Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang thảo luận về một số dự án luật
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, trong phiên họp chiều 20-5, các đại biểu thảo luận tại tổ, cho ý kiến về: Dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng. Báo Ấp Bắc ghi nhận không khí thảo luận thẳng thắn, trách nhiệm của các đại biểu, thể hiện sự cân nhắc kỹ lưỡng các tác động của chính sách pháp luật đến đời sống kinh tế - xã hội và quyền con người.
Cho ý kiến đối với dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi) và Bộ luật Tố tụng hình sự, các đại biểu cho rằng, Ban soạn thảo đã rất công phu, nghiêm túc trong việc xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự lần này.
Dự thảo đã đề xuất nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung quan trọng, mang tính đột phá, bám sát các mục tiêu và quan điểm chỉ đạo đã đề ra, nhằm điều chỉnh cho phù hợp với việc tinh gọn bộ máy các cơ quan tiến hành tố tụng, như việc ngành Công an không tổ chức cấp huyện.
Dự luật cũng sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến thẩm quyền tố tụng của Viện Kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân sau khi sắp xếp lại còn 3 cấp.
Thảo luận về sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự, các đại biểu đã tập trung vào nhiều nội dung trọng tâm như: Việc bỏ hình phạt tử hình đối với một số tội danh, bổ sung hình phạt tù chung thân không xét giảm án, hình sự hóa hành vi sử dụng trái phép chất ma túy và tăng nặng trách nhiệm hình sự cũng như mức phạt tiền...

Đại biểu Nguyễn Hoàng Mai phát biểu ý kiến thảo luận tại tổ.
Đa số đại biểu nhất trí với chủ trương giảm dần việc áp dụng hình phạt tử hình, coi đây là xu hướng tiến bộ, phù hợp với thông lệ quốc tế và thể hiện tính nhân đạo của pháp luật. Cụ thể, đa số đại biểu tán thành với việc bỏ hình phạt tử hình đối với các tội danh nêu trong dự thảo luật, bổ sung hình phạt tù chung thân, không xét giảm án các tội bỏ hình phạt tử hình...
Đại biểu phân tích, quy định này đảm bảo yêu cầu cải cách tư pháp trong giai đoạn hiện nay và yêu cầu tránh oan sai trong tố tụng hình sự; tiếp tục thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về giảm hình phạt tử hình và khắc phục khó khăn, vướng mắc của thực tiễn áp dụng hình phạt này trong thời gian vừa qua.
Về việc bổ sung tội sử dụng trái phép chất ma túy, các ý kiến không tán thành việc bổ sung tội danh này, đại biểu cho rằng cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng các tác động do tính phức tạp và liên quan mật thiết đến chính sách phòng, chống ma túy tổng thể. Có ý kiến đề nghị nếu bổ sung thì cần xem xét mức hình phạt và các biện pháp xử lý phù hợp, thay vì chỉ đơn thuần hình sự hóa.
Đại biểu Nguyễn Hoàng Mai, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang tán thành quan điểm sẽ phải quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn đối với người sử dụng trái phép chất ma túy. Bởi đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy là nguồn gốc của nhiều loại tội phạm. Tuy nhiên, việc bổ sung tội sử dụng trái phép chất ma túy vào dự thảo luật thì cần xem xét kỹ lại quy định sao cho hợp lý.
Đại biểu cho rằng "chế tài nghiêm khắc hơn là như thế nào thì phải tính chứ không phải chúng ta cứ đưa vào hình sự là nghiêm khắc hơn. Vấn đề là hiệu quả nó có đạt được hay không cũng cần xem xét đánh giá lại.
Bởi trước đây, chúng ta đã áp dụng rồi và hiệu quả cũng không cao. Nếu đặt mục tiêu vào tù để đe dọa được người sử dụng trái phép ma túy thì tôi nghĩ chưa chắc sau khi ra tù thì họ không tái nghiện hoặc giảm đi số người sử dụng ma túy. Cho nên cần đánh giá rất kỹ tác động; bởi có một số vấn đề chưa thực sự thuyết phục".

Quang cảnh thảo luận tại tổ.
Bên cạnh Bộ luật Hình sự, các đại biểu cũng đóng góp ý kiến cho dự thảo sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng. Đa số ý kiến đại biểu cho rằng, dự án luật sửa đổi đã cơ bản đáp ứng được nội dung yêu cầu của Nghị quyết 46 của Chính phủ. Ý kiến đại biểu góp ý tập trung vấn đề xử lý nợ xấu.
Đại biểu cho rằng, dự thảo luật sửa đổi nên đánh giá thêm về tác động khi xử lý nợ xấu, đặc biệt là các tổ chức tín dụng có tỷ lệ nợ xấu cao, bởi khi nợ xấu cao dễ xảy ra mất an ninh trật tự, nó liên quan đến bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo phải làm rõ thêm việc xử lý tài sản bảo đảm để giải quyết nợ xấu, vì việc này liên quan đến nhiều tổ chức, đến nhiều cá nhân, nhất là những tài sản mà thuộc sở hữu chung và tài sản đang tranh chấp. Cho nên cần phải có những quy định về cơ chế pháp lý liên quan đến trách nhiệm của các bên xử lý.
Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc lại Khoản 1 Điều 193 về việc Ngân hàng Nhà nước cho vay với lãi suất đặc biệt 0% để xử lý nợ xấu, chỉ ra rằng việc cho vay lãi suất đặc biệt 0 % thì có thể tạo ra lợi thế cho ngân hàng thương mại khi phục hồi sẽ dẫn đến mất bình đẳng trong cạnh tranh kinh doanh và chính Nhà nước là bên thiệt hại chứ không phải là ngân hàng thương mại.
Đại biểu cũng đề nghị nghiên cứu để thiết kế tách Điều 198A về quyền thu giữ tài sản bảo đảm ra thành một điều luật khác do nội dung quá dài, gây khó hiểu.
Buổi thảo luận cũng ghi nhận nhiều kiến nghị cụ thể khác như: Xem xét không thi hành án tử hình trong các trường hợp người bị kết án tử hình bị bệnh hiểm nghèo, ung thư giai đoạn cuối, người nhiễm HIV đã chuyển giai đoạn AIDS đang có nhiễm trùng cơ hội.
Đồng thời, xem xét đưa quy định về khuyến khích người phạm tội tích cực khắc phục hậu quả vào Luật Đặc xá; nghiên cứu quy định xử lý hình sự đối với trường hợp sản xuất, kinh doanh hàng hóa chưa được cấp phép lưu hành…