Đại dịch tiếp diễn hay 'bệnh đặc hữu Covid19': Tâm thế mới cũng là liều vaccine
Trong bối cảnh số ca F0 tăng lên từng ngày - mật độ tăng dày, đặc biệt ở các thành phố lớn thì thông tin 'tiến tới coi Covid-19 là bệnh đặc hữu' và quan điểm 'bình thường hóa dịch bệnh để phát triển' hiển nhiên nhận được sự quan tâm của cộng đồng.
Dẫn chứng, “hãy thử nhìn lại đại dịch cúm Tây Ban Nha, từ 1918, xuất phát ở Châu Âu và Hoa Kỳ, sau đó lan rộng 1/3 dân số toàn cầu – cướp đi sinh mạng hơn 50 triệu người, vào thời điểm dân số chỉ bằng 1/4 hiện nay”, ông Vũ Việt Anh - một chuyên gia giáo dục nhìn nhận, “chúng ta may mắn hơn nhiều khi y tế hiện đại, có vaccine sớm hơn và kinh nghiệm trải qua nhiều đợt dịch”:
"Có thể coi Covid-19 như bệnh đặc hữu được rồi vì vaccine đã phủ rộng, cũng đã có những phác đồ điều trị, cách thức dự phòng hiệu quả, tỉ lệ tử vong ở nhóm tiêm giảm rất nhiều so với những bệnh dịch khác. Tự tin bình thường được không có nghĩa là coi thường hay lạc quan quá mà cần dự phòng, tuyên truyền sâu rộng để người dân có ý thức tự bảo vệ"- ông Anh nói.
Ở góc độ an sinh-an dân, chuyên gia Mạc Văn Tiến – một bệnh nhân Covid-19 nhìn nhận vấn đề bình thường hóa dịch bệnh thận trọng hơn một chút, tâm thế đã rất khác.
"Covid-19 đang tràn lan – nhiều ca F0 chủ quan, nhiều người không khai báo và y tế quá tải, dễ loang ra, ảnh hưởng sản xuất kinh doanh. Cần thống nhất việc chung sống thích ứng linh hoạt để vẫn phát triển sản xuất và đảm bảo sức khỏe. Quan trọng nhất là phải tự bảo vệ mình; tăng năng lực y tế cơ sở để khôi phục lại, phát triển kinh tế chứ chúng ta không thể phòng chống, cách ly các kiểu như xưa"- ông Tiến nêu quan điểm.
Khi cộng đồng có những cá nhân không tham gia sản xuất kinh doanh, lại nhận diện rõ tầm quan trọng của sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh, những người trong cuộc như doanh nhân Lưu Hải Minh - Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội không chỉ có động lực hơn mà nhận diện rõ hơn trách nhiệm “vừa sản xuất kinh doanh, vừa chung tay hạn chế thiệt hại và lây lan dịch”.
"Ai nặng đến bệnh viện, không thì ở nhà - không sợ hãi bệnh này nữa, không cần đầu tư nguồn lực mua kit xét nghiệm hàng ngày và nhìn thấy F0 là ghê sợ nữa. Cần đổi mới nhận thức về công việc kinh doanh. Phải mở cửa kinh tế thôi. Chúng ta phải đi làm ăn, phải giao tiếp với nước ngoài, phải nhập khẩu và xuất khẩu, đáng nên làm. Không ai dạy cho chúng ta dịch bệnh nó sẽ như thế nào nhưng rõ ràng bài học đồng lòng là thắng lợi cho Việt Nam chúng ta" - ông Minh nhấn mạnh.
Một căn bệnh lạ đột ngột xuất hiện, trở thành dịch, thành cơn sóng trào, càn quét kinh tế, tàn phá sức lực, hủy diệt sinh mạng của biết bao người - rồi cũng đến lúc “thoái trào” - khi cùng với sức mạnh trí tuệ, tinh thần đoàn kết là một tâm thế mới rất nhân sinh, không thể nào khác được. Gần gũi hơn, như quan điểm của bác sĩ Nguyễn Trọng An là “phải đến lúc coi nó như bệnh thông thường, chỉ cần tăng cường nhận thức để tác hại được giảm thiểu sớm”.
"Đại dịch tiếng Anh là epidemic – tồn tại 2 năm nay rồi, còn bệnh đặc hữu (endemic) là bệnh thường gặp, do virus, với nhiều chủng loại, độ nguy hiểm không cao và phòng ngừa- sống chung được. Đã 2 năm rồi, có vaccine từ 12 tuổi rồi. Dịch sẽ lây lan nhanh như cúm mùa, nhưng nếu chúng ta phòng tốt, điều trị thông thường, qua nhanh. Thủ tướng giao ngành y tế phải nghiên cứu, công bố coi Covid -19 là bệnh đặc hữu là chính xác"- ông Hải bày tỏ.
Có thể nói, những ý kiến trên không đại diện cho cộng đồng mà đơn thuần thể hiện tâm thế mới ở rất nhiều cá nhân.
“Coi Covid19 là bệnh đặc hữu” – liệu có là quá sớm hay không? Diễn biến của đại dịch đã nhanh chóng thay đổi với sự xuất hiện các biến thể mới của virus SARS- CoV-2, khiến các quốc gia đã trải qua thời gian dịch bệnh ổn dịnh kéo dài lại phải đối mặt với hậu quả của các làn sóng lây nhiễm và nhập viện. Tiến sĩ Maria Van Kerkhove - Trưởng nhóm kỹ thuật Covid-19 của Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo mọi tâm lý chủ quan, cũng lo ngại về hiệu quả của một số loại vaccine.
“Virus đang trên đường trở thành đặc hữu. Tuy nhiên cần phải nhớ rằng chúng ta vẫn đang ở giữa đại dịch. Bây giờ chắc chắn ta thấy tỷ lệ nhập viện ít hơn nhưng số lượng lớn các trường hợp đang thực sự tạo ra gánh nặng cho hệ thống chăm sóc sức khỏe. Vì vậy, tác động mà chúng ta đang thấy thực sự rất đáng kể”.
Tổ chức Y tế thế giới và giới khoa học đã kêu gọi dành nhiều nguồn lực hơn để phát triển vaccine mới, cũng như các phương pháp điều trị. Không ai có thể lường trước sự xuất hiện của các biến thể và tác động của chúng. Sự không chắc chắn này là một phần của cuộc sống và bệnh đặc hữu không có nghĩa là chúng ta từ bỏ cuộc chiến chống lại đại dịch./.