Đại dịch COVID-19 đang đẩy lùi những tiến bộ về bình đẳng giới
Đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã đang đẩy lùi những tiến bộ về bình đẳng giới nhiều năm.
Theo báo cáo hàng năm về Khoảng cách Giới Toàn cầu công bố ngày 30/3, phải mất thêm nhiều thập kỷ khoảng cách về giới mới có thể được thu hẹp. Một loạt nghiên cứu cho rằng đại dịch COVID-19 đã tác động sâu sắc đối với phụ nữ, những người có nguy cơ bị mất việc làm cao hơn nhiều so với nam giới, trong khi vẫn phải đảm nhận gánh nặng gia đình như chăm sóc khi các trường học bị đóng cửa. Báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), nhấn mạnh rằng những tác động này sẽ còn kéo dài và các mục tiêu cơ bản đối với bình đẳng giới đang trở nên càng khó thực hiện.
Trước đó, trong báo cáo đưa ra tháng 12/2019, thời điểm trước khi xảy ra đại dịch COVID-19, WEF cho rằng bình đẳng giới tính tại nhiều khu vực có thể đạt được sau 99,5 năm nữa. Tuy nhiên, báo cáo năm nay cho thấy thế giới đang đi không đúng hướng trong việc thu hẹp khoảng cách giới tính ước tính phải mất 135,6 năm nữa mới đạt được.
Theo dõi sự chênh lệch giữa giới tính ở 156 quốc gia trên 4 lĩnh vực giáo dục, y tế, cơ hội kinh tế và quyền chính trị, báo cáo hàng năm của tổ chức có trụ sở tại Geneva (Thụy Sĩ) khẳng định: "Một thế hệ phụ nữ khác sẽ phải chờ đợi sự bình đẳng giới".
Ở khía cạnh tích cực, phụ nữ dường như đang dần thu hẹp khoảng cách giới trong các lĩnh vực như y tế và giáo dục. Tuy nhiên, bất bình đẳng lại đang xảy ra tại nơi làm việc và dự đoán tình trạng này sẽ vẫn không thể xóa bỏ trong 267,6 năm nữa. WEF đã chỉ ra một nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc (ILO) cho thấy phụ nữ có nhiều khả năng bị mất việc làm hơn trong đại dịch COVID-19, một phần do tỷ lệ lao động nữ không cân đối so với nam trong những lĩnh vực bị tác động trực tiếp khi các chính phủ trên thế giới áp đặt lệnh phong tỏa.
Một số cuộc khảo sát khác cũng chỉ ra rằng phụ nữ phải gánh vác công việc gia đình và chăm sóc con cái nhiều hơn trong thời gian cách ly chống dịch, càng làm gia tăng căng thẳng và giảm năng suất lao động. Tỷ lệ phụ nữ được tiếp nhận trở lại cũng thấp hơn nhiều so với nam giới khi nơi làm việc mở cửa trở lại.
Giám đốc điều hành WEF Saadia Zahidi khẳng định: "Đại dịch COVID-19 đã tác động sâu sắc đến bình đẳng giới tại cả nơi làm việc và gia đình, kéo lùi lại nhiều năm những tiến bộ đạt được trước đó. Nếu chúng ta muốn có một nền kinh tế năng động trong tương lai, việc phụ nữ đại diện trong nhiều vị trí việc làm là hết sức quan trọng".