Đại dịch Covid-19 thiết lập 'cột mốc' mới

Bất chấp nỗ lực không biết mệt mỏi của mỗi quốc gia nói riêng và toàn thế giới nói chung trong thời gian vừa qua, cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19 vẫn phải chứng kiến một cột mốc đáng sợ mới khi số ca nhiễm trên toàn cầu đã vượt quá 50 triệu người.

Trang thống kê worldometers.info cho biết, tính đến sáng 9-11 (theo giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 50.700.000 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 1.261.000 ca tử vong. Số ca được điều trị khỏi bệnh là hơn 35.780.000 người.

Đến nay, Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19 với hơn 237.000 ca tử vong, trong khi số ca nhiễm đã vượt 10 triệu người (chiếm khoảng 20% tổng số ca mắc Covid-19 trên toàn cầu). Điều đáng lo ngại là tình hình đại dịch tại Mỹ vẫn chưa có dấu hiệu lắng xuống khi chỉ riêng trong tuần qua, số bệnh nhân mới tại nước này đã tăng 36%, tương đương 738.000 người, so với tuần trước đó. Reuters cho biết, ngày 7-11 vừa qua Mỹ cũng ghi nhận mức kỷ lục 130.000 ca nhiễm mới/ngày.

Xếp ngay sau Mỹ trong danh sách các quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi đại dịch là Ấn Độ với gần 127.000 ca tử vong trong số hơn 8.500.000 ca nhiễm, tiếp đó là Brazil với hơn 162.000 ca tử vong trong số gần 5.700.000 bệnh nhân.

 Người dân Slovakia xếp hàng chờ xét nghiệm Covid-19. Ảnh: Getty Images.

Người dân Slovakia xếp hàng chờ xét nghiệm Covid-19. Ảnh: Getty Images.

Theo AFP, nếu xét trên quy mô khu vực, châu Âu hiện đang là “tâm dịch” của thế giới với hơn 12,6 triệu người mắc Covid-19, trong đó có hơn 305.700 ca tử vong. Trong số hơn 3,9 triệu ca mắc Covid-19 mới của toàn thế giới vào tuần qua cũng có tới hơn 2,1 triệu trường hợp được ghi nhận các quốc gia thuộc “Lục địa già”. Đứng thứ hai trong danh sách là khu vực Mỹ Latin và Caribe với 411.700 ca tử vong trong hơn 11,6 triệu ca nhiễm, tiếp đó lần lượt là châu Á với gần 177.000 ca tử vong trong số 11 triệu ca nhiễm, Trung Đông (hơn 64.500 ca tử vong), châu Phi (hơn 44.800 ca tử vong), và châu Đại Dương (hơn 1.000 ca tử vong).

Hãng tin Reuters nhận định, tháng 10 vừa qua được coi là giai đoạn tồi tệ nhất với thế giới kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát do số ca nhiễm tăng vọt và vượt mốc 50 triệu người. Bước sang tháng 11, mặc dù nhiều quốc gia đã tái áp dụng các biện pháp phong tỏa để làm giảm tốc độ lây lan của đại dịch, nhưng trong vòng 7 ngày qua, trung bình mỗi ngày thế giới vẫn ghi nhận thêm 540.000 ca nhiễm mới và tiếp tục chứng kiến các “kỷ lục đáng buồn” mới. Điển hình như tại Nga, nước này thông báo chỉ trong vòng 24 giờ tính đến ngày 9-11 đã ghi nhận thêm gần 21.800 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 và đây là ngày mà Nga ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát.

Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng, đại dịch Covid-19 đang gây ra những thách thức to lớn cho toàn thế giới trong việc dập dịch và khôi phục kinh tế, đặc biệt đối với Mỹ và các quốc gia ở châu Âu.

Nói về sự nguy hiểm của đại dịch Covid-19, tướng Nick Carter, Tham mưu trưởng quốc phòng Anh, mới đây cảnh báo những bất ổn như khủng hoảng kinh tế do đại dịch này gây ra có thể châm ngòi cho các mối đe dọa an ninh mới và nếu các cuộc xung đột nhỏ leo thang, vượt tầm kiểm soát thậm chí có thể gây ra một cuộc chiến tranh thế giới tiếp theo. Theo tướng Nick Carter, các cuộc khủng hoảng kinh tế trước đây từng dẫn đến khủng hoảng an ninh và ông lo ngại điều này có thể lặp lại. Do đó, cộng đồng quốc tế cần hỏi học từ lịch sử để tránh những bước đi sai lầm nảy sinh từ đại dịch Covid-19. “Nếu nhìn về lịch sử, hy vọng bạn có thể học hỏi được kinh nghiệm và bảo đảm thật cẩn trọng về cách bạn quản lý các cuộc xung đột khu vực mà chúng ta đang chứng kiến”, tướng Nick Carter chia sẻ trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Sky News.

ANH VŨ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/dai-dich-covid-19-thiet-lap-cot-moc-moi-643382