Đại biểu 'truy' dự án nhà máy xử lý rác thải sau 7 năm vẫn chưa triển khai
Ngày 7/7, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của HĐND TP Hà Nội, vấn đề nhà máy xử lý rác thải chậm được triển khai đã được nhiều đại biểu truy đối với lãnh đạo Sở, ngành và UBND TP Hà Nội.
Dự phiên chất vấn có: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn; Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương; Phó Chủ tịch Thường trực phụ trách điều hành hoạt động UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn.
ĐB Nguyễn Nguyên Quân chất vấn: 2 dự án nhà máy rác thải Châu Can, huyện Phú Xuyên và dự án nhà máy xử lý rác thải Núi Thoong, huyện Chương Mỹ , khu vực phía Nam Thủ đô chậm tiến độ. Sau 7 năm phê duyệt chủ trương đầu tư, 2 dự án này vẫn chưa triển khai được. “Vậy năng lực của chủ đầu tư có thực hiện được không? bao giờ có thể điều chỉnh xong thủ tục nếu chúng ta quyết tâm giao 2 dự án này cho 2 chủ đầu tư?, trong trường hợp nếu nhà đầu tư không có năng lực thì TP có chủ trương gì để đẩy nhanh tiến độ 2 dự án nhà máy rác này”- ông Quân nêu vấn đề.
Trả lời chất vấn, Giám đốc Sở Kế hoạch đầu tư TP Hà Nội Đỗ Anh Tuấn cho biết, đối với nhà máy xử lý rác thải núi Thoong, nguyên nhân chậm triển khai là khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng. Đến nay huyện Chương Mỹ mới hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng.
Theo ông Tuấn, hiện chủ đầu tư đang có văn bản xin điều chỉnh nâng công suất của nhà máy, song đề xuất này chưa phù hợp với quy hoạch chung về quản lý rác thải của Chính phủ. Hiện tại, các Sở, ngành đang kiến nghị UBND TP xem xét điều chỉnh, nếu không phù hợp đề nghị thu hồi dự án.
Liên quan đến nhà máy xử lý rác Châu Can, ông Tuấn cho biết, hiện sở đã có văn bản đôn đốc chủ đầu tư. Sau khi HĐND chất vấn, chủ đầu tư đã có văn bản đề nghị thay đổi chủ trương đầu tư nâng công suất của dự án, tăng vốn, điểu chỉnh tiến độ. Tuy nhiên, hiện dự án chưa tiến hành giải phóng mặt bằng, chưa lựa chọn được công nghệ xử lý, năng lực của chủ đầu tư hạn chế khiến công tác thực hiện dự án gặp nhiều khó khăn.
Trả lời thêm, Giám đốc Sở Xây dựng TP Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết, nhà máy xử lý rác thải Châu Can thì UBND TP giao chủ trương đầu tư cho Công ty Cổ phần Môi trường Thăng Long với công suất 500 tấn với diện tích đất 5ha, dự án được điều chỉnh phê duyệt quy hoạch, với diện tích 20ha, công suất dự kiến 1.000 tấn.
Về quy hoạch và công suất phù hợp với quy định. Tuy nhiên theo ông Phong, trong trường hợp nhà đầu tư không triển khai thực hiện dự án, đề nghị Sở Kế hoạch và đầu tư xem xét thu hồi dự án, lựa chọn nhà đầu tư có đủ năng lực thực hiện dự án này.
Cũng theo ông Phong, ở khu vực Núi Thoong, Công ty Cổ phần Môi trường Xuân Mai đề xuất vượt công suất từ 450 tấn lên 2.000 tấn, Sở Xây dựng đã làm việc Bộ Xây dựng đề nghị xem xét trong trường hợp cần thiết có thể cập nhật quy hoạch theo đề xuất Chủ đầu tư. Tuy nhiên, khu vực này địa chất chưa ổn định, người dân đã phản ánh đề nghị chưa thực hiện dự án nên để điều chỉnh quy hoạch cũng cần xem xét.
Trả lời thêm, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết, đối với dự án nhà máy rác thải Châu Can thì thành phố đã quyết định chủ trương đầu tư và giao Công ty Môi trường đô thị Thăng Long từ năm 2015 và đã xác định ranh giới giải phóng mặt bằng nhưng đơn vị chưa triển khai. Đơn vị này trước đây cũng làm chủ đầu tư nhà máy điện rác Seraphin tại Khu xử lý Chất thải rắn Xuân Sơn, Sơn Tây.
Ông Đông đề nghị Sở Kế hoạch đầu tư xem xét kỹ năng lực của nhà đầu tư này, và thể hiện rõ quan điểm nếu không thực hiện sẽ thu hồi để kêu gọi đầu tư hoặc đầu tư công.
Về nhà máy xử lý rác thải Núi Thoong, ông Đông cho hay thành phố đã giao đất cho chủ đầu tư với diện tích 10ha và được cấp sổ đỏ với quy mô 500 tấn ngày đêm. Để triển khai nhà máy xử lý rác thải phát điện thì công xuất này hơi nhỏ và nhà đầu tư đề xuất nâng quy mô lên 2.000 tấn, thành phố cơ bản thống nhất và giao cho các sở, ngành xem xét đầu tư để nâng công xuất trong đó có thể điều chỉnh quy hoạch.