Đại biểu Quốc hội tỉnh chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường
Sáng nay (4/6), kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn. Theo chương trình, phiên chất vấn sẽ diễn ra trong 2,5 ngày (từ ngày 4/6 đến chiều 6/6) với 4 nhóm vấn đề liên quan đến lĩnh vực phụ trách của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Bộ Công thương, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Tổng Kiểm toán nhà nước.
Mở đầu phiên chất vấn, Quốc hội tiến hành chất vấn đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường về việc quản lý, khai thác, bảo vệ tài nguyên biển quốc gia; tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về an ninh nguồn nước; giải pháp phòng, chống tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu, suy giảm, ô nhiễm nguồn nước; giải pháp nghiên cứu, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng và tài nguyên, khoáng sản quý hiếm.
Đặt câu hỏi chất vấn, đại biểu Quàng Thị Nguyệt thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh nêu: “Đầu tư xây dựng công trình tích trữ nước là một trong những giải pháp ưu tiên trong Luật Tài nguyên nước năm 2023 để đảm bảo chủ động tích trữ, điều hòa, phân phối nguồn nước, đáp ứng yêu cầu sử dụng nước phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội. Đề nghị Bộ trưởng cho biết, việc thực hiện các chính sách nhằm thu hút đầu tư xây dựng các công trình tích trữ nước trong thời gian tới?”.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Quàng Thị Nguyệt, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, thời gian qua chúng ta rất quan tâm đến việc xây dựng hồ thủy lợi để tích trữ nước. Nhà nước xây dựng các hồ thủy lợi bằng nguồn đầu tư công và thu hút đầu tư các dự án thủy điện từ nguồn xã hội hóa. Theo Bộ trưởng, việc thu hút đầu tư các dự án thủy điện là hình thức xã hội hóa việc tích trữ nước, phát huy hiệu quả rất tốt. Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã rà soát các khu vực cần thiết phải bổ sung hoặc các nơi đủ điều kiện để xây dựng các hồ đập.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, bên cạnh việc xây dựng hệ thống hồ đập thì cần phải quan tâm đầu tư hệ thống kênh mương thủy lợi để sử dụng hiệu quả nguồn nước được tích trữ, đảm bảo có sự điều hòa, điều phối tốt nguồn nước. Xây dựng hồ thủy lợi đa mục tiêu, vừa tích trữ nước cho sản xuất, sinh hoạt, vừa để phát điện... Đối với khu vực miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên, tiếp tục đẩy mạnh việc thu hút đầu tư các dự án thủy điện trên cơ sở đảm bảo việc tích trữ nước và bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng, hệ sinh thái. Tới đây, thực hiện Luật Tài nguyên nước 2023, sẽ có kịch bản nguồn nước, tổ chức quản lý lưu vực sông, điều hòa, điều phối để đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn nước cho sinh hoạt, sản xuất và phát triển kinh tế.