Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang góp ý 2 dự án luật và Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, ngày 9-6, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Đất đai (sửa đổi); dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự và thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi). Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị tỉnh Tiền Giang tiếp tục có nhiều ý kiến góp ý thảo luận.

GÓP Ý DỰ ÁN LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)

Thảo luận tại tổ, các ĐBQH bày tỏ nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Đất đai (sửa đổi), qua thực tiễn cho thấy, luật hiện hành đã mang lại rất nhiều giá trị trên thực tế đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước cũng như trong giải quyết các vấn đề liên quan đến đất đai.

Tuy nhiên, luật hiện hành cũng bộc lộ nhiều bất cập, tồn tại trong thực tiễn. Do đó, hiện nay là thời điểm rất cần thiết trên thực tiễn phải có những quan điểm mới của Đảng để thể chế hóa và đưa vào dự thảo luật.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã thể hiện được cơ bản những tư tưởng mới của Đảng. Nếu Luật Đất đai (sửa đổi) được ban hành sẽ góp phần giải quyết một cách đồng bộ về các thể chế phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Đại biểu Nguyễn Thị Uyên Trang phát biểu tại buổi thảo luận tổ.

Đại biểu Nguyễn Thị Uyên Trang phát biểu tại buổi thảo luận tổ.

Góp ý cụ thể vào Điều 46 về mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, trong đó có đất trồng lúa, đại biểu Nguyễn Thị Uyên Trang đồng tình với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế: Trong trường hợp thật cần thiết mới mở rộng đối tượng là cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa.

Tuy nhiên, đại biểu đề nghị nên có điều khoản quy định giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết thực hiện điều luật này; trong đó, cần quy định cụ thể quy mô diện tích đất như thế nào thì thành lập tổ chức kinh tế.

Đối với quy mô diện tích nhỏ hơn cũng cần có điều khoản quy định cụ thể để đảm bảo quyền lợi cho người dân khi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp theo tinh thần Nghị quyết 18 của Đảng về mở rộng đối tượng và hạn mức nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp phù hợp với đặc điểm từng vùng, từng địa phương.

Liên quan đến việc bồi thường hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất theo Điều 90 của dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Thị Uyên Trang cho rằng, để đảm bảo sự đồng thuận cao của người dân đối với các chủ trương thu hồi đất xây dựng các dự án phát triển kinh tế, mang lợi ích công cộng quốc gia, đề nghị dự thảo bổ sung cụm từ quy định đảm bảo giá trị tương đương với loại đất được thu hồi.

Quang cảnh thảo luận tại tổ.

Quang cảnh thảo luận tại tổ.

Việc sửa đổi Luật Đất đai lần này, theo ý kiến của các đại biểu, dự luật có liên quan trực tiếp với trên 20 luật và 3 luật đang trình lần này là Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Kinh doanh bất động sản và ngay cả Nghị quyết Thí điểm một số cơ chế đặc thù cho TP. Hồ Chí Minh. Do vậy, để đảm bảo tính khả thi khi luật đủ điều kiện thông qua tại kỳ họp cuối năm, Ban soạn thảo cần rà soát kỹ lưỡng các quy định liên quan đến các dự thảo luật, nghị quyết liên quan lần này.

Theo các ĐBQH, ngoài những nguyên tắc sửa đổi luật lần này, Ban soạn thảo cần phải quán triệt thêm nguyên tắc là phải đưa được tất cả những tình huống vướng mắc trong thực hiện Luật Đất đai năm 2013 vào dự thảo này để tháo gỡ.

GÓP Ý DỰ ÁN LUẬT QUẢN LÝ, BẢO VỆ CÔNG TRÌNH QUỐC PHÒNG VÀ KHU QUÂN SỰ

Tại phiên thảo luận tổ, ĐBQH tỉnh Tiền Giang cũng tham gia đóng góp thêm một số ý kiến đối với dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm cho rằng cần rà soát các điều luật để bổ sung đủ nội hàm về tổ chức, hộ gia đình, cá nhân để phù hợp với phạm vi điều chỉnh của luật. Hiện nay, tại Điều 3 và Điều 7 hiện mới chỉ nêu quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân, chưa đề cập tới “hộ gia đình”.

Về chính sách của Nhà nước trong quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự (Điều 4), tại khoản 3 Điều 4 quy định: Nhà nước có cơ chế, chính sách và biện pháp phù hợp với những đối tượng bị hạn chế về quyền sử dụng đất và các quyền, lợi ích hợp pháp khác do yêu cầu quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Đại biểu đề nghị làm rõ phạm vi, nội dung của "chính sách và biện pháp phù hợp" là gì, gồm những nhóm chính sách và biện pháp nào (về kinh tế, tài chính hay đào tạo nghề, giải quyết việc làm...). Đồng thời, đề nghị bổ sung quy định ưu tiên hơn cho đối tượng là hộ gia đình nghèo, cận nghèo, hộ gia đình dân tộc thiểu số trong trường hợp bị hạn chế về quyền sử dụng đất và các quyền, lợi ích hợp pháp khác do yêu cầu quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm phát biểu ý kiến thảo luận tại tổ.

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm phát biểu ý kiến thảo luận tại tổ.

Về lực lượng bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự: Lực lượng bảo vệ công trình quốc phòng được giao những quyền hạn quan trọng, có liên quan đến quyền con người, quyền công dân như: Yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu; sử dụng công cụ hỗ trợ; ngăn chặn người, tạm giữ đồ vật, phương tiện... (khoản 2 Điều 22), đại biểu đề nghị bổ sung quy định về trình tự, thủ tục và điều kiện thực hiện các biện pháp này trong dự thảo luật.

Về chế độ, chính sách đối với lực lượng thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự (Điều 25), Điều 25 dự thảo luật quy định lực lượng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự ngoài chế độ, chính sách được hưởng theo quy định của pháp luật còn được hưởng chính sách ưu đãi phù hợp với tính chất và yêu cầu nhiệm vụ của công việc đảm nhiệm và giao Chính phủ quy định chi tiết.

Đa số lực lượng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và quân sự đều thuộc biên chế của Quân đội hoặc Công an; tương đồng với các đơn vị huấn luyện, tác chiến, tham mưu và chính trị khác. Về cơ bản, các nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc đều có tính chất như nhau. Vậy việc đặt ra thêm chế độ, chính sách ưu đãi đối với lực lượng này cần làm rõ việc tính công bằng giữa các lực lượng Quân đội và Công an khác. Tuy nhiên, trong Báo cáo đánh giá tác động của chính sách lại chưa có nội dung này.

Do do, đại biểu đề nghị cơ quan Soạn thảo đánh giá tác động của quy định này đến ngân sách nhà nước để đảm bảo tính khả thi và cân đối của ngân sách; đồng thời, đảm bảo bình đẳng giữa các lực lượng.

Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm cũng đề nghị bổ sung thêm quy định: Chính sách biểu dương, khen thưởng đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; khuyến khích phổ biến, tuyên truyền để người dân được tiếp cận, nâng cao hiểu biết về quyền và nghĩa vụ của mình trong quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.

GÓP Ý DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT

Cũng trong hôm nay, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi). Đại biểu Nguyễn Minh Sơn thống nhất với quy định về đối tượng áp dụng việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.

Tuy nhiên, trong khi khoản 1 và khoản 2 Điều 2 nêu rõ các đối tượng Quốc hội, Hội đồng nhân dân lấy phiếu tín nhiệm thì khoản 4 quy định “Quốc hội, Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn”.

Điều này có thể dẫn đến cách hiểu đối tượng áp dụng của việc bỏ phiếu tín nhiệm là tất cả các chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn, mặc dù Điều 13 giới hạn các trường hợp bỏ phiếu tín nhiệm.

Do đó, để tạo sự thống nhất, rõ nghĩa của văn bản quy phạm pháp luật và cũng thống nhất với quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 2, đại biểu đề nghị tách khoản 4 Điều 2 thành 2 khoản và bỏ Điều 13 của dự thảo Nghị quyết.

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn phát biểu ý kiến tại hội trường.

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn phát biểu ý kiến tại hội trường.

Về nguyên tắc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm tại Điều 5 quy định 4 nguyên tắc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị thay đổi thứ tự một số nguyên tắc quy định tại Điều 5; trong đó, nguyên tắc bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong công tác cán bộ là quan trọng nhất, cần phải đưa lên đầu.

Đại biểu đề nghị thay cụm từ “tôn trọng” trong nguyên tắc “tôn trọng quyền báo cáo, giải trình của người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm” bằng cụm từ “bảo đảm”. Công tác cán bộ là công tác hệ trọng, nhạy cảm, Quy định số 80-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về quản lý cán bộ đã đặt ra yêu cầu “bảo đảm chặt chẽ, dân chủ, công khai, minh bạch trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ”. Do đó, quyền báo cáo, giải trình của người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm phải được bảo đảm, chứ không chỉ là tôn trọng.

Về các hành vi bị nghiêm cấm, tại Điều 8, quy định các hành vi bị nghiêm cấm và với cách trình bày 4 khoản, không có câu dẫn điều sẽ được hiểu là có 4 hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.

Tuy nhiên, nội dung khoản 4 Điều 8 không phải là một hành vi bị nghiêm cấm mà là hậu quả của việc vi phạm pháp luật về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm. Cụ thể, khoản 4 Điều 8 quy định “Trường hợp vi phạm pháp luật về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật”.

Quy định tại khoản 4 không phù hợp với nội dung tên Điều 8 và không cần thiết, vì trường hợp vi phạm pháp luật nói chung hay pháp luật về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm nói riêng thì đương nhiên bị xử lý theo quy định của pháp luật cán bộ, công chức. Do đó, đại biểu đề nghị bỏ khoản 4 Điều 8.

Về thuật ngữ sử dụng trong dự thảo Nghị quyết, đại biểu Nguyễn Minh Sơn cho rằng, dự thảo Nghị quyết đang sử dụng đồng thời hai thuật ngữ “nhiệm vụ, quyền hạn” và thuật ngữ “chức trách, nhiệm vụ”. Cụ thể là có điều thì quy định “kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao”; có điều thì quy định “kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao”. Trong đó, thuật ngữ “nhiệm vụ, quyền hạn” được sử dụng 7 lần, thuật ngữ “chức trách, nhiệm vụ” được sử dụng 4 lần.

Quang cảnh thảo luận tại hội trường.

Quang cảnh thảo luận tại hội trường.

Trong khi đó, Hiến pháp, Luật Cán bộ, công chức, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân sử dụng cụm từ “nhiệm vụ, quyền hạn”. Cụ thể, Hiến pháp, Luật Cán bộ, công chức, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân chỉ sử dụng cụm từ “nhiệm vụ, quyền hạn”, không sử dụng cụm từ “chức trách, nhiệm vụ”. Còn Luật Tổ chức chính quyền địa phương sử dụng cụm từ “chức trách, nhiệm vụ” 1 lần duy nhất tại khoản 2 Điều 124.

Như vậy, Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân giao “nhiệm vụ, quyền hạn” cho cán bộ thì Nghị quyết về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm phải dựa trên việc đánh giá kết quả thực hiện “nhiệm vụ, quyền hạn” được giao, không thể đánh giá việc thực hiện “chức trách, nhiệm vụ” (không được giao trong các luật trên). Do đó, để bảo đảm thống nhất, đại biểu đề nghị sử dụng thống nhất và duy nhất cụm từ “nhiệm vụ, quyền hạn” trong dự thảo nghị quyết.

MINH TRÍ - THU HOÀI

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-tri/202306/dai-bieu-quoc-hoi-tinh-tien-giang-gop-y-2-du-an-luat-va-nghi-quyet-ve-viec-lay-phieu-tin-nhiem-bo-phieu-tin-nhiem-981511/