Dai dẳng tranh chấp chủ đầu tư và cư dân chung cư

Việc tranh chấp giữa cư dân và chủ đầu tư liên quan đến phí bảo trì, diện tích chung riêng, phí dịch vụ… đã xảy ra ở nhiều chung cư và chưa được giải quyết triệt để. Một trong những nguyên nhân gây ra những sự việc như vậy được cho là do chưa thành lập được Ban quản trị tòa nhà.

Như vậy có thể thấy, sự cần thiết của Ban quản trị trong việc là cầu nối giữa cư dân và chủ đầu tư, để giúp hai bên có tiếng nói đồng thuận, không phát sinh những mâu thuẫn không đáng có, ảnh hưởng đến đời sống cư dân và uy tín của chủ đầu tư.

Vụ việc mâu thuẫn giữa cư dân chung cư Artemis quận Thanh Xuân với chủ đầu tư đã khiến dư luận quan tâm. Về phía cư dân, những bức xúc chủ yếu xoay quanh việc phản đối tăng giá trông giữ xe tại hầm, yêu cầu minh bạch về phí dịch vụ và muốn thành lập Ban quản trị tòa nhà. Còn về phía chủ đầu tư, cũng có lí lẽ của riêng mình khi đưa ra những giải trình cụ thể. Đơn cử như về giá dịch vụ trông giữ xe tại hầm, chủ đầu tư đã cung cấp những thông tin liên quan đến việc đã nâng cấp và trang bị hầm để xe thông minh. Theo đó, từ ngày 1/11/2023 – tức là từ lúc tăng giá vé trông giữ xe – hầm để xe tại tòa nhà này đã đi vào vận hành với công nghệ mới, nhận diện bằng face ID và camera quét biển số, đảm bảo an ninh an toàn hơn. Ngoài ra, những chỉ dẫn về chỗ đỗ xe cũng được tự động hóa bằng hệ thống bảng điện tử.

Được biết sau nhiều lần đối thoại dưới sự chủ trì của chính quyền địa phương, hai bên đã đi đến thống nhất và thỏa thuận trước mắt là sẽ cố gắng thành lập Ban quản trị tòa nhà trong tháng 12 này.

Điều đáng nói, vấn đề xảy ra mâu thuẫn, xung đột giữa cư dân và chủ đầu tư không phải là mới mẻ. Trước đó, tháng 5/2021 cư dân chung cư 6th Element tại quận Tây Hồ đã lên tiếng phản đối mức phí dịch vụ mà chủ đầu tư đưa ra. Theo đó, cư dân tại đây cho rằng chủ đầu tư đã không minh bạch về mức thu phí quản lý, vận hành cũng như giá dịch vụ trông giữ xe. Theo một con số thống kê, trung bình có khoảng 10% số chung cư là xảy ra tranh chấp, khiếu kiện. Những vấn đề phát sinh thường liên quan đến phí bảo trì, diện tích chung riêng, phí dịch vụ...

Và tất cả những vụ việc này kéo dài là bởi giữa chủ đầu tư và cư dân không tìm được tiếng nói chung. Tuy nhiên, mới đây Luật Nhà ở sửa đổi đã được thông qua và sắp tới sẽ có hiệu lực. Với những nội dung mới, Luật Nhà ở sửa đổi đã khắc phục được một số vấn đề bất cập còn tồn tại trong việc quản lý, vận hành và sử dụng chung cư – là những nguyên nhân cơ bản gây nên những tranh chấp, khiếu kiện.

Đặc biệt, liên quan đến phí bảo trì, điều 152, 153 và 154 của Luật này quy định chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở có trách nhiệm lập tài khoản riêng để quản lý kinh phí bảo trì và không được sử dụng kinh phí bảo trì vào bất kỳ mục đích nào khác khi chưa bàn giao kinh phí bảo trì cho Ban quản trị nhà chung cư. Ngoài ra, trường hợp chủ đầu tư không bàn giao kinh phí bảo trì thì Ban quản trị có văn bản đề nghị UBND cấp huyện nơi có nhà chung cư yêu cầu chủ đầu tư bàn giao kinh phí bảo trì. Như vậy, những xung đột sẽ có thể được giải quyết khi Luật mới chính thức có hiệu lực và những tình trạng tương tự sẽ hạn chế xảy ra trong tương lai. Khi mọi thứ đã được luật hóa rõ ràng, minh bạch, thì cư dân và chủ đầu tư sẽ tìm được tiếng nói chung.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/dai-dang-tranh-chap-chu-dau-tu-va-cu-dan-chung-cu-206507.htm