Đại dịch làm đảo lộn cuộc sống của dân du mục kỹ thuật số
Hơn 2 năm đại dịch, nhiều dân du mục kỹ thuật số gặp khó khăn khi tìm cách duy trì đam mê dịch chuyển.
1.193 USD là số tiền mà Fairuz Sallim (36 tuổi) dùng để thuê phòng ở hàng tháng tại nhiều khách sạn trên khắp châu Á, trong đó có một số địa điểm hạng sang như Marriott hay Hilton.
Năm 2019, anh bắt đầu hành trình du lịch hacking, tức là sử dụng điểm thưởng từ thẻ tín dụng để chi trả chi phí di chuyển, ăn ở trong các chuyến đi.
"Tôi muốn truyền cảm hứng cho mọi người, chứng minh du lịch không cần quá tốn kém. Hành trình của tôi không dễ dàng, nhất là trong bối cảnh đại dịch, nhưng đều là trải nghiệm quý giá", Fairuz nói với Straits Times.
Liên tục cách ly
Hiện, anh là chủ sở hữu của công ty Simplifai Studios. Fairuz có thể dễ dàng "xách ba lô lên và đi" vì có nguồn tài chính ổn định. Anh cũng điều hành một website lĩnh vực du lịch và đánh giá chuyến đi có tên Suitsmile.
Fairuz dễ dàng làm việc từ xa qua email và mạng lưới freelancer ở nhiều nơi. Mặc dù có lối sống phóng khoáng, Fairuz lại rất thận trọng với tiền bạc.
Trước khi theo đuổi lối sống du mục kỹ thuật số, anh đã chi 2.000-4.000 USD hàng tháng vào thẻ tín dụng để tìm kiếm chuyến bay, bảo hiểm, đồ dùng...
Fairuz nhấn mạnh du lịch dài hạn khác với một kỳ nghỉ kéo dài 1-2 tuần, nơi người ta sẵn sàng mở hầu bao cho những bữa ăn ngon, trải nghiệm đặc biệt. Nếu có thể, anh sẽ duy trì mức chi tiêu thấp nhất có thể.
Song, dưới ảnh hưởng của đại dịch, hành trình của Fairuz cũng bị ảnh hưởng. Do không có đám cưới hay sự kiện, thu nhập của công ty anh giảm hơn 50%.
Tháng 3/2020, anh bị mắc kẹt lại quê nhà hơn nửa năm vì đại dịch. Ngay sau thời điểm đó, anh tiếp tục đi Malaysia và Dubai, nhưng chuyến đi không đem lại sự vui vẻ, hào hứng như trước.
Ví dụ, ngay trong mùa cao điểm du lịch ở Dubai, Fairuz lại là vị khách duy nhất có mặt tại khách sạn. Anh cũng phải cách ly ở nhiều nơi, gồm có Bangkok (Thái Lan) và Jakarta (Indonesia).
Ngoài ra, do lệnh hạn chế di chuyển ở mỗi quốc gia luôn thay đổi, anh gặp khó tại các sân bay do nhân viên làm thủ tục không chắc chắn về các quy định mới.
Làm từ xa vì dịch
2 năm qua, Low Weisi (người Singapore) đã coi thị trấn Longyearbyen (Svalbard, Na Uy) như quê hương của mình.
Cô lần đầu đặt chân đến đây vào tháng 12/2017, trong chuyến du ngoạn một mình để khám phá vùng đất mới.
Khi đó, Bắc Cực đang trong giai đoạn 3 tháng không có ánh mặt trời. Bất chấp bầu trời tối mịt 24/7, Low vẫn bị mê hoặc bởi nơi này.
"Nơi đây đem lại cảm giác rất khác với Singapore - khoáng đạt, hoang dã, bí ẩn và được bao quanh bởi thiên nhiên", cô gái 27 tuổi chia sẻ.
Sau khi tốt nghiệp ngành Truyền thông và Phương tiện truyền thông mới ở Đại học Quốc gia Singapore vào năm 2019, cô đã chọn quay lại Bắc Cực với lời hứa sẽ trở về quê nhà sau 3 năm với gia đình.
Cô đã tìm việc làm trong thị trấn, đồng thời nhận vị trí freelance lĩnh vực marketing cho một công ty nước đóng chai.
Tuy nhiên, đại dịch khiến cuộc sống bình dị của cô bị đảo lộn. Khi biên giới Na Uy đóng cửa vì Covid-19, cô mất tất cả công việc bán thời gian của mình.
Điều đó thôi thúc Low chuyển sang làm việc từ xa. Cô đã gửi hồ sơ tới 20-30 công ty, trước khi được nhận vào làm nhân viên quản lý mạng lưới trang trên Facebook.
Kế hoạch ban đầu của cô là trở về Singapore sinh sống và làm việc nhưng điều đó đã thay đổi sau đại dịch.
"Tôi vẫn sẽ theo đuổi đam mê với lĩnh vực marketing, nhưng không biến công việc thành trọng tâm duy nhất của cuộc đời", Low chia sẻ. Cô cũng thừa nhận bản thân khó có thể quay lại làm việc văn phòng sau khi gắn bó với lối sống du mục kỹ thuật số.