Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên chất vấn việc tổ chức phiên tòa trực tuyến

Sáng 22-8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục tổ chức chất vấn, trả lời chất vấn việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết năm 2023, đối với nhóm lĩnh vực thứ hai, gồm: tư pháp; nội vụ; an ninh, trật tự, an toàn xã hội; thanh tra; tòa án; kiểm sát.

Dự tại điểm cầu tỉnh Thái Nguyên có các đồng chí: Đoàn Thị Hảo, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh; Đặng Xuân Trường, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Mai Thị Thúy Nga, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo các ban của HĐND tỉnh, các sở, ban, ngành liên quan.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và các đại biểu dự tại điểm cầu Thái Nguyên.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và các đại biểu dự tại điểm cầu Thái Nguyên.

Tham gia chất vấn, đại biểu Nguyễn Công Hoàng, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên, nêu quan điểm: Việc tổ chức phiên tòa trực tuyến là một trong những bước đột phá trong cải cách tư pháp và hệ thống Tòa án, đặc biệt là xây dựng tòa án điện tử. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay có những khó khăn, bất cập, đặc biệt là đối với tòa án nhân dân cấp huyện trong việc xét xử trực tuyến. Đại biểu đề nghị Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao làm rõ hơn vấn đề này.

Ngoài ra, các ĐBQH cũng chất vấn Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long về trách nhiệm của Chính phủ trong việc liên tục sửa đổi luật. Lộ trình hoàn thiện thể chế về tố tụng hành chính thi hành như thế nào? vướng mắc tại các địa phương trong công tác định giá tài sản các vụ án tố tụng hình sự chủ yếu là khâu định giá.

Đại biểu Nguyễn Công Hoàng phát biểu chất vấn, nêu quan điểm.

Đại biểu Nguyễn Công Hoàng phát biểu chất vấn, nêu quan điểm.

Trong chương trình, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang trả lời chất vấn liên quan đến tội phạm trên không gian mạng, tội phạm công nghệ cao. Bộ trưởng Lương Tam Quang cho biết, đây là thách thức an ninh phi truyền thống mà mọi quốc gia đang phải đối mặt, không chỉ riêng Việt Nam…

Bộ trưởng Bộ Công an cho rằng, việc giải quyết tội phạm mạng và tội phạm công nghệ cao là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các bộ, ngành và địa phương. Bộ Công an khuyến cáo người dân nâng cao ý thức tự quản, tự phòng, tự đề kháng để phòng ngừa tội phạm công nghệ cao, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, như: Cảnh giác khi nhận cuộc gọi lạ; kiểm tra và cập nhật tính năng bảo mật trên tài khoản mạng xã hội; không cung cấp thông tin cá nhân cho người chưa rõ nhân thân; thận trọng khi thực hiện giao dịch điện tử, trực tuyến và kịp thời thông báo cho cơ quan chức năng khi nghi ngờ về hoạt động tội phạm

Với tinh thần, trách nhiệm cao, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trả lời thẳng thắn, đúng trọng tâm vấn đề đại biểu nêu, đưa ra nhiệm vụ, giải pháp, thời hạn thực hiện cụ thể, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ của Quốc hội, Chính phủ đề ra.

Sau 1,5 ngày làm việc nghiêm túc, sôi nổi đã có 75 lượt ĐBQH phát biểu, trong đó 66 lượt đại biểu chất vấn, 9 lượt đại biểu tranh luận; còn 11 đại biểu đã đăng ký nhưng do hết thời gian nên câu hỏi được chuyển qua Tổng Thư ký Quốc hội để gửi đến các thành viên Chính phủ, trưởng ngành trả lời bằng văn bản theo quy định.

Sau phần trả lời chất vấn các bộ trưởng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ.

Phát biểu kết luận phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao các ĐBQH đã nghiên cứu kỹ các báo cáo, đặt câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, có trọng tâm, đi thẳng vào vấn đề; các thành viên Chính phủ, trưởng ngành nắm chắc thực trạng của ngành, lĩnh vực phụ trách, cơ bản trả lời đầy đủ, thẳng thắn, giải trình, làm sáng tỏ nhiều vấn đề và đề ra giải pháp để triển khai hiệu quả trong thời gian tới.

Chủ tịch Quốc hội khẳng định: Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao sự nghiêm túc, cầu thị, tinh thần trách nhiệm của các thành viên Chính phủ, trưởng ngành trong việc trả lời chất vấn và tiếp thu ý kiến của ĐBQH.

Đối với việc triển khai một số nghị quyết, nhiệm vụ còn chậm, một số nội dung, chỉ tiêu trong các nghị quyết chưa hoàn thành, chưa đạt yêu cầu, chậm chuyển biến, hoặc còn khó khăn, vướng mắc, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các bộ, ngành sớm khắc phục, tháo gỡ, giải quyết dứt điểm trong thời gian tới. Trên cơ sở kết quả của phiên chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết về chất vấn với những yêu cầu cụ thể đối với từng nội dung, nêu rõ thời gian thực hiện, hoàn thành…

Thúy Hằng - Mạnh Hùng

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/chinh-tri/202408/dai-bieu-quoc-hoi-tinh-thai-nguyen-chat-van-ve-viec-to-chuc-phien-toa-truc-tuyen-fb01139/