Đại dịch covid-19. Lối ra nào đây?
Chung sống với dịch bệnh và chấp nhận dịch bệnh trên thực tế hiện là những kịch bản tại nhiều nước trên thế giới. Vậy, 'Lối ra' nào các quốc gia đang tìm kiếm để vượt qua đại dịch? Phân tích của báo Thế giới & Việt Nam.
Ngay từ thời điểm hiện tại, các quốc gia đã phải bắt đầu suy tính đến lối thoát ra khỏi dịch bệnh không có gì là khó hiểu, đơn giản bởi rất cần thiết. (Nguồn: Getty/VNA)
Dịch bệnh viêm phổi cấp Covid-19 do virus corona gây ra cả hơn ba tháng sau khi bùng phát ở Trung Quốc vẫn giữ chặt cả thế giới trong nanh vuốt của nó. Trong khi Trung Quốc có vẻ như đã sang được phía bên kia đỉnh điểm của dịch bệnh thì Mỹ và châu Âu lại trở thành những tâm điểm mới của diễn biến dịch bệnh.
Hai kịch bản thời đại dịch
Chưa ở đâu hiện có thể nói là đã qua khỏi dịch bệnh hay đã chế ngự được hoàn toàn dịch bệnh. Dịch bệnh này chỉ chấm dứt khi con người trên thế giới tìm ra được thuốc đặc trị chữa khỏi bệnh và vaccine phòng ngừa dịch bệnh. Cả hai biệt dược ấy hiện tại con người trên trái đất đều chưa có được, đều không biết rồi đây có thể có được hay không và nếu có thể thì đến khi nào mới có thể có được. Cho tới thời điểm ấy, con người và các nước trên thế giới phải chấp nhận tồn tại và phát triển theo một trong hai kịch bản là cùng chung sống với dịch bệnh hay chấp nhận dịch bệnh vẫn ẩn khuất trên thực tế.
Cùng chung sống với dịch bệnh có nghĩa là dịch bệnh vẫn tiếp tục lây lan nhưng ở mức độ và trong phạm vi có thể kiểm soát được. Những tiêu chí được đưa ra sử dụng ở đây, làm cơ sở cho việc xác định khả năng kiểm soát được dịch bệnh, là tỷ lệ tử vong vì dịch bệnh và khoảng thời gian số người nhiễm bệnh tăng lên gấp đôi.
Chấp nhận dịch bệnh vẫn ẩn khuất trên thực tế là thành công trong việc ứng phó dịch bệnh đến mức không còn người nhiễm bệnh nữa nhưng không thể đảm bảo tuyệt đối là dịch bệnh đã bị đẩy lùi hoàn toàn do không thể loại trừ được hết nguồn lây nhiễm dịch bệnh mới.
Có thể hiểu theo cách đơn giản ở đây là, chừng nào trên thế giới chưa hoàn toàn thật sự xóa sổ được dịch bệnh thì chừng đó bất kỳ quốc gia nào hay vùng lãnh thổ nào đều vẫn phải thường trực ứng phó với nguy cơ lại bị dịch bệnh lây nhiễm. Ở kịch bản thứ nhất, nguồn lây nhiễm dịch bệnh ở cả trong nước lẫn ngoài nước trong khi ở kịch bản thứ hai thì nguồn lây nhiễm dịch bệnh là ở bên ngoài.
Tìm kiếm ‘lối ra’ là rất cần thiết
Việc ngay từ thời điểm hiện tại đã phải bắt đầu suy tính đến lối thoát ra khỏi dịch bệnh không có gì là khó hiểu, đơn giản bởi rất cần thiết. Dịch bệnh này chưa biết đến khi nào mới kết thúc và chắc chắn sẽ không lắng dịu rồi kết thúc đồng thời ở mọi nơi hay theo cùng lộ trình cho mọi nơi. Dịch bệnh tác động rất tai hại và tiêu cực tới con người và xã hội, buộc con người và quốc gia vừa phải ứng phó để đẩy lùi dịch bệnh vừa phải chủ động khắc phục ngay những hệ lụy của dịch bệnh.
Các nước ở châu Âu, Trung Quốc hay Mỹ hiện vẫn bị dịch bệnh hoành hành dữ dội nhưng đều đã phải tính đến lối ra. Vì chưa thể quay lại được ngay như thời kỳ trước khi dịch bệnh bùng phát và lây lan nên ý tưởng của chính phủ các nước về lối ra (Exit) đều là từng bước chứ không đồng loạt, dần dần chứ không ráo riết, dò dẫm chứ không áp đặt mức độ. Thực chất ở đây là tìm cách thúc đẩy phát triển kinh tế và hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh tình hình và điều kiện vẫn vừa phải đối phó dịch bệnh và dịch bệnh vẫn chưa bị đẩy lùi, đồng thời chuẩn bị tiền đề cần thiết trên mọi phương diện cho phát triển ở thời sau dịch bệnh.
Nói theo cách khác, đấy là sự kết hợp giữa thích ứng hóa hoạt động chính trị, kinh tế của đất nước và cuộc sống của người dân vào bối cảnh tình hình thời dịch bệnh với chiến lược phát triển cho thời sau dịch bệnh.
Việc xác định lối ra này ở vào thời điểm hiện tại không đơn giản và dễ dàng chút nào, rủi ro chiến lược, kịch bản hay lộ trình của lối ra bị phá sản hay thất bại lại rất cao. Không phải vô cớ mà Tổng thống Mỹ Donald Trump coi đấy là "quyết định khó khăn nhất" của mình. Nếu không như thế thì chính phủ các nước ở châu Âu như Áo, Đan Mạch, Séc... và cả EU nữa đều phải cài đặt nhiều cái chốt an toàn trong đấy là bất cứ khi nào cũng có thể áp dụng trở lại những biện pháp chính sách ngặt nghèo được từng bước nới lỏng trong kế hoạch lối ra này.
‘Lối ra’ nào cho các quốc gia?
Lối ra nào cũng đều bao gồm việc mở cửa lại trường học để các bậc phụ huynh có thể tiếp tục đi làm, cho hàng quán nhỏ mở cửa kinh doanh trở lại, xí nghiệp và công xưởng hoạt động sản xuất trở lại. Lối ra nào cũng coi trọng việc thúc đẩy hoạt động của ngành công nghiệp sản xuất thiết bị y tế và thuốc men. Lối ra nào cũng đều tiếp tục cấm mọi hoạt động tụ tập đông người.
Và có hai điều đặc biệt đáng được chú ý ở đây là lối ra nào cũng đều nhằm kích nội nhu làm động lực tăng trưởng quyết định mới ở thời dịch bệnh và tiếp tục đóng cửa biên giới quốc gia đối với con người trong khi vẫn thông thương biên giới quốc gia cho hàng hóa. Việc mở cửa lại biên giới quốc gia cho con người hoàn toàn không được đề cập trong các kế hoạch lối ra ấy. Thậm chí đến cả EU cũng hoàn toàn không đề cập gì đến thời điểm hay lộ trình khôi phục hiệu lực trên thực tế của Hiệp ước Schengen. Xem ra, Mỹ và các nước châu Âu đã thấm thía cái giá quá đắt đã phải trả cho việc chậm trễ ngăn chặn sự lây nhiễm bệnh dịch từ bên ngoài vào.
Ưu tiên chính sách khác nhau thì lối ra này cũng sẽ khác nhau bởi trong thực chất vẫn là sự xác định coi sức khỏe và sinh mạng của người dân hay phát triển kinh tế là mục đích cần được coi trọng hàng đầu trong thời buổi dịch dã. Lại một lần nữa có thể thấy được ở đây bản chất nhân văn và tính ưu việt của hệ thống chính trị ở các nơi trên thế giới.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dai-dich-covid-19-loi-ra-nao-day-113519.html