Đại biểu Trần Hoàng Ngân: 'Tôi không lo ngại áp lực khi chất vấn tư lệnh ngành'
'Tài lực, nhân lực, trí lực đều phải tập trung cao để có hệ thống pháp luật đồng bộ, toàn diện từ trung ương tới địa phương', ông Ngân cho biết.
Xây dựng luật phải đi vào đời sống, phục vụ nhân dân
Bầu cử Quốc hội khóa XV và bầu cử Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước sắp diễn ra vào ngày 23/5 tới.
Đây được xem là ngày hội lớn toàn dân thực hiện cuộc vận động chính trị và sinh hoạt dân chủ sâu rộng, trực tiếp lựa chọn những đại biểu xứng đáng, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân tại cơ quan quyền lực cao nhất và cơ quan quyền lực nhà nước địa phương.
Mỗi đại biểu được nhân dân chọn lựa là đại diện tiếng nói của người dân, gửi gắm những tin tưởng, kỳ vọng về đất nước với một tương lai tốt đẹp, đời sống nhân dân phát triển.
Trong suốt 10 năm, cảm thấy may mắn, hạnh phúc khi được trở thành Đại biểu Quốc hội hai khóa liên tiếp, luôn nỗ lực làm tốt nhất có thể xứng đáng với niềm tin của nhân dân, cử tri, chia sẻ với Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, Đại biểu Quốc hội khóa XIII, XIV cho biết:
“Đại biểu Quốc hội là người đại diện, ý chí nguyện vọng của cử tri, nhân dân. Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất, có quyền lập hiến, lập pháp. Chính vì thế Đại biểu Quốc hội phải đóng góp trí tuệ của mình vào công việc chung xây dựng đất nước, đặc biệt là việc hoàn thành hệ thống pháp luật Việt Nam.
Trở thành một Đại biểu Quốc hội, điều đầu tiên tôi nghĩ là phải biết lắng nghe, phản ánh khách quan, trung thực nhất thực tế đời sống của nhân dân.
Từ việc tận dụng các cơ hội, điều kiện lắng nghe các chuyên gia, các bạn bè đồng nghiệp, các thầy cô giáo… đến việc nắm bắt hơi thở cuộc sống của người dân để phản ánh trung thực nhất, góp ý, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật của đất nước đi thẳng vào phục vụ đời sống nhân dân”.
Là Đại biểu Quốc hội với tính cách thẳng thắn trên nghị trường, về vấn đề lập pháp, trước đó tại phiên thảo luận ở hội trường về Dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội vào ngày 26/3 vừa qua, Đại biểu Trần Hoàng Ngân đánh giá nhiệm kỳ XIV đã đạt được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực tuy nhiên vẫn còn tồn tại những hạn chế nhất định.
“Công tác lập pháp là nhiệm vụ quan trọng nhất. Nhiệm kỳ qua, Quốc hội đã thông qua 72 luật, 135 Nghị quyết. Tuy nhiên, trong số 72 luật có tới 1/3 là sửa đổi, bổ sung. Nó cho thấy tuổi thọ luật của chúng ta hạn chế mà đã là luật thì phải ổn định, lâu dài thì nhà đầu tư mới có thể đầu tư dài hạn”, ông Ngân chỉ rõ.
Theo ông Trần Hoàng Ngân, việc tuổi thọ các điều luật ngắn, thường xuyên sửa đổi, thay thế luật không những khó khăn đối với nhà đầu tư kinh tế mà các cơ quan chuyên trách về luật pháp cũng phải thường xuyên cập nhật.
Thậm chí, có những điều luật chưa đưa vào cuộc sống đã phải sửa. Có những luật quan trọng, gấp rút, cần sửa nhanh chóng lại chậm được sửa đổi, ban hành như Luật Đất đai sửa đổi.
Nhiều quy định còn gây vướng mắc cản trở, chồng chéo. Chính vì vậy, công tác làm luật cần chuyên nghiệp hơn, chất lượng hơn, Quốc hội giám sát việc thực thi pháp luật chặt chẽ hơn.
Về các vấn đề quan trọng của quốc gia mà Quốc hội quyết định, Đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng cho rằng, việc tiếp cận vấn đề của Đại biểu Quốc hội chưa được kịp thời, sâu rộng. Vì vậy, Đại biểu Quốc hội cần phải được tiếp cận, nắm những vấn đề đó sâu sắc hơn trước khi bấm nút thông qua.
Phát biểu trước Quốc hội ngày 26/3, ông Ngân cho biết: “Trong báo cáo về hoạt động của Chính phủ, Thủ tướng nói rằng Chính phủ đã phải thực hiện 570 chuyến ‘lên rừng, xuống biển’ trong nhiệm kỳ vừa qua.
Con số thể hiện sự quyết tâm, quyết liệt của Chính phủ nhưng cũng thể hiện rằng các địa phương còn lúng túng khi văn bản luật, nghị quyết chưa rõ ràng, khiến địa phương chưa dám thực hiện. Khi Chính phủ đến và tìm cách tháo gỡ, những chồng chéo này mới được giải quyết”.
Việc tập trung tất cả nguồn lực để đầu tư cho công tác lập pháp theo ông Ngân là điều thực sự cần thiết. Tài lực, nhân lực, trí lực đều phải tập trung cao để có hệ thống pháp luật đồng bộ, toàn diện từ trung ương tới địa phương.
Ông Trần Hoàng Ngân cho biết, nếu tiếp tục trở thành Đại biểu Quốc hội khóa XV, ông vẫn tiếp tục với những kiến nghị trong vấn đề đầu tư, xây dựng, hoàn thiện, đồng bộ hệ thống pháp luật Việt Nam.
“Hệ thống pháp luật dùng để điều chỉnh các quan hệ trong xã hội, trực tiếp liên quan đến đời sống nhân dân, đó cũng là nhiệm vụ chính một Đại biểu Quốc hội được nhân dân giao phó. Vì vậy, nếu xây dựng hệ thống pháp luật mà các điều luật không đi vào thực tiễn cuộc sống, tồn tại những hạn chế thì sẽ có những ảnh hưởng, hệ lụy rất nghiêm trọng đối với sự hưng thịnh của quốc gia, dân tộc”, ông Ngân khẳng định.
Chất vấn với mục đích chia sẻ, xây dựng, không lo áp lực
Theo Phó Giáo sư Trần Hoàng Ngân, thời gian vừa qua, ông tham gia chất vấn rất nhiều trên nghị trường cũng như tham gia các đoàn giám sát thực tế.
“Đại biểu Quốc hội là đại diện tiếng nói cho người dân, phải lắng nghe những ý kiến của người dân, nắm bắt tình hình phát triển của địa phương để nếu có kiến nghị thì phải theo đuổi để Trung ương có những cơ chế, giải pháp phù hợp đi thẳng vào đời sống nhân dân, giải quyết những vấn đề tồn đọng, ứ nghẹn tại địa phương, đặc biệt là những thành phố lớn, đông dân như Thành phố Hồ Chí Minh”, ông Ngân nhận định.
Cũng chính vì thế, theo Đại biểu Trần Hoàng Ngân, việc chất vấn các thành viên Chính phủ không phải áp lực mà đó chính là sự chia sẻ lẫn nhau một vấn đề cần được giải quyết. Tất nhiên, vấn đề đưa ra phải là vấn đề cấp bách và đang cần tìm phương án giải quyết hiệu quả.
Trong công tác lập pháp vẫn còn những hạn chế, trình trước Quốc hội, Đại biểu Trần Hoàng Ngân không ngại ngần chỉ rõ: “Các dự án hàng trăm nghìn tỷ đồng mà chúng ta bấm nút thông qua ở Quốc hội nhưng có thể chỉ vì vướng luật khiến dự án dang dở, chậm triển khai, đội vốn hàng chục nghìn tỷ. Nhiều dự án đội vốn gấp 3 lần do luật chưa đồng bộ, chồng chéo”.
Một thí dụ điển hình được ông Trần Hoàng Ngân nhắc đến đó chính là nông nghiệp, đặt ra bài toán cần giải quyết như thế nào khi nông nghiệp là thế mạnh của Việt Nam nhưng tại sao phần lớn người nông dân lại có cuộc sống khó khăn, mất mùa, mất giá cần giải cứu?
Trước đây, tại Quốc hội khóa XIII, ông Ngân và nhiều đại biểu quan tâm đến việc sử dụng vốn nâng cấp nhà nước, sử dụng vốn của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Vấn đề cổ phần hóa, ai quản lý, đi vào đâu… tất cả những vấn đề đó được đưa ra chia sẻ, làm rõ là để hoàn thiện hệ thống luật pháp quản lý hiệu quả hơn.
Ngay tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV khai mạc, trả lời báo giới, Đại biểu Trần Hoàng Ngân nêu ra những cải tiến nên có trong các kỳ họp Quốc hội.
Sau khi lấy ý kiến cử tri về các vấn đề xử tri quan tâm, Quốc hội có thể chất vấn một nội dung nóng nhất, nhưng phải giải quyết triệt để với nhiều Bộ cùng tham gia giải đáp.
Việc chất vấn phải diễn ra thường xuyên trong suốt năm chứ không chỉ 2 kỳ họp. Ví dụ khi có vấn đề quy hoạch đô thị, Quốc hội mời Bộ trưởng đến để đại biểu chất vấn.
Hay như lấy ví dụ về việc tăng thuế môi trường với xăng dầu, dù bị dư luận phản ứng dữ dội nhưng Bộ Tài chính vẫn kiên quyết đề xuất Chính phủ tăng thuế kịch khung để đảm bảo nguồn thu, vấn đề này cần tổ chức chất vấn để Chính phủ giải trình rõ.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh, hoạt động Quốc hội không theo giờ hành chính, trước bức xúc của nhân dân phải tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn ngay.
“Có thể thấy, nợ công của Việt Nam chúng ta trong nhiều năm vừa qua đã giảm dần. Từ 63,7% cuối năm 2016 xuống còn 57,4% GDP cuối năm ngoái.
Điều này chứng tỏ, ngoài sự chỉ đạo của Chính phủ còn có sự tham gia tích cực của Quốc hội và Đại biểu Quốc hội để góp phần đạt được mục tiêu kinh tế phát triển, ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát, nợ công…
Đó là sự chung sức của cả hệ thống chính trị trong đó có vai trò quan trọng của các Đại biểu Quốc hội”, ông Ngân khẳng định.
Việc chất vấn, giám sát quá trình công tác, thực hiện của các cơ quan nhà nước là nhiệm vụ của Đại biểu Quốc hội và đó cũng là trọng trách lớn được nhân dân, cử tri, đất nước giao phó. Chính vì vậy, nếu có chất vấn cũng chỉ là chia sẻ với nhau những công việc của dân, do dân, vì dân và chịu trách nhiệm trước nhân dân nên không có gì áp lực.
“Tất cả những ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị chính đáng của cử tri, nhân dân phải được sâu sát, lắng nghe, đôn đốc và thực hiện thì lúc đó một người Đại biểu Quốc hội mới hoàn thành được nhiệm vụ của nhân dân tin tưởng gửi gắm cho mình”, Đại biểu Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.