ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI ỦNG HỘ VIỆC XÂY DỰNG LUẬT QUẢN LÝ, BẢO VỆ CÔNG TRÌNH QUỐC PHÒNG VÀ KHU QUÂN SỰ
Góp ý về dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự tại Kỳ họp thứ 5, các đại biểu Quốc hội đều bày tỏ tán thành với sự cần thiết phải ban hành Luật, nhằm bảo vệ tài sản Nhà nước, xây dựng, quản lý, sử dụng hiệu quả hơn công trình quốc phòng, khu quân sự phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Đầy đủ cơ sở chính trị, pháp lý, thực tiễn
Dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự gồm 06 chương, 34 điều. Nội dung của Dự thảo Luật được xây dựng trên cơ sở 04 nhóm chính sách đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 50/2022/QH15 ngày 13/6/2022 và chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 22/NQ-CP ngày 28/02/2022.
Cụ thể, Chính sách 1: Hoàn thiện quy định về xác định phạm vi bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự và nội dung quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự;
Chính sách 2: Chế độ quản lý, bảo vệ đối với khu vực cấm, khu vực bảo vệ, vành đai an toàn, vành đai an toàn kho đạn dược, hành lang an toàn kỹ thuật hệ thống anten quân sự của các công trình quốc phòng và khu quân sự;
Chính sách 3: Chuyển đổi mục đích sử dụng, phá dỡ, di dời công trình quốc phòng và khu quân sự;
Chính sách 4: Chính sách đối với địa phương, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tại địa bàn, khu vực bị ảnh hưởng do yêu cầu của công tác quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.
Về cơ sở chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang khẳng định, từ năm 1995 đến nay, Đảng ta đã ban hành nhiều chủ trương, quan điểm về bảo vệ Tổ quốc, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân cần được tiếp tục thể chế hóa, như: Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 22/9/2008 của Ban chấp hành Trung ương (khóa X) về tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới; Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 25/10/2013 của Ban chấp hành Trung ương (khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang nêu rõ, các chủ trương, quan điểm trên của Đảng cần phải được tiếp tục cụ thể hóa đầy đủ để tạo cơ sở pháp lý cho tổ chức thực hiện, trong đó có việc hoàn thiện pháp luật về quản lý, bảo vệ CTQP và KQS nhằm góp phần tăng cường tiềm lực quốc phòng, xây dựng củng cố vững chắc nền quốc phòng toàn dân, gắn kết chặt chẽ với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Về cơ sở pháp lý, việc quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự có các quy định hạn chế quyền đi lại, hoạt động của cá nhân, tổ chức trong một số trường hợp nhất định, hiện nay chỉ được quy định tại các văn bản dưới luật; vì vậy, cần xây dựng Dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự để bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp. Luật Quốc phòng năm 2018 quy định về nền quốc phòng toàn dân, phòng thủ quân khu, khu vực phòng thủ:"Nền quốc phòng toàn dân là sức mạnh quốc phòng của đất nước, được xây dựng trên nền tảng chính trị, tinh thần, nhân lực, vật lực, tài chính, mang tính chất toàn dân, toàn diện, độc lập, tự chủ, tự cường" (khoản 1 Điều 7)… Để xây dựng, củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, đồng bộ, thống nhất theo quy định tại Luật Quốc phòng, cần thiết phải ban hành đạo luật chuyên ngành để tạo cơ sở pháp lý trong công tác quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.
Về cơ sở thực tiễn, Bộ trưởng Phan Văn Giang nêu rõ, sau 28 năm thực hiện, Pháp lệnh đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập, như: Việc xác định phạm vi, ranh giới bảo vệ của công trình quốc phòng và khu quân sự chưa được quy định cụ thể, rõ ràng; còn xảy ra hiện tượng lấn chiếm, xâm canh trái phép vào phạm vi được giao quản lý, bảo vệ; công tác phối hợp giữa các địa phương với Bộ Quốc phòng và các đơn vị Quân đội trong xác định phạm vi, ranh giới để tổ chức quản lý, bảo vệ chưa được triển khai đồng bộ… Vì vậy, việc xây dựng Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự là cần thiết nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về quốc phòng, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng, khu quân sự chặt chẽ, hiệu quả hơn
Qua thảo luận, các đại biểu đại biểu Quốc hội đều bày tỏ đồng ý, thống nhất việc xây dựng, ban hành Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự với nhiều lý do.
Bày tỏ đồng tình và thống nhất với việc ban hành Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, đại biểu Đặng Văn Lẫm- Đoàn ĐBQH thành phố Hồ Chí Minh đã dành nhiều thời gian phân tích về sự cần thiết phải xây dựng luật. Đại biểu Lẫm cho rằng, việc xây dựng luật là thực sự cần thiết nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về quân sự, quốc phòng, giúp cho công tác quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự được chặt chẽ, hiệu quả hơn.
Đại biểu Đặng Văn Lẫm nêu rõ, công trình quốc phòng và khu quân sự là tài sản nhà nước được giao cho quân đội và chính quyền địa phương các cấp tổ chức xây dựng, sử dụng, quản lý, bảo vệ để phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công trình quốc phòng không chỉ có ý nghĩa trong chiến tranh mà còn giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong xây dựng, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, chuẩn bị cho đất nước ngay từ thời bình, sẵn sàng đối phó với mọi tình huống xảy ra, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Mặt khác, đại biểu Đặng Văn Lẫm cũng nêu thực tiễn trong thời gian qua, việc xâm phạm công trình quốc phòng và khu quân sự diễn ra phức tạp. Cụ thể, các kho của Ban chỉ huy quân sự huyện, quận, thành phố, tỉnh do đóng quân ở vị trí trung tâm, mật độ dân số cao, diện tích hẹp, không bảo đảm an toàn khi xảy ra sự cố; các trạm thông tin, bãi phát xạ ăng ten bị hạn chế ảnh hưởng bởi các dự án kinh tế - xã hội, trung tâm thương mại, chung cư, nhà cao tầng... Do vậy, việc quy định các hoạt động trong phạm vi bảo đảm công trình quốc phòng và khu quân sự nhằm đáp ứng tình hình thực tiễn và kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vụ việc vi phạm pháp luật liên quan đến công trình quốc phòng và khu quân sự là hết sức cần thiết và phù hợp.
Xây dựng tiềm lực, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân
Đồng quan điểm, đại biểu Điểu Huỳnh Sang- Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước nêu quan điểm: Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự được xây dựng trên cơ sở kế thừa và phát triển của Pháp lệnh Bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự năm 1994 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và luật hóa những nội dung đã được thực tiễn kiểm nghiệm của 3 nghị định của Chính phủ về ban hành Quy chế bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự năm 1995; về quy hoạch, xây dựng, quản lý và bảo vệ vành đai an toàn các kho đạn dược, vật liệu nổ, nhà máy sản xuất đạn dược, vật liệu nổ do Bộ Quốc phòng quản lý; về quản lý và bảo vệ hành lang an toàn kỹ thuật của hệ thống ăng ten quân sự và Thông tư của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định về quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự năm 2013.
Mục đích việc xây dựng Luật nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong tổ chức thực hiện xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc trong tình hình mới. Đồng thời tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; xây dựng chính sách hỗ trợ, ưu tiên các chương trình đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội đối với địa phương, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tại địa bàn bị ảnh hưởng lớn về phát triển kinh tế - xã hội, hạn chế đầu tư nước ngoài; chính sách đối với các khu vực bị hạn chế về quyền sử dụng đất và các quyền, lợi ích hợp pháp khác do yêu cầu quản lý, bảo vệ, bảo đảm an toàn cho công trình quốc phòng và khu quân sự.
Đại biểu Hà Thọ Bình- Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, việc ban hành Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự trên cơ sở nâng cấp của Pháp lệnh bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự năm 1994 và luật hóa các quy định, nghị định, thông tư đã được kiểm nghiệm trên thực tế. Việc quản lý, bảo vệ công trình có hiệu quả sẽ góp phần xây dựng tiềm lực quốc phòng, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới
Đại biểu Nguyễn Tạo – Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng cũng khẳng định, từ năm 1994 đến nay, việc tổ chức thực hiện Pháp lệnh Bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự đã đạt được nhiều kết quả, thành tựu hết sức quan trọng. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Tạo cũng cho rằng, các quy định của Pháp lệnh bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự hiện hành chưa theo kịp tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và các địa phương có các công trình quốc phòng, khu quân sự đang tồn tại.
Chính vì vậy, việc nâng cấp từ pháp lệnh thành Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự nhằm bảo đảm cho việc tài sản nhà nước được quản lý, xây dựng, bảo vệ một cách hiệu quả hơn để phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, phù hợp với các văn kiện nghị quyết của Đảng trong thời gian vừa qua cũng như triển khai thi hành đồng bộ Hiến pháp 2013, bảo đảm tính tích hợp đồng bộ, thống nhất với các hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đang hiện hành.
Tuy nhiên, qua thảo luận, để cụ thể hóa đầy đủ các quy định của Hiến pháp, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung và đánh giá cụ thể hơn tác động của các chính sách được quy định trong dự thảo luật để bảo đảm cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn, cung cấp số liệu cụ thể, rõ ràng, nhất là các tác động về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, các tác động đến tổ chức, doanh nghiệp và người dân, các giải pháp, nguồn lực để thực hiện chính sách nhằm giải quyết những vướng mắc, bất cập hiện nay.
Trong đó có các nội dung liên quan đến quản lý xác nhận phạm vi bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, chuyển đổi mục đích sử dụng, phá dỡ, di dời công trình quốc phòng và khu quân sự. Đồng thời, nghiên cứu bổ sung quy định về điều khoản chuyển tiếp giữa Pháp lệnh Bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự và dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự để bảo đảm tính thực thi khi tổ chức thực hiện./.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=77411