Đại biểu 'truy' bộ trưởng về nợ tiền bảo vệ rừng

Vấn đề nợ tiền bảo vệ rừng không chỉ riêng Bắk Kạn mà diễn ra ở tất cả các cái tỉnh có rừng.

Ngày 6/11, Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Tại phiên chất vấn, ĐB Hồ Thị Kim Ngân (Đoàn Bắk Kạn) cho biết, năm 2021 nhiều địa phương đã thực hiện giao khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng dân cư, hộ gia đình các xã khu vực 2, khu vực 3, trong đó có tỉnh Bắc Kạn. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, việc thanh toán tiền nhân công khoán bảo vệ rừng năm 2021 vẫn chưa được thực hiện với tỉnh Bắk Kạn là trên 28 tỷ đồng. “Đề nghị Bộ trưởng chỉ rõ nguyên nhân của việc chậm chi trả? Đến bao giờ người dân ở địa phương có rừng như tỉnh Bắk Kạn được chi trả tiền khoán chăm sóc, bảo vệ rừng?”-bà Ngân nêu vấn đề.

Về vấn đề trên, ông Hoan nói rằng, về chính sách giao khoán rừng để thực hiện chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên Chính phủ đã ban hành chính sách hỗ trợ khoán rừng, cân đối giữa nhu cầu thực tế với ngân sách. Chúng ta đang áp dụng với định mức từ 300 đến 400 ngàn đồng. Qua nhiều kỳ họp, các địa phương cũng đã phản ánh, mức định mức này còn thấp. Hiện tại thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đang tiến hành sửa đổi Luật Lâm nghiệp, và một Nghị định để nâng mức lên thành từ 400 đến 600 ngàn đồng. Về nhu cầu theo định mức của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn thì phải vào khoảng từ 1,1 đến 1,3 triệu đồng. Tuy nhiên cần phải cân đối từ nguồn lực chung. Bộ cũng chuẩn bị trình Thủ tướng Chính phủ Đề án phát huy giá trị đa dụng về sinh thái rừng, để tạo ra nhiều việc làm, sinh kế dưới tán rừng, chứ không chỉ thuê bảo vệ rừng.

Ngay sau đó ĐB Nguyễn Lâm Thành (Đoàn Thái Nguyên) đã tranh luận. Ông Thành nêu rõ, vấn đề nợ tiền bảo vệ rừng, không chỉ riêng Bắk Kạn nợ mà diễn ra ở tất cả các cái tỉnh có rừng. Công tác bảo vệ rừng của người dân cần được nhanh chóng giải quyết và kể cả việc chuyển nguồn để mà thực hiện nhiệm vụ này.

Theo đó ông Thành đề nghị cần phải xem xét lại công tác bảo vệ rừng. Bởi chúng ta thực hiện Nghị quyết 100 về chương trình 5 triệu hecta rừng thì cái tiền bảo vệ rừng thì được tính và ghi là vốn sự nghiệp và chi thường xuyên hàng năm. Nhưng hiện nay chúng ta lại đưa vào chương trình mục tiêu quốc gia và đưa vào nội dung chương trình dân tộc và trải qua rất nhiều các quy trình, thủ tục. Như vậy là không cần thiết mà lúc đấy thì các địa phương thiếu nguồn để triển khai thực hiện.

“Vấn đề định mức trong rất nhiều các nghị quyết của Đảng đã ghi là phải có chính sách để người dân sống được và bảo vệ rừng được và Kết luận 65 của Bộ Chính trị triển khai Nghị quyết 24 về công tác dân tộc cũng chỉ rõ là phải xây dựng chính sách để đổi mới cái công tác bảo vệ rừng, nâng định mức rừng, giao khoán bảo vệ rừng cho người dân ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, đến hiện nay, việc sửa Nghị định 75 còn rất chậm, dẫn đến câu chuyện nguồn vốn hiện nay cũng không được thống nhất, chỗ thì lấy từ tiền khoán bảo vệ môi trường, phí bảo vệ môi trường, chỗ thì bố trí từ nguồn chương trình mục tiêu quốc gia và một số từ phần hành chính sự nghiệp bên ngoài”- ông Thành nói và cho rằng, cần phải đưa thành một cái nguồn vốn sự nghiệp. Về định mức cũng phải nâng lên, mà trên thực tế hiện nay thì người dân phải qua một công đoạn nữa là khâu thuê lại, khoán lại từ các vườn quốc gia và các khu bảo tồn,tổ chức lâm nghiệp khác. Cho nên nguồn định mức đến trực tiếp người dân còn được rất ít. Vì vậy đề nghị nội dung chính sách này phải được làm rõ.

Nói thêm về vấn đề trên, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, khi xây dựng dự thảo nâng mức khoán bảo vệ rừng, Bộ đã trình Chính phủ mức là 1,1-1,3 triệu đồng căn cứ trên đơn giá định mức. Nhưng nguồn lực lại hạn chế nên con số dừng lại ở sự thống nhất ở các Bộ ngành là từ 400-600 ngàn đồng.

Bộ trưởng Hoan thông tin thêm rằng, Bộ đang chuẩn bị trình Chính phủ việc sửa đổi Nghị định liên quan đến lâm nghiệp, đầu tư trong lĩnh vực lâm nghiệp, trong đó nhấn mạnh vào phát triển dược liệu, du lịch dưới tán rừng, tín chỉ cacbon rừng, chi trả dịch vụ môi trường rừng. Cần có cách tiếp cận tổng hợp, tạo ra nhiều việc làm, sinh kế để bù vào công sức bỏ ra bảo vệ rừng, để công tác bảo vệ rừng được thực hiện toàn diện hơn.

Việt Thắng

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/dai-bieu-truy-bo-truong-ve-no-tien-bao-ve-rung-5743307.html