Dài cổ chờ... 'thiên đường Cổ Cò'

Từng được kỳ vọng sẽ trở thành một khu đô thị đáng sống bậc nhất, nơi an cư lý tưởng cho lượng lớn người dân khu vực Quảng Nam - Đà Nẵng, thế nhưng sau hơn 7 năm triển khai, 'thiên đường Cổ Cò' vẫn chỉ là những công trình dang dở.

Nhiều dự án nhà phố, biệt thự liền kề ven sông Cổ Cò bị bỏ hoang kéo dài.

Nhiều dự án nhà phố, biệt thự liền kề ven sông Cổ Cò bị bỏ hoang kéo dài.

Dự án dở dang, tiện ích thiếu thốn

Năm 2015, khu vực ven sông Cổ Cò (thuộc quy hoạch đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) bắt đầu được giới đầu tư bất động sản chú ý. Cùng lúc này, hàng loạt dự án khu đô thị, khu dân cư mới tại đây được các chủ đầu tư rục rịch triển khai.

Để dễ huy động vốn, các dự án lần lượt được đổi tên thành các tên thương mại như Sakura Central Park, Sea View, Home Land Paradise, One World Regency, River View, Coco Riverside, GAIA City…, đồng thời được các đơn vị môi giới tô vẽ với một hình ảnh rực rỡ “là những khu đô thị đẳng cấp, có đầy đủ tiện ích 5 sao, hạ tầng kết nối đồng bộ, thừa hưởng không khí trong lành từ dòng sông Cổ Cò, sở hữu công viên cây xanh rộng lớn, vườn hoa anh đào rực rỡ, là thiên đường đáng sống cho mọi cư dân…”.

Trong khi trên thực tế, khu vực quy hoạch dự án vẫn chỉ là những khu đất sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, các ao hồ, đầm phá chưa được san lấp, chưa được giải phóng mặt bằng.

Với những thông tin quảng bá đầy hấp dẫn, nhiều khách hàng, nhà đầu tư từ khắp nơi trên cả nước đã đặt mua sản phẩm tại các dự án này thông qua các hợp đồng đặt cọc giữ chỗ, góp vốn ngay khi dự án còn chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý. Tất cả tạo nên cơn sốt đất chưa từng có diễn ra tại khu vực ven sông Cổ Cò trong giai đoạn 2015-2019.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2020, thời điểm dịch bệnh Covid-19 xuất hiện, thị trường bất động sản rơi vào giai đoạn thoái trào, tới nay, nơi đây chưa thể trở thành “thiên đường” như kỳ vọng khi các dự án vẫn trong tình trạng dang dở, chưa hình thành các khu dân cư.

Tại khu vực dự án Khu đô thị 7B mở rộng - nơi từng được quảng bá là khu đô thị hướng đến một không gian sống xanh khác biệt, hiện là 1 trong 3 dự án do Công ty Bách Đạt An làm chủ đầu tư và Công ty Hoàng Nhất Nam là đơn vị môi giới đang vướng vào tranh chấp hợp đồng và đòi sổ đỏ với hơn 1.000 khách hàng. Tại dự án này, chủ đầu tư vẫn đang quây tôn để che đi hiện trạng dang dở bên trong.

Nằm gần khu 7B mở rộng, dự án Khu đô thị số 6 (còn có tên gọi khác là Home Land Paradise Village) của Công ty Dana Home Land cũng còn nhiều hạng mục chưa hoàn thiện. Một số căn nhà phố và biệt thự liền kề đã được xây xong phần thô nhưng không có người về ở hay kinh doanh.

Nằm sát dãy nhà phố, biệt thự liền kề của Khu đô thị số 6, dãy biệt thự của khu Bồng Lai cũng trong tình trạng tương tự khi bị bỏ hoang suốt nhiều năm qua, kể cả những căn đã được xây dựng hoàn thiện và có chủ.

Có dự án đã hoàn thiện hạ tầng nhưng rất ít người đến ở do tiện ích đi kèm thiếu thốn.

Có dự án đã hoàn thiện hạ tầng nhưng rất ít người đến ở do tiện ích đi kèm thiếu thốn.

Một dự án khác bên sông Cổ Cò là Khu đô thị Hera Complex, cũng là một trong những dự án do Công ty Bách Đạt An làm chủ đầu tư có liên quan đến vụ kiện tranh chấp hợp đồng hợp tác với Công ty Hoàng Nhất Nam.

Tại đây, hiện trạng dự án vẫn là bãi đất trống, chưa được chủ đầu tư thi công hạ tầng, cho dù Tòa án Nhân dân TP. Đà Nẵng đã ra phán quyết yêu cầu công ty Bách Đạt An phải thực hiện nghĩa vụ này từ 5 năm trước.

Chờ khơi thông sông Cổ Cò

Ngoài những cái tên kể trên, nhiều dự án khác nằm ven sông Cổ Cò đã được hoàn thiện hạ tầng như Khu đô thị 7B, Sentosa Riverside, Green City, Sea View, One World Regency, New Green Village Hoi An…, hoặc mới hoàn thiện một phần hạ tầng theo quy hoạch như Khu đô thị Mỹ Gia, Indochina Riverside Complex… cũng có rất ít cư dân đến sinh sống. Tại đây, nhiều ngôi nhà xây khang trang nhưng vẫn “cửa đóng, then cài”, không có người ở.

Theo một số chuyên gia, nguyên nhân khiến các dự án nơi đây vắng bóng người một phần do hạ tầng chưa hoàn thiện, thiếu thốn các tiện ích đi kèm (điện, nước sinh hoạt, hệ thống xử lý nước thải, trường học, chợ…), phần khác do một bộ phận không nhỏ người mua nhằm mục đích đầu tư, chứ không phải để ở.

Anh Hoàng P - một cư dân tại dự án Sea View, thuộc khu vực ven bờ sông Cổ Cò (phường Điện Dương) cho hay, gia đình anh đã xây nhà để ở từ nhiều năm trước, nhưng đến nay vẫn chưa được nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

“Dự án này đã được chính quyền ra sổ đỏ cho từng lô, nhưng chủ đầu tư vẫn giữ lại chưa giao cho các hộ dân. Ai muốn lấy sổ thì phải đóng thêm tiền vào”, cư dân này cho hay.

Ông Võ Trọng Phụng, Giám đốc Công ty TNHH Bold Land (quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng) cho biết, trong thời kỳ cao điểm của thị trường vào giữa năm 2019, khi dự án nạo vét sông Cổ Cò được 2 địa phương Đà Nẵng và Quảng Nam công bố thực hiện, giá đất tại các dự án ven sông Cổ Cò tăng lên đến 31-40 triệu đồng/m2, trong khi 2 năm trước chỉ là 5-7 triệu đồng/m2.

Sau năm 2019, cùng với tình trạng ảm đạm của thị trường, giá đất khu vực này cũng giảm nhanh, hiện giao dịch quanh mức 21-22 triệu đồng/m2.

“Giá đất ven sông Cổ Cò đã đi ngang trong khoảng 1 năm qua, hiện bắt đầu có giao dịch trở lại nhưng không nhiều, người mua chủ yếu chọn các khu vực đã hoàn thiện hạ tầng và có sổ đỏ để mua làm nhà”, ông Phụng thông tin.

 Dự án nạo vét sông Cổ Cò đang vướng giải phóng mặt bằng.

Dự án nạo vét sông Cổ Cò đang vướng giải phóng mặt bằng.

Để bất động sản ven sông Cổ Cò sôi động trở lại, theo ông Phụng, trước tiên việc khơi thông sông Cổ Cò phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện, tiếp đó là các dự án cần phải hoàn thiện cơ sở hạ tầng theo quy hoạch, cũng như giải quyết dứt điểm các vấn đề về pháp lý đang gặp phải, có như vậy mới tạo ra luồng sinh khí mới cho khu vực này.

Được biết, tỉnh Quảng Nam đang triển khai 2 dự án nhằm khơi thông sông Cổ Cò, đó là dự án nạo vét, thoát lũ khẩn cấp và chống xâm nhập mặn sông Cổ Cò (đoạn TP. Hội An) với tổng mức đầu tư 850 tỷ đồng và dự án thành phần HA/W3 nạo vét sông Cổ Cò được phê duyệt năm 2020 với tổng mức đầu tư 380 tỷ đồng. Hiện nay, tiến độ thực hiện 2 dự án chưa được đảm bảo do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng.

Tại cuộc họp bàn về việc nạo vét, khơi thông sông Cổ Cò mới đây, lãnh đạo Tỉnh ủy Quảng Nam đã yêu cầu các sở, ban, ngành địa phương và các đơn vị liên quan tập trung trọng điểm, kiên trì tháo gỡ các khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, trước mắt phải hoàn thành nạo vét đoạn km0 - km14 trước Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ tới và cố gắng trong đầu nhiệm kỳ 2026-2030 hoàn thành toàn tuyến…

Ngọc Tân

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/dai-co-cho-thien-duong-co-co-post351808.html