Đại dịch thức tỉnh nhân loại

Trong lịch sử hiện đại, có lẽ chưa bao giờ loài người phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng còn hơn cả hai cuộc chiến tranh thế giới trong thế kỷ 20, khi chỉ hơn 3 tháng, đại dịch Covid-19 đã lan khắp toàn cầu với 211 quốc gia và vùng lãnh thổ có người nhiễm, gần 110.000 người tử vong, hơn 4 tỷ người phải thực hiện cách ly.

Nỗi lo sợ bao trùm gần 8 tỷ người dân, làm đau đầu tất cả nguyên thủ quốc gia, kể cả những nước hùng cường nhất.

Bất an là điều đáng sợ số một của con người và rõ ràng, sự bất an của toàn nhân loại còn đáng lo ngại hơn rất nhiều so với sự suy giảm của nền kinh tế toàn cầu, bởi dù giàu có và hiện đại đến đâu thì con người cũng không thể vui vẻ, hạnh phúc khi phải đối diện với sự nguy hiểm.

Sức khỏe, tính mạng là yếu tố tiên quyết trong cuộc sống. Đó là chân lý!

Nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng nhận thức và triển khai thực hiện các hành động với ưu tiên trước hết vì sức khỏe, tính mạng, an toàn cuộc sống con người. Thực tế là bao năm qua, nhiều quốc gia thường mải mê “chạy đua” phát triển tiềm lực kinh tế và quân sự để giành ngôi thứ hùng cường, cuốn cả thế giới vào cuộc đua ấy. Nhân loại cũng dồn rất nhiều công sức, của cải, trí tuệ để nghiên cứu phát triển những công nghệ, phương tiện hiện đại với mục tiêu lợi nhuận gần như được đặt lên hàng đầu mà quên đi rằng chính những công nghệ đó đang "lười hóa" con người, đấy là còn chưa tính đến hiệu quả thực chất mà chúng mang lại. Để chạy theo những "cuộc đua" ấy, chúng ta đã lấy mất bao tài nguyên thiên nhiên? Hàng triệu nhà máy đã và đang đưa bao nhiêu khí thải, nước thải, chất thải độc hại ra môi trường? Đến bao giờ hàng tỷ tấn vật dụng hư hỏng và bị thay thế do lỗi thời mới có thể phân hủy, hay chúng sẽ dần chiếm mất sự sống?

Dù muốn hay không, đại dịch Covid-19 đã buộc mọi tổ chức, doanh nghiệp, quốc gia và mỗi người phải "sống chậm". Trong bối cảnh lần đầu tiên gần như toàn thế giới phải thực hiện giãn cách xã hội, rất nhiều nơi phải cách ly, thậm chí là phong tỏa tuyệt đối như chấp hành lệnh giới nghiêm, có nhiều thời gian để chiêm nghiệm, suy ngẫm, rồi mỗi giờ lại tiếp nhận thông tin hàng nghìn người tử vong vì dịch bệnh… con người chưa khi nào cảm thấy cuộc sống lại chông chênh như thế!

Làm gì để có cuộc sống thực sự hạnh phúc là suy nghĩ của hàng tỷ người trong những ngày phải "sống chậm" để ứng phó với đại dịch nguy hiểm. Qua nguy biến do chủng mới của virus Corona gây ra, mỗi chúng ta càng nhận rõ thế giới đang có rất nhiều điều phi lý. Lĩnh vực y tế để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, tính mạng con người lẽ ra là quan trọng nhất, cần được quan tâm nhiều nhất, thì không ít quốc gia đã giảm chi tiêu y tế để tăng chi tiêu quân sự; thừa vũ khí hiện đại mà lại thiếu trang thiết bị cứu người. Rất nhiều việc con người đã và đang tập trung nghiên cứu, sản xuất được gắn mác “vì sự phát triển” nhưng thực chất càng gây nguy hiểm cho cuộc sống, thậm chí có thể dẫn tới nguy cơ thế giới diệt vong như vũ khí sinh học, hóa học, hạt nhân. Sản xuất công nghiệp ồ ạt, tác động quá nhiều vào tự nhiên tất yếu dẫn đến biến đổi khí hậu toàn cầu và dịch bệnh đe dọa sự sống muôn loài…

Thế giới hãy thức tỉnh và đoàn kết lại vì cuộc sống thực sự thanh bình, hạnh phúc là lời kêu gọi khẩn thiết và cũng là mong ước của mọi người, mọi nhà, nhất là trong đại dịch nguy hiểm này. Vừa qua, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres liên tiếp hai lần kêu gọi ngừng bắn toàn cầu, trong đó có câu nói rất đáng để người đứng đầu các quốc gia suy ngẫm: “Virus SARS-CoV-2 hoành hành đã thể hiện rõ sự điên rồ của chiến tranh. Đó là lý do tại sao hôm nay tôi kêu gọi ngừng bắn toàn cầu ngay lập tức ở tất cả mọi nơi trên thế giới". Trước đó, trong bài phát biểu đặc biệt về phát triển bền vững và biến đổi khí hậu, tại Islamabad (Pakistan) ngày 16-2, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cũng đã nhấn mạnh: Biến đổi khí hậu là trở ngại nghiêm trọng và cấp bách nhất đối với sự ổn định, thịnh vượng toàn cầu. Và những nỗ lực chung lớn lao hơn từ mọi quốc gia cũng như từ mỗi cộng đồng trên thế giới đóng vai trò cần thiết để đối phó với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng này.

Không an lành thì chẳng thể có hạnh phúc. Nhưng một tổ chức hay một vài quốc gia thì không thể tạo ra hòa bình và sự an lành. Chiến tranh, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, dịch bệnh nguy hiểm là kẻ thù chung của toàn nhân loại, không từ một ai và chỉ khi toàn thế giới thực sự đoàn kết chung tay mới có thể giải quyết. Vì thế, đã đến lúc tất cả quốc gia cần thay đổi nhận thức về sự phát triển với ưu tiên cao nhất là vì sự an lành, hạnh phúc thực sự của con người. Thay vì đầu tư tốn kém cho sản xuất vũ khí, chạy đua vũ trang và phát triển những ngành công nghiệp không thực sự cần thiết gây biến đổi khí hậu, hủy hoại sự sống, cần tập trung cho 3 lĩnh vực trọng yếu nhất là phát triển nông nghiệp để bảo đảm lương thực, thực phẩm; phát triển y tế để chăm sóc sức khỏe và phát triển năng lượng sạch để giữ gìn môi trường sống.

Nếu không sớm thay đổi nhận thức và thực sự đoàn kết, cùng tự giác chung tay hành động thì nhân loại sẽ không có cơ hội sửa sai!

CÁT HUY QUANG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/binh-luan/dai-dich-thuc-tinh-nhan-loai-615077