Đại dịch Covid-19 - cơ hội để kinh tế thế giới thay đổi
Khi Covid-19 bắt đầu lây lan trên toàn thế giới kể từ đầu năm 2020, cũng là lúc cuộc khủng hoảng về sức khỏe kéo theo cuộc khủng hoảng về kinh tế và tài chính. Trong đó, nền kinh tế lớn nhất thế giới bị bóp nghẹt khi các doanh nghiệp tranh giành tiền mặt, bán phá giá kể cả những tài sản an toàn thông thường.
Trong khi các công ty và nhà đầu tư toàn cầu lao vào tranh giành đồng USD thì thị trường dầu mỏ chạm đáy khi cầu thế giới sụt giảm. Vào tháng Tư năm ngoái, giá trị hợp đồng tương lai của dầu thô WTI đã xuống mức âm, mức giá không tưởng - 37 USD/thùng.
"Chiếc phao" kích thích tài khóa
Khi các quốc gia ban hành lệnh đóng cửa (cách ly xã hội), họ đã phải trải qua cuộc khủng hoảng sâu nhất trong lịch sử gần đây. Cơn hoảng loạn về tài chính đã được ngăn chặn và các ngân hàng đã phải nỗ lực để đứng vững nhờ vào các quy định được đưa ra sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Các biện pháp kích thích tài khóa khổng lồ, bảo lãnh tín dụng của chính phủ và động thái của ngân hàng trung ương đã giúp ngăn chặn tổn thất ngay từ đầu. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tham gia vào thị trường Kho bạc và Trái phiếu doanh nghiệp. Điều này cho thấy tầm quan trọng ngày càng tăng của thị trường vốn như một nguồn tín dụng. Các gói kích thích đã giúp vực dậy tinh thần ở Phố Wall, ngay cả khi Phố Chính bị ảnh hưởng, hồi tháng Tám và một lần nữa vào khoảng cuối năm. Chỉ số thị trường chứng khoán S&P 500 đã đạt mức cao kỷ lục.
Các nhà đầu tư bán lẻ đã tập trung vào các công ty trong lĩnh vực công nghệ và chăm sóc sức khỏe, bởi hai lĩnh vực này đã hoạt động tốt qua đại dịch. Và, khi tin tức về loại vaccine hiệu quả được đưa ra vào đầu tháng Mười Một, các thị trường mới nổi khác cũng bắt đầu khởi sắc.
Nền kinh tế thế giới đã hồi phục không đồng đều. Trong số các nền kinh tế hàng đầu, chỉ có Trung Quốc tăng trưởng vào năm 2020. Còn tại nền kinh tế lớn nhất thế giới, nhờ vào các biện pháp kích thích hào phóng và thị trường lao động linh hoạt, Mỹ đã vượt qua các dự báo kinh tế, dường như tránh được vết xe đổ trong các cuộc suy thoái trước đây. Trong khi đó, nhiều quốc gia mới nổi có ít dư địa tài chính hơn để đưa ra các khoản chi lớn và do đó những thiệt hại về kinh tế có thể bị kéo dài và dai dẳng hơn.
Tin xấu và tin tốt
Dù ở đâu thì đại dịch Covid-19 cũng sẽ định hình triển vọng kinh tế trong nhiều năm tới. Chính phủ nhiều nước hiện không chỉ phải đối mặt với các cảnh báo, mà còn là một gánh nặng nợ công khổng lồ. Tỷ lệ lạm phát tiếp tục giảm xuống như đã diễn ra trong thập kỷ qua, nhưng một số nhà kinh tế học bắt đầu lo ngại rằng các gói kích thích và xu hướng nhân khẩu học có thể thúc đẩy tăng tỷ lệ lạm phát trở lại nhanh chóng. Bên cạnh đó, các công ty “xác sống” có thể ám ảnh nền kinh tế.
Tuy nhiên, đại dịch không chỉ hoàn toàn mang lại tin xấu cho nền kinh tế, các doanh nghiệp áp dụng công nghệ và quy trình mới đã có thể tăng năng suất và thúc đẩy triển vọng tăng trưởng dài hạn.
Trong lĩnh vực tài chính, Covid-19 đã giúp tăng tốc độ số hóa, chuyển các hoạt động thanh toán và ngân hàng từ thực tế sang nền tảng số. Sức ảnh hưởng tài chính ngày càng tăng lên trong kỷ nguyên số có thể thúc đẩy quá trình chuyển đổi. Việc gia tăng thị phần của công nghệ tài chính đã được cân nhắc nhiều hơn.
Trong đó, việc niêm yết của Ant Group được coi là đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng lớn nhất thế giới, trước khi bị cơ quan quản lý của Trung Quốc dừng lại vào phút cuối. Nhiều ngân hàng trung ương đã bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc về việc tung ra các loại tiền kỹ thuật số của riêng họ và một cuộc thử nghiệm đã được bắt đầu ở Trung Quốc.
Việc mở cửa hơn nữa hệ thống tài chính của Trung Quốc đã thu hút sự chú ý của các công ty ở phố Wall, báo hiệu ý định bắt kịp Mỹ của Trung Quốc và có lẽ theo thời gian thách thức sự thống trị của đồng USD.
Vào tháng Mười một vừa qua, Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden đã chọn Janet Yellen, cựu lãnh đạo Fed làm Bộ trưởng Tài chính của chính phủ mới. Bên cạnh việc phải đối mặt với sự trỗi dậy của Trung Quốc, bà cũng phải đối mặt với nhiệm vụ đảm bảo sự phục hồi kinh tế diễn ra suôn sẻ. Việc này giúp ích cho việc Quốc hội Mỹ cuối cùng đã thông qua gói kích thích thứ hai trị giá 900 tỷ USD vào ngày 21/12 vừa qua, sau nhiều tháng tranh cãi. Mặc dù cho đến nay, Tổng thống Donald Trump vẫn từ chối ký thành luật và tuyên bố rằng, Chính phủ Mỹ nên thực hiện các khoản thanh toán trực tiếp cho người Mỹ lớn hơn nhiều so với gói kích thích được đề xuất.
Đại dịch Covid-19 không phải là cú sốc lớn duy nhất đối với các chính phủ và các nhà tài chính trong năm 2020. Đứng trước hiện tượng biến đổi khí hậu nhanh và mạnh, các chính phủ và doanh nghiệp còn phải có thái độ và hành động nghiêm túc hơn với các mục tiêu phát thải, phát hành thêm trái phiếu xanh, hay các ngân hàng cũng phải sớm thông qua các mục tiêu phát thải. Tuy nhiên, đến nay một hệ thống phổ biến về giá carbon vẫn còn là vấn đề rất nan giải.
(theo The Economist)
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dai-dich-covid-19-co-hoi-de-kinh-te-the-gioi-thay-doi-134014.html