Đại danh lại lừng danh

Cả về biểu hiện ra bên ngoài lẫn trong thực chất thì những gì vừa diễn ra ở Thái Lan đều có ý nghĩa lịch sử.

Với Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra, bà đã trở thành nữ Thủ tướng thứ hai của Thái Lan và lại còn là Thủ tướng trẻ tuổi nhất trong lịch sử (mới 37 tuổi). Sau khi Thủ tướng Srettha Thavisin bị Tòa án Tối cao truất quyền, Quốc hội Thái Lan đã nhanh chóng bầu bà Paetongtarn Shinawatra với đa số phiếu áp đảo làm Thủ tướng mới và sự bầu chọn này cũng đã được Vua Thái Lan nhanh chóng phê chuẩn. Bà Paetongtarn Shinawatra thuộc đảng Vì nước Thái (Pheu Thai) như ông Thavisin và bây giờ kế nhiệm ông Thavisin đứng đầu Chính phủ liên minh nhiều đảng do ông Thavisin đã thành lập cách đây hơn một năm.

Thực chất, việc bà Paetongtarn Shinawatra trở thành tân Thủ tướng của Thái Lan đánh dấu trở lại cầm quyền của dòng tộc Shinawatra ở đất nước này. Bà Thủ tướng mới là con gái của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra và cháu gái của cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra. Bà Yingluck Shinawatra là em gái của ông Thaksin Shinawatra. Khi còn đang cầm quyền, ông Thaksin bị giới quân đội tiến hành đảo chính lật đổ còn bà Yingluck bị Tòa án Tối cao phế truất. Bà Paetongtarn Shinawatra bây giờ lên cầm quyền giúp cho danh tiếng của dòng tộc Shinawatra lại trở nên lẫy lừng ở Thái Lan.

Bà Paetongtarn Shinawatra cầm quyền ở Thái Lan trong bối cảnh tình hình nhiều rủi ro, thách thức hơn hẳn hai thời kỳ mà người bố và người cô ruột của bà làm Thủ tướng. Kết cục chính trị của người cha và người cô ruột cũng như của người tiền nhiệm đều phủ bóng, ám ảnh hoạt động chính trị của người phụ nữ sinh năm 1986 cho đến nay chưa từng đảm trách bất cứ chức vụ quyền lực nhà nước nào và cũng chỉ mới tham gia chính trường được có vài năm. Tất cả buộc Thủ tướng mới của Thái Lan phải rất thận trọng trong cầm quyền.

Những phát ngôn đầu tiên của bà Paetongtarn Shinawatra sau khi nhậm chức cho thấy, Thủ tướng mới của Thái Lan ý thức được rất rõ về thách thức, rủi ro trên. Ngày trước, giới tinh hoa thượng lưu trung thành với hoàng gia ở Thái Lan và đảng Pheu Thái có thỏa thuận ngầm bất thành văn với nhau là ông Thaksin Shinawatra chấp nhận hồi hương từ nơi lưu vong về quy án ở Thái Lan thì sẽ để cho ông Thavisin - đồng minh của ông Thaksin, trở thành Thủ tướng. Ông Thavisin bị Tòa án Tối cao Thái Lan truất quyền với lý do người này vi phạm quy chuẩn về đạo đức và luân lý trong một quyết định nhân sự cụ thể chứ không phải vì quan điểm, đường lối cầm quyền của Chính phủ liên hiệp. Người của dòng tộc Shinawatra trở lại cầm quyền đồng nghĩa với việc thỏa thuận ngầm trên bị rạn vỡ và bà Thủ tướng mới sẽ bị phe kia làm khó, thậm chí còn cả chống đối. Vì thế, bà Paetongtarn Shinawatra rất nhanh chóng khẳng định, Chính phủ thay Thủ tướng nhưng không hoặc chưa thay đổi quan điểm chính sách của Chính phủ do Thủ tướng cũ thực thi trong thời gian hơn một năm qua, gồm: Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiên định tiến hành những cuộc cải cách cần thiết, cải thiện chăm sóc y tế và chữa bệnh, mạnh tay với nạn buôn bán ma túy, thúc đẩy công nhận tính đa dạng của giới tính, tìm cách mới để thực hiện cam kết trọng tâm của đảng Pheu Thái là chuyển 15 tỷ USD vào túi người dân thông qua chính sách ví điện tử...

Ở phía sau đấy là mục tiêu không tạo cớ và dịp để cho giới quân sự và tòa án lại ra tay, ngăn chặn đà sa sút mức độ tín nhiệm của cử tri đối với đảng Pheu Thái. Đồng thời, củng cố, gia tăng thế và lực trong cuộc ganh đua quyền lực cũng như ảnh hưởng đối nội với phe tinh hoa thượng lưu trung thành với hoàng gia và đảng Tiến lên đã bị Tòa án Hiến pháp Thái Lan ra lệnh giải thể, vừa đổi tên thành đảng Nhân dân.

Cho nên, việc Thủ tướng mới của Thái Lan giữ được vị trí trong thời gian tới được kỳ vọng không chỉ mang lại sự ổn định cho chính trường Thái Lan mà còn củng cố được danh tiếng lẫy lừng của nhà Shinawatra.

Đại sứ Trần Đức Mậu

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/dai-danh-lai-lung-danh-675278.html