Đại dịch Covid-19 làm khủng hoảng nhân khẩu học ở Nhật Bản trầm trọng thêm
Số lượng phụ nữ mang thai và các cuộc hôn nhân ở Nhật Bản giảm đi trong giai đoạn đại dịch Covid-19 có thể làm gia tăng cuộc khủng hoảng nhân khẩu học ở quốc gia có tốc độ già hóa dân số vào hàng nhanh nhất thế giới này.
Nhật Bản là quốc gia có tỷ lệ người cao tuổi cao nhất thế giới, với hơn 35% dân số dự kiến sẽ từ 65 tuổi trở lên vào năm 2050, một xu hướng đặt ra nguy cơ đối với tăng trưởng kinh tế và khả năng tài chính của chính phủ.
"Tôi tin rằng sự lây lan của Covid-19 đang khiến nhiều người lo lắng về việc mang thai, sinh con và nuôi dạy con cái", Quốc vụ khanh phụ trách công tác xử lý tình trạng giảm tỷ lệ sinh tại Nhật Bản ông Tetsushi Sakamoto phát biểu trong buổi họp báo ngày 23/10.
Các số liệu chính thức được công bố mới đây cho thấy số lượng các thai phụ được ghi nhận trong 3 tháng tính đến tháng 7 vừa qua đã giảm 11,4% so với 1 năm trước đó, trong khi số cuộc hôn nhân trong cùng giai đoạn cũng giảm 36,9%.
"Thực trạng này rất nghiêm trọng bởi có thể để lại những tác động tiêu cực, khi suy thoái kinh tế dẫn tới việc người dân không mặn mà nghĩ tới việc kết hôn và sinh nở", theo nhà kinh tế trưởng Hideo Kumano thuộc Viện nghiên cứu Dai-ichi Life nhận định, dân số giảm là yếu tố chính dẫn đến những triển vọng tăng trưởng kinh tế khác nhau.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ đạt 5,2% trong năm 2021, song tăng trưởng của Nhật Bản chỉ đạt 2,3%.
Đại dịch Covid-19 đã làm trầm trọng thêm xu hướng giảm tỷ lệ sinh nở vốn có từ trước đó trong xã hội Nhật Bản, điều mà cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe mô tả là "quốc nạn". Số trẻ em sinh vào năm 2019 đã giảm 5,8% xuống còn khoảng 865.000 trẻ, mức thấp nhất hằng năm được ghi nhận từ trước tới nay.
Theo cuộc khảo sát gần đây do báo Nikkei thực hiện, phần lớn trong số 22 nhà kinh tế được phỏng vấn dự báo nền kinh tế Nhật Bản sẽ khôi phục trở lại mức trước đại dịch trước năm 2024, một trở lại lớn đối với việc kết hôn. Các nhà hoạch định chính sách đang nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng này, bao gồm áp dụng bảo hiểm y tế cho việc điều trị vô sinh và tăng gấp đôi giới hạn trợ cấp một lần cho các cặp đôi mới cưới lên 600.000 yen (5.726 USD).
"Có những dự đoán khác nhau về điều chuyện gì sẽ xảy ra nếu số lượng trẻ em sinh ra tiếp tục giảm, nhưng có một điều có thể nói chắc chắn. Các hệ thống hiện có, bao gồm cả hệ thống an sinh xã hội, sẽ không còn hoạt động nữa", Masaji Matsuyama, cựu Bộ trưởng Quốc vụ khanh phụ trách công tác xử lý tình trạng giảm tỷ lệ sinh tại Nhật Bản, chia sẻ với Reuters.