Đại dịch Covid-19 ở Indonesia sẽ trở thành bệnh đặc hữu vào năm 2022?
Xu hướng giảm các ca mắc Covid-19 gần đây khiến chính phủ Indonesia dự báo, đại dịch ở nước này sẽ sớm trở thành căn bệnh đặc hữu. Tuy nhiên theo một số chuyên gia, để Covid-19 trở thành bệnh đặc hữu, Indonesia cần nhiều thời gian, nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của đại dịch và tiêm chủng.
Mới đây, Bộ Y tế Indonesia tuyên bố nước này đã vượt qua đỉnh của làn sóng Covid-19 thứ hai. Từ chỗ đỉnh dịch rơi vào tháng 7 với hơn 56.000 ca mắc mỗi ngày, đến ngày 23/8, số ca mắc Covid-19 giảm xuống còn hơn 9.000 ca. Mặc dù làn sóng Covid-19 trên đảo Java và Bali đông dân cư đang giảm xuống, tuy nhiên, tỷ lệ tử vong vẫn cao ở mức khoảng 1.000 trường hợp mỗi ngày và đại dịch đang bùng phát trên nhiều hòn đảo khác.
Nhìn vào tình hình hiện trạng của quốc gia vạn đảo khi dịch Covid-19 đã có mặt ở 99% đất nước và vẫn đang lây lan ra nhiều hòn đảo khác bên ngoài Java và Bali, chưa kể các biến thể mới tiếp tục đe dọa hệ thống sức khỏe, có thể thấy đại dịch tại Indonesia sẽ tồn tại lâu hơn các nước khác.
Theo Bộ trưởng Tài chính Indonesia, Sri Mulyani, Indonesia đã đặt mục tiêu tiêm chủng cho 208 triệu dân vào đầu năm sau và nếu mục tiêu này được hoàn thành đúng thời hạn thì Covid-19 có thể trở thành căn bệnh đặc hữu tại Indonesia vào năm 2022. Các tác động xã hội, môi trường, thời tiết cũng trở thành chất xúc tác cho đại dịch trở thành căn bệnh đặc hữu Covid-19 tức là trở thành loại bệnh thông thường như cúm hay sốt xuất huyết tại Indonesia.
Chính phủ nước này đang xây dựng các chiến lược mới đối phó với căn bệnh đặc hữu này, trong đó có việc thay đổi từ chiến lược xử lý sang kiểm soát Covid-19. Người đứng đầu lực lượng đặc nhiệm xử lý Covid-19 Indonesia, ông Ganip Warsito cho biết, có 3 điều mà chính phủ và xã hội cần làm để sống chung với Covid-19 bao gồm thắt chặt giao thức y tế, tăng cường xét nghiệm, truy vết và điều trị, cuối cùng là đẩy manh và mở rộng chương trình tiêm chủng vaccine Covid-19, đồng thời đảm bảo nguồn cung vaccine sẵn có trong nước.
Người phát ngôn của Lực lượng Đặc nhiệm Xử lý Covid-19, ông Wiku Adisasmito cho biết, chưa thể khẳng định đại dịch có trở thành căn bệnh đặc hữu tại Indonesia vào năm 2022 hay không. Tuy nhiên để đạt được điều này, Indonesia cần tăng tốc chương trình tiêm chủng đồng thời mở rộng đối tượng tiêm chủng cho toàn bộ người dân. Sau 8 tháng triển khai chương trình tiêm chủng, hiện Indonesia mới tiêm chủng đủ 2 liều vaccine Covid-19 cho 8% dân số.
Ngoài ra, theo ông Wiku, điều này cũng có thể trở thành hiện thực nếu số ca mắc Covid-19 và tử vong tại Indonesia tiếp tục giảm đáng kể đi cùng với những nỗ lực hạn chế di chuyển của chính phủ và xã hội như hiện nay. Trước đó, Tổng thống Indonesia, Joko Widodo cũng ra chỉ thị xây dựng lộ trình sống chung với Covid-19 trong thời gian ngắn hoặc khi đại dịch trở thành căn bệnh đặc hữu.
Tuy nhiên, nhà dịch tễ học của từ Đại học Griffith, Australia, ông Dicky Budiman lưu ý mặc dù Covid-19 đang giảm không có nghĩa tình hình được kiểm soát bởi hiện nay đại dịch đã lan rộng tất cả các ra vùng, gây ra tử vong đáng kể. Theo ông, không thể dự đoán chính xác thời gian đại dịch Covid-19 ở Indonesia có thể trở thành căn bệnh đặc hữu. Điều này có thể mất từ 3-4 năm bởi Indonesia vẫn phải đối mặt với các làn sóng Covid-19 khác, đặc biệt bên ngoài đảo Java. Ông kêu gọi công chúng cảnh giác và thắt chặt các quy trình y tế trong bối cảnh các yêu cầu về di chuyển được nới lỏng./.