'Đại dịch MI' - kẻ thù của làn da
MI là tên viết tắt của Methylisothiazolinone, một hợp chất được dùng làm chất bảo quản trong nhiều loại mỹ phẩm. Đáng tiếc, nó lại là nguyên nhân gây ra tình trạng viêm da, dị ứng.
Mỗi ngày chúng ta tiếp xúc với bao nhiêu tác nhân dị ứng và kích ứng? Vào năm 2011, một Tổ chức hoạt động môi trường đã công bố kết quả một khảo sát tiến hành với trên hơn 2.300 người về việc sử dụng sản phẩm chăm sóc cá nhân như mỹ phẩm, dưỡng ẩm, dầu gội đầu và dầu xả.
Theo khảo sát này, một người trưởng thành trung bình dùng khoảng 9 sản phẩm mỗi ngày, và trong 9 sản phẩm đó là 126 thành phần khác nhau. Một phụ nữ trung bình dùng khoảng 12 sản phẩm, chứa khoảng 168 thành phần. Ngoài ra, có khoảng 25% phụ nữ sử dụng nhiều hơn 15 sản phẩm mỗi ngày. Đó là rất nhiều tác nhân gây dị ứng và kích ứng tiềm tàng. Và đôi khi, các thành phần này còn gây nhiều vấn đề cho da.
Chúng ta hãy cùng xem xét trường hợp Sarah, ca đầu tiên trong làn sóng bệnh nhân mà tôi đã tiếp nhận năm 2013. Cô là một phụ nữ đẹp, cao ráo, có mái tóc vàng và đang làm giao dịch viên tại ngân hàng. Nhưng gần đây cô gặp một vấn đề với công việc của mình: Cô không thể tập trung được vì da quá ngứa. Điều đó cũng khiến cô không thể ngủ được vào buổi tối. Vết phát ban xuất hiện khắp trên mặt, cổ và thân trên khiến cô gãi mọi lúc, đôi khi mạnh đến mức rớm máu.
Cô đã đến khám tại văn phòng một bác sĩ da liễu địa phương và bác sĩ kết luận cô bị viêm da nghiêm trọng. Điều đó khá hiển nhiên, vì viêm da chính là thuật ngữ y học cho hiện tượng phát ban. Bác sĩ kê cho cô prednisone, một loại thuốc giúp giảm hiện tượng dị ứng ở da. Hiện tượng phát ban có giảm đôi chút, nhưng rồi khi hết đơn thuốc thì phản ứng đó lại trở lại và vẫn nghiêm trọng như trước.
Trong lúc tuyệt vọng, Sarah đã tìm đến tôi. Cô ấy chia sẻ rằng phản ứng trên da của cô ấy nghiêm trọng đến mức cô không thể chịu nổi nó nữa. Nghe có vẻ thái quá, nhưng cô ấy thậm chí đã nghĩ đến việc tự tử, điều này xảy ra ở các trường hợp nghiêm trọng nhiều hơn bạn nghĩ.
Tôi nhanh chóng khám cho Sarah để xác định xem cô ấy có phản ứng với tác nhân dị ứng phổ biến nào không. Kết quả là có! Cô ấy dị ứng với một chất bảo quản có tên methylisohiazolinone thường được sử dụng trong các sản phẩm chăm sóc cá nhân rửa trôi.
Sản phẩm chăm sóc cá nhân “rửa trôi” là những thứ như dầu gội và dầu xả, vốn không được nên tồn tại trên da trong thời gian dài, khác với sản phẩm chăm sóc cá nhân “không rửa trôi” như kem dưỡng ẩm, kem chống nắng hay đồ trang điểm.
Methylisothiazolinone, hay còn được biết đến với tên viết tắt là MI, có thể là chất kích hoạt một làn sóng phản ứng nghiêm trọng trong lĩnh vực da liễu. Nhưng một thành phần nhiều vấn đề như MI lại xuất hiện theo chu kỳ một vài năm khi ngành công nghiệp sản phẩm chăm sóc cá nhân phát triển.
Rất nhiều sản phẩm có chứa nước. Nếu đặt trong môi trường ẩm ướt của nhà tắm, chúng sẽ bị hỏng và vi khuẩn sẽ sinh sôi quá mức chỉ vài tuần sau khi sản xuất. Vì vậy, các công ty tạo ra chúng có xu hướng kết hợp chất bảo quản vào sản phẩm. Trong nhiều năm, paraben là một chất bảo quản phổ biến nhất. Nhưng rồi người tiêu dùng bắt đầu lo lắng về paraben, không biết chúng có đặc tính gây ung thư không.
Chính vì thế, nhiều nhà sản xuất đã tìm cách dán nhãn “không chứa paraben” trên sản phẩm bằng việc tìm kiếm chất bảo quản khác.
MI trở thành một trong số đó, bất chấp việc nó có tính gây dị ứng. Vì vậy, ban đầu nó được sử dụng với một hóa chất liên quan khác có tên là methylchloroisothiazolinone (MCI); hỗn hợp điển hình gồm ba phân tử MCI và một phần tử MI. Giữ mật độ MI thấp và sử dụng trong sản phẩm “rửa trôi” sẽ giảm nguy cơ gây dị ứng. Ít ra thì rõ ràng các nhà sản xuất đang nghĩ thế.
Sau đó, không hiểu lý do gì khiến các các công ty bắt đầu sử dụng MI nhiều hơn. Chất này bắt đầu xuất hiện trong sản phẩm với nồng độ cao hơn và "không có" đối tác là MCI. Nó cũng bắt đầu xuất hiện trong cả các sản phẩm không thuộc nhóm “rửa trôi.”
Theo tờ The New York Times, số lượng sản phẩm chứa MI đã tăng gấp đôi trong khoảng từ năm 2007 đến 2010. Colgate-Palmovive đã nhận nhiều chỉ trích vì thêm MI vào danh mục thành phần của một loại nước súc miệng phổ biến là Colgate Total Lasting White.
Trẻ em bắt đầu bị phản ứng sau khi nhiều công ty sử dụng chất bảo quản trong giấy ướt dùng cho trẻ em. Các phản ứng thu hút sự chú ý của truyền thông vì tình trạng của chúng có vẻ rất đáng báo động.
Bạn hãy thử nghĩ đến việc chúng ta dùng giấy ướt cho trẻ em ở những bộ phận nào trên cơ thể xem: chủ yếu là ở mặt và mông. Thật đáng sợ khi phải thấy vết phát ban nổi khắp nơi như đóng vảy ở bộ phận sinh dục và trên vùng da quanh môi của trẻ.
Những bác sĩ da liễu giống như tôi đã bắt đầu gặp nhiều bệnh nhân gặp chứng phát ban lan rộng và rõ rệt như Sarah. Ban đầu, xét nghiệm dị ứng của chúng tôi không tìm ra nguyên nhân vì chúng tôi đang kiểm tra tổ hợp giữa MCI và MI thay vì riêng MI với nồng độ cao hơn.
Khi nhận ra Sarah bị dị ứng với MI, tôi đã hướng dẫn cô ấy cách nhận ra chất này trên danh mục thành phần của sản phẩm. Chứng phát ban và ngứa nghiêm trọng bắt đầu giảm dần khi cô ấy tránh tiếp xúc với thành phần gây dị ứng. Phải mất vài tuần phản ứng của cô ấy mới hết hẳn. Nhưng khi khỏi hẳn, cô ấy đã dần dần ổn định lại cuộc sống của mình.
Ngày nay, trong giới nghiên cứu về viêm da tiếp xúc, chúng tôi gọi đó là “đại dịch MI”. Trên thực tế, Hiệp hội Viêm da tiếp xúc Mỹ mà tôi tham gia đã chọn MI là “tác nhân gây dị ứng của năm” vào năm 2013.
Bạn chỉ cần tìm kiếm về MI trên Google là có thể thấy được vô số trường hợp dị ứng nghiêm trọng do chất bảo quản này gây ra. Một trong những bài viết đáng sợ nhất là từ tài khoản blog Consumer Reports’ Consumerist đã mô tả chi tiết việc MI gây ra phản ứng toàn thân ở một bé gái 8 tuổi nghiêm trọng đến mức bác sĩ nói rằng “không thể nhìn thấy da cô bé nữa”.
Năm 2016, Liên minh châu Âu, nơi nghiêm túc nhất trong việc thực hiện điều chỉnh thành phần sản phẩm chăm sóc cá nhân đã cấm sử dụng hỗn hợp MI/MCI ở sản phẩm không rửa trôi. Đến năm 2017, khu vực này cũng cấm cả MI trong sản phẩm có thể tồn đọng trên da, bao gồm cả giấy ướt. Tuy nhiên, MI vẫn tiếp tục được cho phép xuất hiện trong các sản phẩm rửa trôi như dầu tắm, sữa tắm và xà phòng với mật độ thấp hơn 0,01%.
Các quy định có vẻ nới lỏng hơn ở khu vực Bắc Mỹ. Ở Mỹ và Canada, rất nhiều nhà sản xuất sản phẩm chăm sóc cá nhân đã giảm lượng sử dụng MI, nhưng chất này vẫn được tìm thấy trong một số sản phẩm không rửa trôi và rửa trôi, bao gồm cả xà phòng giặt - tôi đã gặp một vài trường hợp dị ứng vì nguyên nhân này.
Đã có thời gian những người phải vật lộn với tình trạng dị ứng với các chất thường được sử dụng trong thành phần mỹ phẩm phải hoang mang định vị giữa hằng hà sa số tên thành phần, tất cả đều cùng chỉ một chất.
Chẳng hạn như bạn bị dị ứng với diazolidinyl urea, một formaldehyde được sử dụng làm chất bảo quản trong sản phẩm chăm sóc da. Chất này còn có tên khác là Germall II. Cũng có người gọi nó là Germaben II. Dùng quá nhiều cái tên cho cùng một chất khiến nhiều người gặp khó khăn khi phải tránh chất có thể gây dị ứng.
Thế rồi Danh mục thành phần mỹ phẩm quốc tế (INCI) xuất hiện. Hệ thống này yêu cầu các thành phần phải được gọi bằng một cái tên được chuẩn hóa duy nhất.
Danh mục được công bố vào thập niên 1970, bao gồm 16.000 thành phần được Hội đồng sản phẩm chăm sóc cá nhân duy trì và được sử dụng ở nhiều nước lớn như Mỹ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản và đến năm 2006 thì thêm cả Canada. Ý tưởng này nhằm giúp mọi người có thể dễ dàng tránh tiếp xúc với chất có thể gây dị ứng hay kích ứng. Hầu như nhiều công ty đều tuân thủ danh sách này, nhưng đây không phải điều kiện bắt buộc.
Nguồn Znews: https://znews.vn/dai-dich-mi-ke-thu-cua-lan-da-post1455223.html