Đại dịch COVID-19 làm gia tăng tỷ lệ mắc rối loạn trầm cảm, lo âu
Tỷ lệ hiện mắc các rối loạn tâm thần trong đại dịch COVID-19 gia tăng đáng kể như rối loạn trầm cảm (31%), rối loạn lo âu (31%) rối loạn căng thẳng (41%), rối loạn giấc ngủ (38%).
Đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, làm gia tăng một cách đáng kể các rối loạn tâm thần, làm trầm trọng thêm hố ngăn cách bất bình đẳng giữa các tầng lớp trong xã hội kèm theo các hậu quả nặng nề của nó.
Kết quả phân tích 66 nghiên cứu trên thế giới cho thấy tỷ lệ hiện mắc các rối loạn tâm thần trong đại dịch COVID-19 gia tăng đáng kể như tỷ lệ mắc rối loạn trầm cảm (31%), rối loạn lo âu (31%) rối loạn căng thẳng (41%), rối loạn giấc ngủ (38%).
Thông tin trên được Phó giáo sư Nguyễn Tuấn Hưng - Giám đốc Bệnh viện thần Trung ương I cho biết tại buổi lễ mít tinh và hội thảo trực tuyến hưởng ứng Ngày Sức khỏe tâm thần thế giới (10/10). Sự kiện do Bệnh viện Tâm thần Trung ương I phối hợp cùng Bộ Y tế, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam tổ chức.
Tại Việt Nam, một nghiên cứu trước đó ghi nhận khoảng 14,9% dân số từng gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần. Con số này đã tăng cao hơn trong đại dịch COVID-19.
Đặc biệt, đại dịch COVID-19 gây tác động đặc biệt tới một số nhóm dễ bị tổn thương như nhân viên y tế, những người ở tuyến đầu phòng chống dịch, người có bệnh lý nền, những người sống độc thân. Ngoài ra, COVID-19 cũng khiến việc cung cấp các dịch vụ khám chữa bệnh và điều trị các rối loạn tâm thần bị gián đoạn và gặp rất nhiều khó khăn.
Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn dẫn chứng thêm: “Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tính trên toàn cầu cứ 4 người có 1 người có vấn đề về Sức khỏe tâm thần, không có gia đình nào không liên quan đến sức khỏe và có 10 nguyên nhân chủ yếu gây mất khả năng lao động là do các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Có thể nói Thế kỷ 21 là thế kỷ của sức khỏe tâm thần.”
Đặc biệt, Ngày Sức khỏe tâm thần Thế giới năm nay diễn ra trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, làm gia tăng một cách đáng kể các rối loạn tâm thần, làm trầm trọng thêm hố ngăn cách bất bình đẳng giữa các tầng lớp trong xã hội kèm theo các hậu quả nặng nề.
Giáo sư Trần Văn Thuấn cho hay đối với chăm sóc sức khỏe tâm thần dựa vào cộng đồng, những năm qua Chính phủ Việt Nam đã có những nỗ lực đáng kể trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần. Chương trình Mục tiêu Quốc gia (chương trình ưu tiên hàng đầu) về sức khỏe tâm thần được hình thành năm 1999. Chương trình đã tập trung vào xây dựng "mô hình chăm sóc sức khỏe tâm thần dựa vào cộng đồng." Cho đến nay mô hình đã bao phủ trên 63 tỉnh thành với gần 40% xã/phường/thị trấn của Việt Nam. Nhờ có mô hình này những người bị tâm thần phân liệt và động kinh đã được quản lý tại cộng đồng và sự miệt thị đã được giảm bớt đi rất nhiều. Điều này góp phần rất lớn trong việc giảm đau khổ và vất vả cho cả bệnh nhân cũng như gia đình họ.
Ghi nhận tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I thời gian qua cho thấy tại bệnh viện đã nhận điều trị nhiều ca bệnh liên quan đến sức khỏe tâm thần trong dịch và hậu COVID-19, điển hình là các trường hợp rối loạn trầm cảm, lo âu, mất ngủ sau khi được xác định dương tính, rối loạn giấc ngủ, căng thẳng khi phải đi cách ly tập trung.
Ngoài ra, nhiều trường hợp gặp tình trạng lo âu, căng thẳng, hồi hộp khi đến lịch tiêm phòng vaccine COVID-19, bị sang chấn tâm lý khi phải giãn cách kéo dài. Một số trường hợp đến khám bệnh về sức khỏe tâm thần có cuộc sống bị xáo trộn sau khi mất việc làm, giảm lương... do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Hầu hết các bệnh nhân này là học sinh, sinh viên và người trong độ tuổi lao động.
Chủ đề Ngày sức khỏe tâm thần Thế giới năm nay là "Chăm sóc sức khỏe tâm thần toàn dân: Hãy biến điều đó thành hiện thực," nhằm kêu gọi tất cả các nước thành viên và mọi người dân cùng chung tay để hiện thực hóa các sáng kiến, các ý tưởng, các kế hoạch thành hành động cụ thể thiết thực nhằm đảm bảo mọi người có nhu cầu được chăm sóc sức khỏe tâm thần một cách chất lượng, hiệu quả và toàn diện./.
Năm 1992 đánh dấu mốc quan trọng của sức khỏe tâm thần đó là sự kiện Liên đoàn tâm thần học thế giới (Word Federation for Mental Health - WFMH) đại diện cho hơn 150 quốc gia lần đầu tiên đưa ra sáng kiến chọn ngày 10/10 làm ngày sức khỏe tâm thần thế giới (Word mental health’Day). Kể từ đó, Ngày Sức khỏe Tâm thần Thế giới (World Mental Health Day) được tổ chức vào ngày 10 tháng 10 hàng năm trên toàn thế giới.
Mỗi năm kỷ niệm Ngày sức khỏe tâm thần Thế giới đều được Liên đoàn tâm thần học thế giới đưa ra một chủ đề trọng tâm để định hướng các quốc gia trong công tác tuyên truyền, giáo dục và thay đổi hành vi liên quan đến chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người dân.