Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái: Hộ cận nghèo vùng đặc biệt khó khăn phải được thụ hưởng chính sách của dự án 1

Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đỗ Đức Duy đề nghị xem xét thêm để có thể điều chỉnh chủ trương đầu tư liên quan đến hộ cận nghèo sẽ là đối tượng thụ hưởng của Dự án 1 hay điều chỉnh nội dung để đưa trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên là đối tượng thụ hưởng của tiểu dự án 3 thuộc Dự án 5 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái, chủ trì thảo luận tổ.

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái, chủ trì thảo luận tổ.

Chiều nay - 25/5, thảo luận ở tổ, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy và đại biểu Nguyễn Thành Trung đã cho ý kiến về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc-Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa - Chơn Thành và điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Về điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đại biểu Đỗ Đức Duy cho rằng ngoài nội dung điều chỉnh chủ trương đầu tư như Tờ trình của Chính phủ thì đề nghị xem xét thêm để có thể điều chỉnh chủ trương đầu tư liên quan đến hộ cận nghèo sẽ là đối tượng thụ hưởng của Dự án 1 hay điều chỉnh nội dung để đưa trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên là đối tượng thụ hưởng của tiểu dự án 3 thuộc Dự án 5.

Cho biết, quá trình triển khai thực hiện Chương trình có nhiều văn bản quy định hoặc hướng dẫn của Chính phủ và các Bộ, ngành còn có những bất cập dẫn đến khó khăn trong triển khai thực hiện, đại biểu Duy đề nghị ngoài việc điều chỉnh chủ trương đầu tư thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì những nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ hoặc các thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành cũng cần rà soát, điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tiễn để tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương triển khai thực hiện.

Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy phát biểu thảo luận ở tổ chiều 25/5.

Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy phát biểu thảo luận ở tổ chiều 25/5.

Cao tốc đi qua địa phương tạo động lực mới và sự thay đổi rất rõ rệt

Liên quan đến chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước), đại biểu Đỗ Đức Duy bày tỏ đồng tình và thống nhất cao với Tờ trình của Chính phủ về việc trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án và cho rằng chủ trương này hoàn toàn phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các quy hoạch có liên quan.

Đại biểu cho biết, hiện nay vùng Trung du và miền núi phía Bắc, vùng Tây Nam Bộ đã và đang triển khai nhiều dự án đầu tư các tuyến đường cao tốc để kết nối liên tỉnh, liên kết vùng. Riêng với vùng Tây Nguyên tuy có năm tỉnh nhưng lại không nằm trên một trục, hiện nay mới chỉ có một số dự án đường cao tốc kết nối với tỉnh Lâm Đồng, Khánh Hòa - Ban Mê Thuột bắt đầu triển khai. Bình Phước là cửa ngõ kết nối từ phía Tây xuống với phía Đông Nam Bộ và thành phố Hồ Chí Minh còn Đắk Nông, Đắk Lắc, Gia Lai, Kon Tum… chưa có các tuyến cao tốc.

Về hiệu quả, đại biểu lấy ví dụ về tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai đưa vào khai thác, vận hành đã giúp tỉnh Yên Bái thu ngân sách sau mười năm tăng gấp bốn lần để khẳng định cao tốc góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, khi cao tốc đi qua đều có một động lực mới và một sự thay đổi rất rõ rệt.

Về quy mô đầu tư và phương thức đầu tư, đại biểu thống nhất với một số ý kiến là đề nghị cân nhắc mở rộng đầu tư đoạn tuyến kết nối 2 km từ nút giao với đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Chơn Thành đến đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa theo quy mô bốn làn xe để đảm bảo kết nối đồng bộ với đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Chơn Thành đang triển khai để phát huy hiệu quả đầu tư và nên đầu tư luôn, không nên để cho giai đoạn sau, giống như cái nút thắt.

Về phương thức đầu tư theo hình thức PPP, đại biểu đồng tình và cho rằng đây là tuyến độc đạo và lưu lượng lưu thông qua tuyến này rất lớn nên đầu tư theo hình thức PPP thì khả năng thu hồi vốn cũng rất khả thi và chỉ thời gian ngắn.

Về tác động của Dự án đến các dự án giao thông BOT song hành, đại biểu cũng đồng tình với một số ý kiến cần làm rõ thêm sự tác động này và phương án giải quyết sự tác động đó. "Tôi cho rằng, tác động là chắc chắn, tuy nhiên hoàn toàn có thể xử lý được bằng việc kéo dài thời gian nguồn vốn của các dự án BOT” - đại biểu Duy phát biểu.

Cơ bản đồng tình với các nội dung theo Tờ trình của Chính phủ về tổng mức đầu tư và phương án tài chính, đại biểu băn khoăn về khả năng đối ứng nguồn vốn của địa phương. Đề cập khả năng cân đối của Bình Phước và Đắk Nông, đại biểu đề nghị Chính phủ có giải trình, làm rõ thêm về phương án bố trí nguồn vốn của Đắk Nông cũng như việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn để bảo đảm tính khả thi đáp ứng được nguồn vốn 1.000 tỉ đồng trong thời gian hai năm.

Về thời gian, đại biểu thống nhất bố trí vốn đến 2026 nhưng thời gian thực hiện có thể kéo dài thêm khoảng sáu tháng đến 1 năm thì như vậy sẽ đảm bảo khả thi hơn. Trong trường hợp giai đoạn 2021 - 2025 chưa bố trí đủ nguồn vốn, nhất là ở góc độ địa phương thì có năm 2026 để căn cứ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 bố trí nguồn vốn thì có thời gian cho các địa phương có thể thu xếp nguồn vốn thì sẽ thuận lợi hơn.

Cuối phần thảo luận, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái thống nhất cao với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và đề nghị sẽ áp dụng và vận dụng tối đa các cơ chế đặc thù đã và đang thực hiện cho các dự án cao tốc trong cả nước để áp dụng cho dự án này, bởi vì đây là địa bàn đặc biệt khó khăn và nhu cầu cấp thiết đầu tư càng sớm càng tốt.

Đại biểu Nguyễn Thành Trung - Nguyễn Thành Trung - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đề nghị cần áp dụng các quy định chung của pháp luật về đấu thầu để đảm bảo công khai, minh bạch trong đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc Nam phía Tây .

Cùng tham gia ý kiến vào chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắc Nông) - Chơn Thành (Bình Phước), đại biểu Nguyễn Thành Trung cũng tán thành rất cao với sự cần thiết đầu tư Dự án. Đại biểu cho biết, điều này sẽ tạo điều kiện mở ra không gian phát triển cho các địa phương khu vực Tây Nguyên và tăng cường liên kết các địa phương trong vùng, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên cũng như vùng Đông Nam Bộ, giúp tăng cường bảo đảm quốc phòng - an ninh.

Về phương thức đầu tư, đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung cơ chế để đảm bảo tính khả thi cho Dự án, tránh trường hợp không lựa chọn được nhà đầu tư hoặc không huy động được vốn tín dụng cho giá dẫn đến "chúng ta lại phải báo cáo chuyển đổi sang hình thức đầu tư công, làm kéo dài thời gian cũng như làm giảm hiệu quả của dự án".

Về nguồn vốn thực hiện Dự án, theo báo cáo của Chính phủ thì nguồn ngân sách trung ương là khoảng 10.536 tỉ từ nguồn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022. "Ở đây, tôi tán thành với đề xuất Chính phủ cho phép kéo dài thời gian giải ngân đến hết năm 2026 đối với số vốn bố trí từ nguồn tăng thu để thực hiện Dự án” - đại biểu Trung nêu ý kiến.

Về cơ chế chính sách đặc thù của Dự án, Chính phủ cũng kiến nghị áp dụng cơ chế chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư, đại biểu bày tỏ băn khoăn và cho rằng cần áp dụng các quy định chung của pháp luật về đấu thầu để đảm bảo công khai, minh bạch.

Bổ sung đối tượng thụ hưởng chính sách của Dự án 1 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Thảo luận về điều chỉnh chủ trương Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, đại biểu Trung thống nhất với đề xuất của Chính phủ cũng như Báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc.

Đại biểu cho biết, qua tiếp xúc cử tri có nhiều ý kiến cần đề nghị bổ sung thêm một số đối tượng phù hợp của Chương trình. Cụ thể về giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, đại biểu đề nghị bổ sung đối tượng là hộ cận nghèo dân tộc thiểu số, hộ cận nghèo dân tộc Kinh sinh sống ở xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn được thụ hưởng chính sách của Dự án 1.

Đối với hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị và sản xuất cộng đồng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu Trung đề nghị xem xét bổ sung hỗ trợ cho các đối tượng khác ngoài đối tượng đã quy định của các chương trình về tỉ lệ hỗ trợ có thể là bằng 70% mức hỗ trợ cho đối tượng chính.

Đối với Dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng dân tộc thiểu số và miền núi, đại biểu nêu bất cập trong quy định trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên, làm rõ tổ chức, cơ chế hoạt động và đề nghị xem xét bổ sung đối tượng trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên vào danh sách đối tượng thụ hưởng của Chương trình tại Quyết định số 1719 và Quyết định số 90 của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời nghiên cứu xem xét, điều chỉnh tăng mức hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp dưới ba tháng cho phù hợp với thực tế hiện nay.

Minh Quang - Hoàng Sâm

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/11/323226/dai-bieu-quoc-hoi-tinh-yen-bai-ho-can-ngheo-vung-biet-kho-khan-phai-duoc-thu-huong-chinh-sach-cua-du-an-1.aspx