Đại biểu Quốc hội tỉnh đóng góp Dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi)
Ngày 24/10/2022, bước sang ngày làm việc thứ 4, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận tại tổ để đóng góp Dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp QH (sửa đổi); Dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) và Dự thảo Nghị quyết của QH về thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức.
Sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống rửa tiền hiện hành
Theo ĐB Lê Thị Song An - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh, sau gần 10 năm triển khai, thực hiện, Luật Phòng, chống rửa tiền hiện hành đã phát sinh một số bất cập, hạn chế nhất định, một số nội dung chưa phù hợp với thực tiễn; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong phòng, chống rửa tiền còn thiếu và chưa được quy định rõ ràng. Bên cạnh đó, các khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế (FATF) liên tục được cập nhật, sửa đổi, do đó việc chậm sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền sẽ ảnh hưởng đến nội luật hóa các điều ước quốc tế và đáp ứng các chuẩn mực quốc tế về phòng, chống rửa tiền. Vì vậy, việc hoàn thiện quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền là một trong những yếu tố then chốt góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống rửa tiền, xây dựng hệ thống pháp luật về phòng, chống rửa tiền của Việt Nam phù hợp với chuẩn mực quốc tế về phòng, chống rửa tiền và nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm rửa tiền.
Tuy nhiên, dự án Luật cần có 1 chương riêng quy định về hợp tác quốc tế về phòng, chống rửa tiền, vì ĐB Song An cho rằng: Bản chất của phòng, chống rửa tiền không phải là việc riêng của từng quốc gia mà là vấn đề của toàn cầu, cần được cộng đồng quốc tế phối hợp chặt chẽ, thống nhất mới phát huy được hiệu lực trong công tác phòng, chống rửa tiền và thực tế Việt Nam đã là thành viên của nhóm châu Á - Thái Bình Dương về phòng, chống rửa tiền nên phải thực hiện các khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính (FATF). Theo ĐB Song An, hành vi rửa tiền và phạm tội liên quan đến rửa tiền thường hoạt động xuyên quốc gia, nhất là trong thời đại công nghệ phát triển, hành vi rửa tiền cũng ngày càng tinh vi, đa dạng và phức tạp hơn, cần có sự phối hợp giữa các nước mới đáp ứng yêu cầu.
Mở rộng đối tượng báo cáo đối với các hoạt động mới phát sinh chưa có khung pháp lý điều chỉnh
Liên quan đến đối tượng báo cáo trong dự án Luật, ĐB Song An đề nghị cần mở rộng đối tượng báo cáo đối với các hoạt động mới phát sinh chưa có khung pháp lý điều chỉnh: Tổ chức cung cấp dịch vụ tài sản ảo, tiền ảo (bitcoin); tổ chức cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán; tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ cho vay trực tuyến kết nối giữa người đi vay và cho vay dựa trên nền tảng công nghệ. Hiện nay, tiền ảo bitcoin hay tiền kỹ thuật số và các loại tiền mã hóa tương tự không phải tiền pháp quy, không phải tiền điện tử, không phải tiền thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Song, trên thực tế nó đang hiện hữu và được giao dịch qua nhiều kênh, thậm chí rất sôi nổi trên thị trường nước ta núp bóng dưới dạng tổ chức, doanh nghiệp ảo để qua mắt ngân hàng. Việt Nam được đánh giá là 1 trong 10 nước tham gia chơi tiền ảo rất lớn và đây là lĩnh vực có nguy cơ rửa tiền nguy hiểm, tính chất tinh vi, chuyển hóa nhanh chóng, sát phạt với tốc độ cao, núp dưới nhiều hình thức biến hóa khó lường, tiềm ẩn rủi ro làm lũng đoạn nền kinh tế, trật tự xã hội.
ĐB Song An cho rằng, dự án Luật cũng cần cụ thể hóa sâu, rộng hơn nữa đối tượng báo cáo là tổ chức, công ty, doanh nghiệp nhận vốn, góp vốn đầu tư, sản xuất, nhất là công ty kinh doanh chứng khoán, phát hành trái phiếu; các doanh nghiệp, công ty, nhất là công ty bưu chính - viễn thông thực hiện dịch vụ chuyển tiền trong nước và quốc tế. Các loại hình kinh doanh bảo hiểm ngoài kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ gắn với đầu tư. Các đối tượng báo cáo này cần báo cáo để xác định phân biệt dấu hiệu về nguồn gốc dòng tiền nhằm ngăn chặn, phòng, chống rửa tiền, nhất là hành vi gian lận, lợi dụng để tham nhũng, hối lộ. Các đối tượng báo cáo là tổ chức phi tài chính thực hiện một hoặc một số hoạt động như kinh doanh trò chơi có thưởng, casino, dịch vụ quản lý bất động sản, môi giới bất động sản, sàn giao dịch bất động sản, kinh doanh kim loại quý và đá quý; dịch vụ công chứng, kế toán, pháp lý; dịch vụ ủy thác, dịch vụ thành lập, quản lý, điều hành doanh nghiệp, dịch vụ cung cấp giám đốc, thư ký doanh nghiệp cho bên thứ ba,... cần được quy định cụ thể trong dự án Luật để có sự quản lý chặt chẽ hơn sau khi Luật được thông qua.
Cần làm rõ các khái niệm về tiền điện tử và tài sản ảo trong dự thảo Luật
Đồng quan điểm với ĐB Lê Thị Song An, ĐB Trần Quốc Quân - Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam tỉnh, đề nghị, dự án Luật cần bổ sung đối tượng báo cáo là tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ cho vay thông qua hình thức cầm đồ và dịch vụ đòi nợ thuê. Trong thực tiễn các hình thức hoạt động này diễn ra thường xuyên nhưng lại tiềm ẩn rủi ro trong công tác quản lý xã hội của các cơ quan nhà nước nhưng lại xem là công cụ hiệu quả hoạt động rửa tiền, các hoạt động phi pháp khác. Các đối tượng này thì cần phải đưa vào để báo cáo có cơ sở giám sát nguồn gốc tài chính một cách minh bạch và công khai.
ĐB Quốc Quân đề nghị dự án Luật cần quy định rõ các khái niệm về tiền điện tử và tài sản ảo, vì trong các quy định của các điều luật có quy định về các hành vi giao dịch liên quan đến tiền điện tử và tài sản ảo. Ngoài ra, với xu thế phát triển của nền kinh tế thương mại số và công nghệ số đã có các quốc gia lớn như Trung Quốc, Mỹ hay Anh chấp nhận và sử dụng đồng tiền điện tử này trong các giao dịch thanh toán dân sự như đồng bitcoin hay tiền điện tử. Và trong thực tế, tại thị trường Việt Nam, đồng tiền điện tử này cũng đã xuất hiện khá nhiều, đặc biệt là đồng bitcoin trong thời gian vừa qua nhưng lại chưa có các quy định của pháp luật để điều chỉnh hay công nhận về loại hình giao dịch này. Đồng thời, Luật cần quy định rõ “cơ sở hợp lý” tại Điều 44 nhằm tránh nhiều cách hiểu khác nhau, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
Dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) được bố cục gồm 4 chương, 65 điều. Về cơ bản, dự án Luật kế thừa quy định tại Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012, theo đó phạm vi điều chỉnh của Luật quy định về các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi rửa tiền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống rửa tiền; hợp tác quốc tế trong phòng, chống rửa tiền. Dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) cũng quy định việc phòng, chống rửa tiền nhằm tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt được thực hiện theo quy định của Luật này, quy định của pháp luật hình sự và pháp luật về phòng, chống khủng bố, phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Theo chương trình, dự án Luật này sẽ được QH biểu quyết thông qua vào chiều ngày 15/11/2022./.