Đại dịch - môi trường thực hành 'lý tưởng' cho sinh viên ngành Y
Các giảng viên của Trường Y khoa Duke (Mỹ) bắt đầu hành động để phát triển một khóa học về đại dịch.
Qua đó, giúp sinh viên y khoa có thể nhìn về các đại dịch trong quá khứ, cách ứng phó ở thời điểm hiện tại và phòng ngừa trong tương lai.
Đại dịch định hình mục tiêu
Bác sĩ Y khoa Alison Clay vẫn nhớ số phòng 13 của bệnh nhân SARS (Hội chứng hô hấp cấp tính nặng) đầu tiên mà cô chăm sóc trong đợt bùng phát năm 2003 ở Mỹ. Hiện tại, Clay là Phó Trưởng khoa Giáo dục lâm sàng và Phó Giáo sư phẫu thuật tại Trường Đại học Y khoa Duke.
Tuy nhiên, năm 2003, Clay là nhân sự mới và đang theo học bác sĩ tại đơn vị chăm sóc đặc biệt phẫu thuật (SICU) của Bệnh viện Đại học Duke. Những kinh nghiệm mà Clay có được khi còn là một bác sĩ trẻ trong đại dịch SARS đã giúp định hình mục tiêu, khiến cô hoạt động như một nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
“Tôi nhớ mình đã nghĩ: Chà, bệnh nhân trong bệnh viện có khả năng mắc bệnh SARS và tôi có thể chăm sóc bệnh nhân này vì tôi đã được đặt lịch vào hôm nay”, nữ bác sĩ chia sẻ. Clay biết rằng, không nghi ngờ gì nữa, đại dịch Covid-19 ngày nay sẽ đóng một vai trò tương tự trong việc hình thành mục tiêu của các sinh viên y khoa mà cô dạy và cố vấn.
Mặc dù sinh viên y khoa hiện không chịu trách nhiệm chăm sóc trực tiếp bệnh nhân theo hướng dẫn của Hiệp hội Các trường cao đẳng Y khoa Mỹ (AAMC), nhưng họ có thể phải điều trị bệnh nhân trong một số đợt bùng phát trong tương lai sau khi gia nhập lực lượng y tế.
Đó là lý do tại sao Clay và Nancy Knudsen - Phó Trưởng khoa phụ trách môi trường học tập, Giáo sư gây mê và Phó Giáo sư phẫu thuật, đã phát triển một khóa học mang tên: “Ứng phó với Đại dịch: Quá khứ, Hiện tại và Tương lai”.
“Chúng tôi muốn giáo dục sinh viên về bản chất của đại dịch, cũng như hướng dẫn cách phản ứng và hỗ trợ trong giai đoạn chưa từng có này. Trên hết, chúng tôi có một số sinh viên cần các tín chỉ khác nhau để tốt nghiệp. Họ có khả năng sẽ không thể thực hiện các hoạt động theo lịch trình. Vì vậy, chúng tôi cũng muốn tạo cơ hội cho họ”, bà Knudsen cho biết.
Ed Buckley - Phó Trưởng khoa giáo dục của trường chia sẻ, đây là một cơ hội phi thường cho sinh viên. “Họ sẽ sớm trở thành những bác sĩ trên tuyến đầu chăm sóc bệnh nhân. Vì vậy, chúng tôi cảm thấy mình có nghĩa vụ tạo cơ hội học tập cho họ”, ông Buckley nói. Ý tưởng cho khóa học được đưa ra ngay sau khi đại dịch bắt đầu bùng phát tại Mỹ.
Trong những tuần đầu tháng 3, bác sĩ Knudsen và Clay đã dành hơn 250 giờ để thiết kế chương trình giảng dạy, xác định các nội dung của chương trình. Đồng thời, xây dựng một đội gồm các bác sĩ lâm sàng, nhà giáo dục và nhân viên hậu cần để biến kế hoạch thành hiện thực.
Trong khi tất cả các hoạt động giáo dục đã chuyển sang trực tuyến, học sinh vẫn phải tham dự lớp học và hoàn thành dự án. Vì vậy, để cung cấp cho sinh viên sự linh hoạt với lịch trình và khối lượng công việc, khóa học được xây dựng bằng cách sử dụng mô hình mới.
Qua đó, cho phép các phiên bản tín chỉ 1, 2, 3 hoặc 4. Có bốn quá trình trong chương trình gồm: Lịch sử, đợt bùng phát hiện tại, chính sách hệ thống y tế và thực hành y tế. Mỗi mô-đun được xây dựng dựa trên phần tiếp theo. Người hướng dẫn là các chuyên gia trong lĩnh vực chăm sóc quan trọng, y học cấp cứu, lịch sử y học và các khuôn khổ đổi mới về chăm sóc sức khỏe.
Nghiên cứu sinh Rui Dai cho biết: “Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến cuộc sống của tất cả mọi người. Khóa học cung cấp cái nhìn sâu sắc về lịch sử và cách tiếp cận hiện tại đối với đại dịch. Tôi thực sự muốn tận dụng cơ hội và học hỏi nhiều nhất có thể từ một tình huống đầy thử thách như vậy”.
Mary E. Klotman - Trưởng khoa Y của Đại học Duke chia sẻ, là một bác sĩ kiêm nhà nghiên cứu bệnh truyền nhiễm, bà đã dành những năm đầu tiên ở tiền tuyến khi HIV mới xuất hiện. Covid-19 đã mang đến một cơ hội khác để học hỏi. Đồng thời, là cơ hội để học sinh của bà có cơ hội phát triển và đóng góp trong thời kỳ đại dịch.
Bài học từ quá khứ
Sinh viên y khoa cũng được hiểu rõ hơn về các đại dịch trong quá khứ, bao gồm tổng quan về bệnh cúm Tây Ban Nha năm 1918, dịch bệnh bại liệt ở Mỹ vào giữa thế kỷ 20 và dịch HIV bắt đầu từ những năm 1980. Người học tham gia thảo luận về vai trò của nhân viên y tế trong thời kỳ đại dịch. Sau đó, chọn một cuốn sách về đại dịch để thảo luận nhóm.
Nhà sử học y khoa kiêm Giám đốc Trung tâm Đạo đức Sinh học, Nhân văn và Lịch sử Y học Jeffrey Baker chia sẻ: “Khi bạn nghĩ về nó, mọi thế hệ trong thế kỷ qua đều phải đối mặt với một đại dịch. Mỗi trải nghiệm đó có thể dạy chúng ta những bài học quý giá về hệ sinh thái của vi sinh vật và cách chúng tương tác với xã hội loài người.
Lịch sử của các đợt đại dịch cũng có thể cho chúng ta biết về bản thân. Chống lại dịch bệnh có thể mang con người đến gần nhau hơn. Song, dịch bệnh cũng có thể chia cắt chúng ta. Đồng thời, biến đồng bào của chúng ta thành những mối đe dọa tiềm tàng và tạo ra nỗi sợ hãi về ‘người kia’”.
Norah Karlovich - một sinh viên y khoa năm thứ ba, cho biết ban đầu cô bị lôi cuốn vào khóa học vì lịch sử. Trải nghiệm của cô trong khóa học Lịch sử Y học Thế kỷ 20 đã gây ấn tượng cho sinh viên này về vai trò quan trọng của kiến thức lịch sử đối với các sự kiện hiện tại. “Đến nay, tôi bị ấn tượng bởi những điểm tương đồng mà chúng tôi có thể rút ra trong các phản ứng với Covid-19 và các đại dịch khác như dịch hạch.
Chúng tôi đã thảo luận về cách mà các đại dịch trong suốt nhiều thế kỷ tiếp tục làm nổi bật sự chia rẽ rõ rệt và dai dẳng giữa các tầng lớp kinh tế xã hội, chủ nghĩa bài ngoại và nỗi sợ hãi lan tràn về ‘kẻ thù vô hình’. May mắn thay, chúng tôi có thể thảo luận về các khía cạnh tích cực của đại dịch này, như sự gia tăng tình nguyện viên và chất lượng không khí được cải thiện đáng kể do du lịch giảm”, sinh viên này chia sẻ.
Can đảm không phải là không sợ
Sinh viên tại Trường Y khoa Duke được yêu cầu nghiên cứu các so sánh giữa đại dịch Covid-19 với lịch sử. Đồng thời, quan sát phản ứng của phương tiện truyền thông đối với sự bùng phát Covid-19 và ghi nhật ký hằng ngày về phản ánh diễn biến của đợt bùng phát.
Jordan Hildenbrand - một sinh viên y khoa năm ba, cho biết: “Tôi đăng ký khóa học vì đây là một cơ hội tuyệt vời để tham gia vào chủ đề đại dịch, trong khi đang sống giữa đại dịch. Đó là một cách hiệu quả hơn để phân bổ suy nghĩ lo lắng của tôi về đại dịch Covid-19.
Bởi, đây cũng là một cơ hội để đóng góp thực sự vào việc chuyển hình thức giảng dạy sang định dạng trực tuyến, thông qua thực tiễn đổi mới giáo dục và cơ hội kết nối với các bạn cùng lớp. Những điều đó sẽ được thực hiện dựa trên một chủ đề liên quan trực tiếp đến cuộc sống của chúng ta ngay bây giờ và thực hành y tế trong tương lai”.
Julian Hertz - Trợ lý giáo sư phẫu thuật và sức khỏe toàn cầu đã chia sẻ kinh nghiệm khi làm tình nguyện viên tại một phòng khám sức khỏe ở Haiti sau tốt nghiệp đại học. Việc trở thành tình nguyện viên đã giúp ông quyết định chuyển sang ngành y và sau đó là theo đuổi y học cấp cứu.
Hiện, ông là một trong những bác sĩ tham gia đặt nội khí quản cho bệnh nhân Covid-19 tại khoa cấp cứu, Bệnh viện Đại học Duke. Đó là một công việc có rủi ro phơi nhiễm đặc biệt cao và nam bác sĩ này không hề chủ quan. Tuy nhiên, ông cho biết, niềm đam mê giúp đỡ mọi người và sự tôn trọng dành cho người thầy thuốc chính là động lực.
“Sẽ là nói dối nếu tôi nói rằng mình không cảm thấy lo lắng và sợ hãi. Mỗi lần phải mặc đồ bảo hộ, tôi cảm thấy một chút lo lắng, kích động. Tuy nhiên, can đảm không phải là không sợ hãi, mà chỉ là làm những gì chúng ta đã đặt mục tiêu. Chúng ta chỉ cần nhớ rằng, đây là sứ mệnh cốt lõi của việc trở thành một bác sĩ. Đây là điều khiến công việc của chúng ta trở nên tuyệt vời, nhưng đôi khi cũng thực sự khó khăn”, ông Hertz bày tỏ.
Các sinh viên y khoa cũng được học về chính sách công, sức khỏe toàn cầu và khả năng lãnh đạo trong thời kỳ đại dịch. Họ được tìm hiểu về các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm ứng phó với những cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng, bao gồm sở y tế cũng như các tổ chức quốc gia, quốc tế như Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh hay Tổ chức Y tế Thế giới.
Ngoài việc tham gia vào các cuộc trò chuyện trực tuyến, sinh viên chọn một ổ dịch cụ thể trong quá khứ và chuẩn bị một bài thuyết trình. Từ đó, nhằm nêu bật cách các cơ quan địa phương, quốc gia và quốc tế phản ứng cũng như đưa ra cách ngăn chặn ổ dịch.
Thực hành y học trong đại dịch
Các sinh viên cũng cần thể hiện một cách sáng tạo về khả năng đóng góp vào việc chăm sóc bệnh nhân, nghiên cứu hoặc giáo dục trong thời gian đại dịch bùng phát. Sinh viên y khoa không được phép điều trị trực tiếp bệnh nhân. Tuy nhiên, họ được yêu cầu hình dung những cách khác để có thể giúp đỡ.
“Các sinh viên của chúng tôi đã thực sự tiến bộ và đang đóng góp theo nhiều cách. Một số đang học cách sử dụng dữ liệu từ hồ sơ sức khỏe điện tử. Nhờ đó, nghiên cứu tác động của Covid-19 đối với việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Trong khi đó, những người khác đang tìm hiểu về công nghệ giáo dục để đào tạo từ xa. Đồng thời, phát triển một mô-đun giáo dục mà bạn bè họ có thể sử dụng để học”, ông Buckley cho biết.
Bên cạnh đó, người học cũng tham gia các buổi làm việc từ xa với bệnh nhân ngoại trú và các nhóm trong bệnh viện thông qua iPad. Sinh viên hiện sử dụng các công nghệ mới để chế tạo thiết bị bảo vệ, hạn chế lây lan dịch bệnh. Thậm chí, họ có thể sử dụng công nghệ để sản xuất máy thở và tình nguyện hỗ trợ các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Theo Medschool
Sinh Phúc