Dai dẳng nỗi đau tai nạn giao thông (Bài 1)
Tai nạn giao thông (TNGT) là điều không ai mong muốn, song vẫn đang hiện hữu từng ngày, cướp đi sinh mạng của nhiều người; đẩy nhiều gia đình vào cảnh chia ly với những đau thương, mất mát khôn nguôi. TNGT không chỉ để lại nỗi ám ảnh, bi kịch cho gia đình các nạn nhân mà còn là gánh nặng cho xã hội.
Bài 1: Nỗi đau không gọi thành tên
Chỉ cần một chút chủ quan, lơ là hoặc bộc phát nhất thời, sử dụng chất kích thích (rượu, bia, ma túy) khi điều khiển phương tiện giao thông… đã có thể gây TNGT cho mình và người khác.
* Xảy ra trong tích tắc, nỗi đau gánh cả đời
Sáng 15-11, chúng tôi đến Khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cũng là lúc bệnh nhân T.T.T.T. (49 tuổi, ngụ P.Phước Tân, TP.Biên Hòa) vừa được chuyển lên từ Khoa Hồi sức hậu phẫu.
Bà T.T. nhập viện cấp cứu ngày 10-11-2023 trong tình trạng nguy kịch sau cú va chạm với xe container tại khu vực ngã tư Vũng Tàu
(TP.Biên Hòa) với đa chấn thương nặng như: vỡ sọ não, chảy máu màng não, chảy máu tâm não, gãy đa cung sườn trái, gãy 3 tầng chân trái, vỡ ổ cối trái (tổn thương vùng xương chậu và đầu chỏm xương đùi), gãy xương đòn, chấn thương mắt trái, tràn khí dưới da… Hiện bà T.T. vẫn đang hôn mê, thở nội khí quản và đang được theo dõi chặt chẽ. Theo bác sĩ điều trị nhận định, nếu bà T.T. may mắn qua khỏi cơn nguy kịch thì hệ lụy cũng rất nặng nề.
Bà Trương Ánh Hoa, người quen của bà T.T. (đang chăm sóc bà T.T. tại bệnh viện) cho biết, hoàn cảnh của bà T.T. rất ngặt nghèo. Chồng bà bị tai biến mới qua đời. Một mình bà nấu xôi rồi đạp xe đi bán rong để nuôi 2 con ăn học, nhưng không may bị TNGT.
“Dù viện phí phía người gây tai nạn chi trả nhưng cuộc sống và con cái của cô ấy sẽ như thế nào nếu sau khi cô ấy xuất viện về nhà trong tình trạng thương tật nặng nề hoặc không qua khỏi” - bà Hoa nói trong nước mắt.
Tương tự, anh N.T.H. (44 tuổi, ngụ P.Bửu Long, TP.Biên Hòa) cũng đang trong trạng trái hôn mê với nhiều tổn thương vùng đầu như: chấn thương sọ não, giập não, máu tụ dưới màng cứng, vỡ hộp sọ phải nuôi cấy và ghép sọ… Là công nhân làm gốm ở tỉnh Bình Dương, chiều
10-11, sau một chầu nhậu với bạn bè, khi đang trên đường về nhà, anh không làm chủ được tay lái, tự đâm xe vào một công trình xây dựng bên đường. Điều đáng nói, khi té, đầu anh H. đập mạnh xuống đống đá xanh cỡ lớn nên bị chấn thương sọ não rất nặng. Theo bệnh án, nồng độ cồn trong máu của bệnh nhân H. lúc nhập viện cao gấp 5 lần mức độ cho phép.
Trưa 15-11, khi chúng tôi đến Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất cũng là lúc người nhà đưa anh V.T.Đ. (23 tuổi, ngụ xã Hố Nai 3, H.Trảng Bom) đến tái khám. Anh V.T.Đ. vừa tốt nghiệp Trường đại học Kinh tế TP.HCM và được nhận vào làm việc cho một công ty nước ngoài ở Khu công nghiệp Sông Mây (H.Trảng Bom). Từ một thanh niên hăm hở bước vào con đường lập thân, lập nghiệp, chỉ sau một bữa nhậu với bạn bè trở về nhà, anh Đ. bị TNGT và trở thành người tàn phế khi mất đi đôi chân, phải gác lại mọi ước mơ, hoài bão.
Mẹ của anh Đ. cho biết, gần 1 năm nay, từ ngày bị TNGT, con trai của bà luôn ở trong tình trạng u uất. Hồi mới ở bệnh viện về, thấy đôi chân không còn, con trai bà đã mấy lần uống thuốc, cắt cổ tay tự tử nhưng được người nhà phát hiện cứu sống. Nhiều khi ức chế quá, con trai bà còn tự đấm vào đầu, vào ngực hối hận vì đã uống rượu để rồi đánh đổi tương lai bằng quãng đời còn lại trên chiếc xe lăn…
BS BÙI THANH TUẤN, Phó trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai khuyến cáo người dân khi ra đường nên tuân thủ pháp luật về giao thông. Nếu đã uống rượu bia thì không nên lái xe để bảo vệ chính mình và người khác. Khi đã sử dụng rượu bia nhưng vẫn điều khiển phương tiện giao thông rất dễ gây TNGT. Chưa kể tác hại của rượu bia đối với sức khỏe là rất lớn.
* Căng thẳng cấp cứu nạn nhân TNGT
Theo lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai và Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, rất nhiều ca cấp cứu tại Khoa Cấp cứu của 2 bệnh viện này là do TNGT, nhất là vào các dịp cuối tuần, ngày lễ, Tết.
Khoa cấp cứu được xem là khoa “đầu sóng ngọn gió” khi là nơi đầu tiên tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu, đa phần là những ca bệnh nặng. Do đó, không khí và nhịp độ làm việc ở đây luôn khẩn trương và “căng như dây đàn”. Thế nhưng, áp lực công việc của đội ngũ nhân viên y tế ở đây càng gia tăng khi phải cấp cứu những bệnh nhân bị TNGT có nồng độ cồn.
BS Bùi Thanh Tuấn, Phó trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho biết, so với trước đây, số ca bị TNGT nhập viện cấp cứu có giảm, nhưng không nhiều. Hiện mỗi ngày khoa tiếp nhận trung bình từ 10-20 ca, có khi tới 30 ca liên quan đến TNGT và chủ yếu rơi vào buổi chiều tối những ngày cuối tuần, nghỉ lễ.
Về chuyên môn, BS Bùi Thanh Tuấn cho biết, công tác cấp cứu những ca bị TNGT đã vất vả, nhưng còn vất vả hơn với những ca TNGT say rượu bia, bởi rất khó chẩn đoán chính xác các thương tổn ngay từ đầu, dễ bị “nhiễu” chẩn đoán. Chẳng hạn, khi nạn nhân TNGT có sử dụng rượu bia nhập viện trong trạng thái bất tỉnh, nhân viên y tế khó có thể phân biệt được họ bị ngất do rượu bia hay bởi một chấn thương nào đó ở não. Nếu có chấn thương mà không phát hiện kịp thời (vì nạn nhân không đủ tỉnh táo để cung cấp thông tin hay cho biết về tình trạng thương tích của cơ thể) bác sĩ có thể bỏ sót.
Cũng theo BS Bùi Thanh Tuấn, khó khăn trong chẩn đoán ngay từ đầu kéo theo tình trạng “nhiễu” kết quả khi làm các xét nghiệm, chiếu chụp cận lâm sàng... gây ảnh hưởng đến điều trị. Ví dụ như lượng cồn trong máu cao sẽ làm cộng hưởng hoặc có sự tương tác với thuốc, làm giảm tác dụng của thuốc hoặc tăng độc tính của thuốc, dẫn đến không đáp ứng điều trị. Ngoài ra, những ca TNGT do say rượu bia thường là đa chấn thương, chấn thương sọ não, chấn thương ngực, bụng và tổn thương các chi… nên trong trường hợp phải phẫu thuật, lượng cồn còn lại trong máu cao sẽ gây rối loạn đông máu, ảnh hưởng đến việc cầm máu; đặc biệt những ca chấn thương sọ não phải phẫu thuật thì gây mê khó hơn, tổn thương sau mổ cũng cao hơn so với những ca không có sử dụng rượu bia.
Không chỉ khó khăn trong chẩn đoán và điều trị, với những ca TNGT có liên quan đến rượu bia thì việc giao tiếp khó khăn hơn rất nhiều. Bởi những ca bị TNGT thường xảy ra bất ngờ, khiến bản thân nạn nhân và cả người nhà đều hốt hoảng, lo lắng, dẫn đến không ít người cáu gắt, mắng chửi, thậm chí gây sức ép cũng như tấn công, uy hiếp sự an toàn của nhân viên y tế. Việc đó không chỉ làm chậm quá trình cấp cứu, gây mất thời gian vàng để cứu chữa cho bệnh nhân mà còn khiến nhân viên y tế dễ sai sót trong quá trình cấp cứu…