lại vấn đề tái cấu trúc không gian đô thị để thu hút người sử dụng đường sắt đô thị - ông Thường nhấn mạnh.
Vị đại biểu Hà Nội cũng đề nghị nội địa hóa công nghệ, tích hợp công nghệ toàn mạng và chuyển giao công nghệ ngay lập tức. Bởi, hiện nay các dự án đường sắt đô thị đều thực hiện theo hình thức ODA nên bị động cả về vốn, về công nghệ, vận hành.
Nêu dự án điển hình lình sình là đường sắt Cát Linh – Hà Đông, theo đại biểu, kết luận của Kiểm toán nhà nước đã chỉ ra nhiều vấn đề mà không chỉ Bộ giao thông hay Hà Nội có thể giải quyết được. Đại biểu băn khoăn, không biết thời hạn cuối cùng đặt ra cho dự án là vận hành trong cuối năm nay có khả thi, sau rất nhiều lần phải chậm, lùi tiến độ và đề nghị cần có giải pháp mạnh để dự án này không sai hẹn thêm lần thứ 9.
Đại biểu Nguyễn Phi Thường cũng đề nghị cần nghiên cứu mô hình đường sắt tư nhân tại các thành phố lớn.
Cần phát triển mô hình Spin-off
Quan tâm tới nguồn nhân lực, đại biểu Nguyễn Thị Lan (Hà Nội) đề nghị xây dựng chính sách để phát triển mô hình Doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ (Spin-off) tại các trường đại học của Việt Nam.
Theo đại biểu, "Spin-off" là mô hình doanh nghiệp khởi nguồn từ trường đại học để thương mại hóa các công nghệ nghiên cứu tại trường. Mô hình này đã thành công tại nhiều trường học lớn trên thế giới, hàng năm tạo ra khoảng 100-200 doanh nghiệp với doanh thu lớn. Tuy nhiên, tại Việt Nam, mô hình "Spin-off" chưa được chú ý.
Vị đại biểu Hà Nội đề xuất rà soát văn bản dưới luật, xây dựng các quy định hướng dẫn, vận hành doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ. Đồng thời, bà Lan cho rằng các cơ quan, trường đại học cần quy hoạch, dự báo các xu hướng công nghệ, giải quyết bài toán lõi trong việc xây dựng các doanh nghiệp Spin-off. Bên cạnh đó, việc phát triển mô hình này cũng cần gắn với xây dựng chính sách thu hút các nhà khoa học, bổ sung mới các nhà khoa học Việt kiều.
Quan tâm đến bảo vệ phát triển rừng, Đại biểu Triệu Thị Thu Phương (Bắc Kan) đề nghị điều chỉnh phân bổ ngân sách cho các tỉnh có tỷ lệ che phủ rừng cao để vừa bảo vệ vừa khai thác tốt hơn hiệu quả của rừng.
Một số vị đại biểu phát biểu sau đó cũng đóng góp thêm những ý kiến về bảo vệ, phát triển rừng, trong bối cảnh lũ lụt có nguyên nhân từ nạn phá rừng.
Phó chủ tịch Phùng Quốc Hiển đề nghị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường chuẩn bị ý kiến hồi âm đại biểu.