Đại dịch COVID-19: Vì sao châu Âu mong manh?
Suốt gần 3 tháng qua, cả thế giới căng mình với dịch bệnh COVID-19 - đại dịch đầu tiên của nhân loại trong thời đại văn minh (đại dịch gần đây nhất là cúm Tây Ban Nha xảy ra năm 1918). Những quốc gia phát triển, nơi luôn tự hào có nền tảng y học tiên tiến, tiềm lực kinh tế dồi dào và trình độ dân trí cao… lại trở nên mong manh trước 'tên giặc'vô cùng nhỏ bé và khó lường.
Mới đây, phóng viên Ryan Cooper đã đặt câu hỏi trên tạp chí The Week rằng tại sao trong khi các nước ở châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore và Việt Nam đã, đang kiểm soát, ngăn chặn và đẩy lùi được dịch bệnh thì Mỹ và châu Âu lại bối rối trước sự bùng phát và hoành hành của virus?
Cùng theo dõi những thông tin dưới đây để tìm thấy câu trả lời cho những thắc mắc trên.
Thời đại văn minh với những bất cập và sức ỳ trước đại dịch
Trả lời phỏng vấn tờ Le Figaro, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Hubert Vedrin đã nhận định, cuộc khủng hoảng toàn cầu trước đại dịch đã cho thấy hoặc là không tồn tại một cộng đồng quốc tế thực sự hoặc là cộng đồng đó chưa sẵn sàng để đương đầu với thảm họa có quy mô như thế này. Đã không có một cấu trúc quốc tế nào, kể cả Liên Hợp Quốc, WHO, G7 và G20 hành động đủ nhanh và hiệu quả.
Cộng đồng chung châu Âu (EU) được thành lập nhằm xây dựng một thị trường thống nhất cùng chính sách cạnh tranh với mong muốn hướng tới mô hình “toàn cầu hóa phồn vinh” không bị hạn chế bởi các rào cản về biên giới và chủ quyền lãnh thổ.
Năm 2017, nhờ “thế giới phẳng” mà lưu lượng khách đi máy bay đạt 4 tỷ lượt người. Theo dự báo, với tốc độ tăng trưởng như vậy, đến năm 2035, con số này sẽ đạt 8 tỷ lượt người.
Tuy nhiên, sự thông thương không có rào cản biên giới trong lòng EU đã khiến các quốc gia thành viên đau đầu vì cuộc khủng hoảng về người di cư mới đây và nay lại càng trở nên trầm trọng hơn trước đại dịch COVID-19.
Chính vì vậy, theo ông Hubert Vedrin, sau khi đã vượt qua được khủng hoảng cần phải hành động quyết liệt hơn với những hạn chế nhất định thay vì thỏa hiệp. Cần tạo ra một hệ thống hợp tác quốc tế hiệu quả và an toàn hơn là cách quản trị toàn cầu mơ hồ giữa các chính phủ, cho phép xác định, ngăn chặn và đưa ra được các biện pháp phòng ngừa cũng như chữa trị với những đại dịch nếu xảy ra trong tương lai.
Theo Tiến sĩ sinh học Anchi Baranova, Giáo sư Khoa Sinh học hệ thống thuộc Đại học George Mason, lãnh đạo các quốc gia phát triển đều biết rõ những gì xảy ra là rất nghiêm trọng và họ thậm chí còn biết từ khá lâu rồi. Tuy nhiên, nếu bạn đã quá quen với một cuộc sống êm đềm, ít biến động thì thật khó để từ bỏ những nếp sống quen thuộc để đón nhận và chuẩn bị cho mình trước những dự báo xấu. Giả dụ có thông báo sau 3-4 tháng, nhà bạn sẽ bị cắt điện một thời gian dài, bạn sẽ không ngay lập tức chạy đi mua máy phát điện hay ắc quy… bởi vì kế hoạch chi tiêu đã được lập chính xác cho từng tuần, tiền nhàn rỗi không đủ. Bạn sẽ tự nhủ đợi đến kỳ lương sau, thời gian để lo liệu vẫn còn…
Ở tầm quốc gia cũng vậy. Hệ thống y tế gặp khó khăn trước đại dịch không hẳn do công tác chuẩn bị kém hoặc do cán bộ chuyên môn yếu. Hệ thống chăm sóc sức khỏe hiện có được xây dựng dựa trên những diễn biến thông thường của cuộc sống. Nếu không có đại dịch thì hoàn toàn không có vấn đề gì nghiêm trọng. Nhờ những tiến bộ về khoa học và công nghệ, các quốc gia phát triển trong những năm gần đây đều cố gắng tìm cách giảm chi phí đối với các chuẩn về khám chữa bệnh. Khi dịch bệnh bùng phát như hiện nay, sự hạn hẹp về nguồn tài chính bắt đầu thể hiện những bất cập. Tuy nhiên, nếu tăng biên chuẩn lên gấp 10 lần thì chi phí này sẽ phân bổ đều cho cả những người chỉ thỉnh thoảng đến bác sĩ để được kê cho vài viên cảm cúm hay tiêu chảy. Không một quốc gia nào xây dựng biên độ chuẩn cao hơn mức thông thường cả chục lần bởi vì như thế chi phí điều trị sẽ trở nên đắt đỏ - lợi bất, cập hại.
Toàn cầu hóa một mặt đã giúp các quốc gia nhận được sự trợ giúp khi phải đối mặt với những thảm họa như động đất, sóng thần, hỏa hoạn… nhưng mặt khác cũng đẩy chính họ trở nên mong manh, nhất là trong hoàn cảnh hiện nay khi mà đại dịch đang hiện hữu và hoành hành trên khắp hành tinh.
Sự phân công, hợp tác quốc tế giúp hầu hết hàng hóa có giá thành rẻ hơn nhưng tính lệ thuộc cũng cao hơn. Khi Vũ Hán bị phong tỏa, nguồn cung khẩu trang y tế cho thị trường thế giới giảm đáng kể bởi vì một trong những trung tâm sản xuất khẩu trang lớn là tỉnh Hồ Bắc.
Mọi chuẩn mực về cung cầu chỉ dựa trên những dự báo đơn lẻ - các quốc gia trong chuỗi cung ứng này hầu như không bị ảnh hưởng và thậm chí còn trợ giúp lẫn nhau nếu dịch bệnh chỉ xảy ra tại một số quốc gia hay thậm chí tại một khu vực. Nhưng nay khi phải đối diện với sự khan hiếm thực sự thì hợp tác đã bị cạnh tranh lấn át, cũng giống như hiện tượng người tiêu dùng tranh giành từng cuộn giấy vệ sinh trong cơn hoảng loạn.
Cuối tháng Hai, dịch bệnh bắt đầu lan đến Italy và gần như ngay lập tức đã khiến quốc gia này chao đảo. Thủ tướng Italy Giuseppe Conte đã phải thốt lên: “Đây là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ sau chiến tranh thế giới lần II mà đất nước chúng ta phải đương đầu” và “tình trạng khẩn cấp về vệ sinh phòng dịch đang dần trở thành gánh nặng về kinh tế”. Chính phủ Italy phát đi tín hiệu cấp cứu tới các đồng minh của mình tại EU và trong khối NATO nhưng dường như các láng giềng của quốc gia này cũng đang bị bất ngờ và cuống cuồng lo rào dậu cửa ngõ nhà mình với hy vọng giảm thiểu được sự lây lan của dịch bệnh. Italy nhận được sự trợ giúp đầu tiên từ Trung Quốc, Cuba và Nga (từ 23-27/3 đã có 17 chuyến máy bay vận tải quân sự của Nga chở khẩu trang, găng tay, máy trợ thở và các dụng cụ y tế, thuốc men cùng hơn 100 chuyên gia về virus và phòng dịch đến Italy). Sau gần một tháng, các quốc gia đồng minh như Đức và Pháp mới dần thu xếp để trợ giúp cho láng giềng của mình. Ngày 28/3, kênh France 24 đã đưa lại lời phát biểu của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron: “Người ta cứ nói về sự giúp đỡ của Trung Quốc và Nga mà sao không thấy nói gì về Pháp và Đức? Chúng tôi đã chuyển cho Italy 2 triệu khẩu trang và hàng nghìn bộ đồ bảo hộ. Tất nhiên còn quá ít ỏi nhưng đó mới chỉ là bước đầu. Chúng ta cũng đừng nên say sưa thái quá trước lòng hảo tâm của các đối tác quốc tế như vậy”.
Theo Reppublica, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã xin lỗi Italy vì không kịp thời trợ giúp quốc gia này trong cuộc chiến chống dịch bệnh. Bà nói: "Cần phải thừa nhận rằng khi khủng hoảng nổ ra, không ít người đã chỉ lo cho bản thân mình...". Cũng theo bà thì EU đang soạn thảo chương trình trợ giúp các nước thành viên bị thiệt hại nặng với gói hỗ trợ lên tới 100 triệu euro.
Phạm Hoàng
Phần II: Phép thử đối với ‘hành trình đến tự do’ của nước Mỹ
Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/quocte/dai-dich-covid19-vi-sao-chau-au-mong-manh/391888.vgp