Đại biểu Quốc hội: Thủ tướng như vị đốc công đột phá vào tảng băng 'né tránh trách nhiệm, lo sợ oan sai'
Bên hành lang Quốc hội ngày 31-5, trao đổi với phóng viên Báo SGGP, đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc đánh giá những nỗ lực quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ như một vị đốc công, tìm cách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đột phá vào tảng băng 'né tránh trách nhiệm, lo sợ oan sai' của chính quyền các cấp.
Ngày 31-5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2023.
Trao đổi với phóng viên Báo SGGP bên hành lang Quốc hội, đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc (TP Hà Nội) cho rằng, trong bức tranh chung của nền kinh tế đó, niềm tin kinh doanh đang ở mức thấp. Phần lớn các doanh nghiệp đang hoạt động cũng phải thu hẹp quy mô sản xuất, kinh doanh.
Cũng theo đại biểu, nhiều doanh nghiệp, thực tế đã chết lâm sàng. Khu vực kinh tế tư nhân, một trong những thành quả quan trọng bậc nhất của công cuộc cuộc đổi mới kinh tế ở nước ta đang suy yếu.
Số doanh nghiệp rút khỏi thị trường tăng cao đến gần 88.000 doanh nghiệp (tăng 22,6% so với cùng kỳ), trong 5 tháng đầu năm 2023.
Trước bức tranh kinh tế ảm đạm này, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân chỉ ra những nguyên nhân chính, trong đó tiến độ giải ngân vốn đầu tư công thấp.
Để nền kinh tế có thể vượt qua những khó khăn hiện nay, đại biểu Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh yêu cầu cần có những quyết sách mạnh mẽ hơn.
Cụ thể, các cấp, các ngành, địa phương phải được phân định rõ trách nhiệm như một kỷ luật thép để đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, từ đó tăng được tổng cầu và tạo được tác động lan tỏa trong nền kinh tế.
Mặt khác, các vướng mắc về pháp lý và thủ tục hành chính cần được giải quyết nhanh chóng hơn, để các dự án bất động sản và các dự án sản xuất, kinh doanh khác được triển khai, tạo việc làm cho người lao động, đem về doanh thu và tăng khả năng trả nợ cho doanh nghiệp.
Cùng với đó, Chính phủ cần thực thi các biện pháp tài khóa và tiền tệ mạnh mẽ hơn. Đây là thời điểm thích hợp để thực hiện quốc sách khoan sức dân, yểm trợ cho doanh nghiệp, không nên tăng thêm bất cứ loại thuế, phí và thủ tục nào. Trong đó, việc giảm thuế VAT 2% trong thời gian tới cần mở rộng ra tất cả các ngành hàng và kéo dài ít nhất 1 năm.
Đồng tình, đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng, Chính phủ phải có chương trình ngắn hạn, tập trung vào chính sách tài khóa và tiền tệ. Kịch bản đối phó ngắn hạn cần linh hoạt chính sách tài khóa và tiền tệ và một trong giải pháp chính là giảm thuế VAT.
Cùng với đó, điều chỉnh chính sách thu hút đầu tư, đặc biệt là thuế tối thiểu toàn cầu để giữ chân nhà đầu tư và thu hút thêm. Bên cạnh đó, tập trung giải phóng năng lực trong nước, là các tập đoàn, tổng công ty có thương hiệu, doanh nghiệp khởi nghiệp cần nuôi dưỡng.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc nói: Những nỗ lực quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ như một vị đốc công, tìm cách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đột phá vào tảng băng “né tránh trách nhiệm, lo sợ oan sai” của chính quyền các cấp.
Trong 5 tháng đầu năm mà cần đến gần cả ngàn các quyết định cá biệt, chỉ thị, công điện, công văn của Thủ tướng và các chuyến đi thị sát dồn dập của Thủ tướng và các tổ công tác để đôn đốc triển khai công việc, đó là một cố gắng lớn. Tôi và các cử tri đánh giá rất cao nỗ lực này.