Đại dịch COVID-19 vào đề thi Ngữ văn lớp 10 năm học 2020-2021 tại Tp Hồ Chí Minh
Đề thi Ngữ văn lớp 10 tại Thành phố Hồ Chí Minh phản ánh các vấn đề thiết thực, nóng hổi trong đời sống xã hội khi đề cập đại dịch COVID-19, 'ATM gạo'...
Sáng 16/7, hơn 82.000 học sinh Thành phố Hồ Chí Minh hoàn thành bài thi môn Ngữ văn lớp 10 năm học 2020-2021 với thời gian 120 phút. Nhiều học sinh bày tỏ đề thi môn Ngữ văn vào lớp 10 năm nay mang tính thời sự, gợi mở và tương đối "dễ thở".
Tại điểm thi Trường Trung học Cơ sở Đoàn Thị Điểm, em Thanh Thúy, học sinh Trường Trung học Cơ sở Hai Bà Trưng cho rằng câu hỏi về nghị luận xã hội năm nay dễ hơn đề thi năm trước. Đối với phần văn bản đọc hiểu về đại dịch COVID-19, em đặt ra từng vấn đề sau đó đi sâu giải thích. Em hy vọng sẽ đạt 7 điểm với môn thi này.
Nhóm học sinh đến từ Trường Trung học Cơ sở Đoàn Thị Điểm bày tỏ sự thích thú với đề thi môn Ngữ văn, bởi đề thi nằm chủ yếu trong chương trình học, các câu hỏi đều gợi mở cho học sinh dễ dàng phân tích, phát huy khả năng và thể hiện suy nghĩ của bản thân.
Nhiều em tự tin khẳng định nắm chắc 70-80% số điểm sau bài thi hôm nay. Trong đó, học sinh Minh Thư chia sẻ, em chỉ dành 30 phút để làm phần nghị luận bởi đó là vấn đề nóng, thời sự, được xã hội quan tâm. Với câu hỏi số 3, trong 3 tác phẩm, em chọn cảm nhận về bài "Bếp lửa" bởi đó là tác phẩm có nhiều chi tiết để phân tích, cảm thụ.
Học sinh Anh Quân, Trường Trung học Cơ sở Bạch Đằng cho biết bản thân chưa có sự chuẩn bị tốt cho phần bài thi môn Ngữ văn hôm nay. Em cho biết, trong 3 môn thi, Ngữ văn là môn học khiến em lo lắng nhất, em sẽ cố gắng để đạt kết quả tốt hơn trong 2 môn thi tiếp theo.
Nhận định về đề thi môn Ngữ văn, Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hiền, giáo viên Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Hữu Thọ (Quận 4) cho rằng, cấu trúc đề hợp lý, có đổi mới trong nội dung đề thi. Đề phản ánh các vấn đề thiết thực, nóng hổi trong đời sống xã hội khi đề cập đại dịch COVID-19, "ATM gạo", cách đối xử của con người với thiên nhiên, sự lắng nghe và thấu hiểu, biết chia sẻ...
Trong đó, đặc biệt hướng thí sinh đưa ra ý tưởng, giải pháp để nhìn nhận thay đổi lối sống của bản thân, từ đó có ứng xử nhân văn hơn đối với cộng đồng, con người, thiên nhiên, môi trường. Đây là đề tài gần gũi, thí sinh có thể đã hình dung trước và dễ lấy điểm.
Câu 2 với chủ đề "Lắng nghe" là một biểu hiện của yêu thương, phạm vi nội dung để bàn luận tương đối rộng đối với học sinh lớp 9. Nhiều bài làm sẽ đi xa với trọng tâm của đề. Với câu nghị luận văn học, đối với học sinh khá giỏi, các em hoàn toàn có thể chọn đề 2. Về nội dung, đây được cho là câu hỏi mới mẻ và sinh động, phát huy được tính sáng tạo và kỹ năng vận dụng hiểu biết phong phú từ thực tế vào bài làm. Ngoài ra, thí sinh phải ứng dụng nhuần nhuyễn kiến thức liên văn bản.
Tuy nhiên, Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hiền bày tỏ băn khoăn rằng câu nghị luận văn học có khuynh hướng nghiêng về thể hiện cảm nhận và bàn luận về thông điệp cuộc sống hơn là những hiểu biết, khám phá về cái hay, cái đẹp của tác phẩm văn học. Nếu ở câu 3, học sinh chỉ tập trung vào trình bày nội dung, ý nghĩa của văn bản thì những giá trị nghệ thuật của những đoạn thơ có thể bị bỏ qua.
Cô Đỗ Khánh Phượng, giáo viên Hệ thống giáo dục HOCMAI cho rằng, phần đọc - hiểu đơn giản, dễ ăn điểm, hướng về những vấn đề mang tính cấp thiết và có tính thời sự cao, nhưng quan trọng hơn vẫn hướng con người đến những suy nghĩ tích cực.
Cấu trúc đề có sự khác biệt so với năm ngoái, rõ nét nhất ở câu nghị luận xã hội, không còn là những hình ảnh minh họa như mọi năm mà câu nghị luận xã hội xuất hiện dưới dạng một câu hỏi hướng vào chủ đề của đề thi, đó là "lắng nghe" nhưng chỉ đi về một khía cạnh, lắng nghe là biểu hiện của yêu thương.
Phần nghị luận văn học năm nay ra đề theo cách mới mẻ bởi đề bài cho đến ba tác phẩm với ba thông điệp: Thông điệp thứ nhất là giá trị sống, thông điệp thứ hai là cảm xúc yêu thương cho gia đình, thông điệp thứ ba là khát vọng cống hiến cho xã hội. Có 2 đề để lựa chọn, ở đề 1 học sinh được phép lựa chọn 1 trong 3 thông điệp nêu trên.
Đây là một điểm sáng tạo và mới mẻ, tránh được tình trạng học sinh học tủ một tác phẩm. Với việc lựa chọn này, học sinh có quyền tìm cho mình một thông điệp yêu thích, một tác phẩm mình tâm đắc nhất. Đề 2 hướng đến yếu tố lí luận văn học, trong đó đề cao vai trò tiếp nhận và đồng sáng tạo của người đọc, có sự gắn kết giữa văn học với cuộc đời.
Chiều 16/7, các thí sinh tiếp tục làm bài thi môn Ngoại ngữ, thời gian làm bài 60 phút. Đề thi môn Ngoại ngữ lớp 10 năm học 2020-2021 tại Thành phố Hồ Chí Minh được ra theo hình thức thi trắc nghiệm. Trong kỳ thi năm nay, các thí sinh dự thi 3 môn gồm: Ngữ văn, Toán (thời gian làm bài 120 phút) và Ngoại ngữ (thời gian làm bài 60 phút).
Điểm xét tuyển là tổng điểm hai môn Toán và Ngữ văn (hệ số 2); môn Ngoại ngữ (hệ số 1) và điểm cộng thêm (nếu có, nhưng tối đa không quá 3 điểm).
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, để phục vụ công tác thi tuyển, Sở bố trí 135 điểm thi với gần 3.200 phòng thi, trong đó có 10 điểm thi vào trường, lớp chuyên. Sở huy động 11.446 giáo viên, nhân viên tham gia coi thi và 3.430 giáo viên tham gia chấm thi.
Dự kiến ngày 27/7, Sở sẽ công bố kết quả thi lớp 10 thường, ngày 29/7 công bố kết quả điểm số và điểm chuẩn tuyển sinh lớp 10 chuyên, tích hợp và diện tuyển thẳng./.