Đại cử tri đoàn bỏ phiếu cho ông Biden, nước Mỹ 'nín thở' chờ nước cờ tiếp theo từ Tổng thống Trump?
Trang AP đăng tải, nhiều tuần qua, các thể chế dân chủ nước Mỹ phải chịu áp lực nặng nề do đương kim Tổng thống Donald Trump từ chối chấp nhận thua trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng 2020.
Hôm thứ Hai (14/12), Đại cử tri đoàn đã hoàn thành phần việc của mình và chính thức công nhận ứng viên Đảng Dân chủ Joe Biden sẽ trở thành Tổng thống tiếp theo của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ bất chấp những nỗ lực thay đổi kết quả từ ông Trump.
"Ngọn lửa dân chủ đã được thắp sáng tại đất nước này từ rất lâu trước đây. Chúng ta biết rằng không điều gì, kể cả một đại dịch hay sự lạm dụng quyền lực có thể dập tắt ngọn lửa đó", ông Biden tuyên bố ngay sau khi các đại cử tri của 50 bang bỏ phiếu đại diện cho nguyện vọng của người dân Mỹ.
Các lá phiếu của Đại cử tri đoàn là động thái xác nhận quan trọng nhất cho chiến thắng của ông Biden cũng như sự toàn vẹn của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sau một loạt cáo buộc gian lận từ phía ông Trump và các đồng minh. Tuy nhiên, một số sử gia và chuyên gia dân chủ e ngại, những sóng gió vừa qua đã hé lộ tình trạng dễ bị tổn thương của các thể chế dân chủ vốn được lập ra để bảo vệ nguyện vọng của cử tri Hoa Kỳ.
"Rõ ràng về mặt ngắn hạn có sự nhẹ nhõm nhưng tôi rất lo lắng cho tương lai của những thể chế này nếu phải tiếp tục hứng chịu áp lực", giáo sư sử học và chính sách công tại Đại học Harvard là Alex Keyssar nói. "Chúng ta đang chứng kiến thái độ sẵn sàng không tuân thủ các quy định cần thiết để giữ cho các thể chế được vận hành tốt".
Cũng trong ngày 14/12, ông Trump và các đồng minh bày tỏ quyết tâm sẽ tiếp tục công kích cuộc bầu cử - thậm chí cho tới khi ông Biden chính thức tuyên thệ vào ngày 20/1 sắp tới. Họ đưa ra các tín hiệu sẵn sàng thách thức cử tri đoàn và có thể ngăn cản Quốc hội thông qua kết quả bỏ phiếu vào ngày 6/1.
Bất kỳ nỗ lực nào không công nhận chiến thắng của ông Biden đều được cho là sẽ dẫn tới sự phá hủy chưa từng có trong tiền lệ đối với hệ thống bầu cử nước Mỹ. Tuy nhiên, nhiều thành viên Cộng hòa lại đang nghiêng về phía Tổng thống Trump, như 126 hạ nghị sỹ ủng hộ lời kêu gọi Tòa án Tối cao đảo ngược kết quả có lợi cho ông Biden tại bốn bang chiến địa.
Mặc dù vậy, hôm thứ Hai, có những dấu hiệu cho thấy một số nghị sỹ Cộng hòa đã sẵn sàng chấp nhận ứng viên Dân chủ trúng cử Tổng thống, bao gồm cả Thượng nghị sỹ Nam Carolina Lindsey Graham – một đồng minh thân cận của ông Trump.
Tuy nhiên, theo giáo sư sử học Edward Watts của Đại học California San Diego, điều đó vẫn chưa đủ. Ông đánh giá, Tổng thống Trump đã tạo ra một tiền đề để các nhà lãnh đạo tương lai sẵn sàng thách thức kết quả bầu cử ngay cả khi không có đủ chứng cứ cho các cáo buộc của mình.
Các chiến thuật của ông Trump "chắc chắn sẽ được người khác thử lại; khi họ làm vậy, các nỗ lực sẽ trở nên hiệu quả hơn, mạnh mẽ hơn và chúng ta phải chuẩn bị cho điều đó", ông Watts nói.
Trước đây, hệ thống bầu cử dân chủ Mỹ cũng từng phải trải qua những thời khắc căng thẳng. Năm 1876, khi sự chia rẽ từ giai đoạn Nội chiến còn chưa chấm dứt, cả hai Đảng Dân chủ và Cộng hòa đều tuyên bố giành thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống được coi là gây tranh cãi nhất trong lịch sử nước Mỹ. Một ủy ban quốc hội đã quyết định kết quả có lợi cho ứng viên Rutherford B. Hayes sau khi những người ủng hộ ông chấp nhận các giao kèo không rõ ràng để chấm dứt thời kỳ tái thiết và đổi lấy sự ủng hộ cho vị tổng thống Hoa Kỳ thứ 19.
Gần đây hơn, cuộc bầu cử năm 2000 giữa ứng viên Cộng hòa George W. Bush và đối thủ Dân chủ Al Gore cũng chậm trễ đưa ra kết quả cuối cùng sau những tranh cãi tại bang Florida. Sau khi Tòa án Tối cao phán quyết ông Bush giành thắng lợi, ông Gore đã nhanh chóng chấp nhận thua cuộc đồng thời phát đi lời kêu gọi đất nước đoàn kết.
Không có gì đảm bảo ông Trump sẽ làm theo ông Gore; thậm chí người ta còn không biết liệu ông có tham dự buổi lễ nhậm chức của tân Tổng thống hay không. Trong lúc này, ông Trump và đội ngũ của mình đã không ít lần đề cập tới việc ngay lập tức phát động chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2024.
Theo cựu nhân viên Bộ Ngoại giao Mỹ dưới thời Barack Obama và hiện đang làm việc cho Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie - Steven Feldstein, quy mô áp lực mà các thể chế Hoa Kỳ phải đối mặt trong thời gian tới sẽ phụ thuộc vào những gì sẽ xảy ra sau khi ông Biden tuyên thệ.
"Câu hỏi là, tình huống hiện tại sẽ chấm dứt khi ông Trump rời bỏ chức vụ hoặc đây chính là sự khởi đầu cho một nền tảng quyền lực mới được xây dựng và sử dụng trong tương lai nhằm phá hủy bản chất của nền dân chủ", ông Feldstein cảnh báo.